Sunday 17 August 2014

CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1945-1975)

VIII. CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH,
PHẢN BỘI VÀ RUỒNG BỎ
Khi người ta mang vũ khí đánh nhau gieo tang tóc cho con người và điêu tàn cho đất đai, gọi là “thời chiến tranh”. Khi không gây chiến tranh, không bắn giết nhau, thiên hạ yên vui sinh sống, gọi là “thời hòa bình”. Nhưng khi người ký hiệp ước hòa bình rồi mà vẫn xả súng bắn giết nhau, xương rã rừng sâu, máu tràn phố thị, gây tang điền thương hải, thì gọi là thời gì? Không có câu trả lời. Không có chữ nào khả dĩ ghi vào tự điển. Thôi xin tạm gọi là “thời bội ước” hay “thời bội tín”.

Mùa Hè, đầu tháng 4 năm 1972, khi hòa đàm Paris chưa ngã ngũ, đột nhiên CSBV tung 14 sư đoàn chính quy bộ binh, 26 trung đoàn chuyên môn và độc lập gồm pháo binh, công binh, chiến xa, phòng không, đặc công, tương đương 22 sư đoàn, từ 180,000 đến 200,000 quân tác chiến, không kể một số gấp đôi yểm trợ hậu cần trên các tuyến vận chuyển vũ khí và lương thực, chia làm ba mũi dùi tấn công Miền Nam. Mũi thứ nhất tấn công QĐI & QK1, chiếm Gio Linh, Đông Hà và Cam Lộ, vượt Thạch Hãn, chiếm cổ thành Quảng Trị. Mũi thứ hai, tấn công QĐII & QK2, chiếm Dak-To, Tân Cảnh, bao vây Kon-Tum ở cao nguyên; chiếm Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ ở duyên hải. Mũi tấn công thứ ba, từ biên giới Miên tấn công vào Tây Ninh và Bình Long, chiếm Lộc Ninh, bao vây tấn công định chiếm tỉnh lỵ An Lộc để ra mắt Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Tổng Công kích này của CSBV kéo dài đến tháng 7/1972. Ở mọi mặt trận QLVNCH đã chứng tỏ cho CSBV, cho Hoa Kỳ, và cho thế giới thấy rõ là một quân đội đã thực sự trưởng thành trên mọi mặt, thiện chiến, dũng cảm và kỷ luật. Dưới sự chỉ huy của tướng lãnh trẻ thao lược, các sĩ quan cấp tá và úy trẻ kiến thức và can trường, chiến sĩ hải lục không quân đánh tan tất cả cả các mũi tấn công của CSBV ở mọi Mặt Trận. Dĩ nhiên, QLVNCH đã được sự yểm trợ hỏa lực mạnh của Không và Hải Quân Hoa Kỳ. Cũng dĩ nhiên Tổng thống Nixon phải quyết định cứng rắn yểm trợ Nam Việt Nam vì sách lược “Việt Nam hóa Chiến tranh” để “rút quân trong danh dự” chưa hoàn tất. Khi chiến dịch TCK mùa Hè của CSBV [“Eastertide Offensive”] mở màn, tất cả các đơn vị tác chiến đồng minh đã rút hết, Hoa Kỳ rút được 90% trên tổng số 558,000 quân tác chiến.



TRẬN AN LỘC-1972
Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là năm 1972, ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử tổng quát diễn ra. Nixon không thể để thua ở Miền Nam, vì sẽ kéo theo sự thất bại của Đảng Cộng Hòa ở Quốc hội và ở tất cả các tiểu bang. Quan trọng hơn tất cả là Nixon sẽ mất Bạch ốc. Nixon yểm trợ mạnh mẽ cho QLVNCH trong năm bản lề này thực ra là để bảo vệ cho sự nghiệp chính trị của ông. Vì vậy, chẳng những ra lệnh yểm trợ không quân chiến lược tối đa cho QLVNCH trong cả hai giai đoạn phòng thủ và phản công ở Miền Nam đầu tháng 5/1972, ông còn ra lệnh cho phong tỏa Cảng Hải Phòng và Vịnh Bắc Việt [Kế hoạch Pocket Money], đồng thời không tập Bắc Việt không hạn chế mục tiêu [“Kế hoạch Linebacker I & II”]. Cảng Hải Phòng trước khi bị phong tỏa, tiếp nhận tất cả vũ khí đạn dược thiết bị chiến tranh từ Liên Xô (và khối Cộng sản Đông Âu) đến, là bãi đổ của hai đội chuyển vận hạm Hải quân Liên Xô. Đội thứ nhất gồm 125 chiếc xuất phát từ quân cảng Odessa; đội thứ hai gồm 25 chiếc xuất phát từ Vladivostok. Liên Xô và Trung Cộng đã trở thành hai kẻ thù từ mươi năm trước, nên hai tuyến vận chuyển hỏa xa chiến lược Côn Minh-Hà Nội và Nam Ninh-Hà Nội chỉ còn chuyển riêng vũ khí và chiến phẩm của Trung Cộng cho CSVN. Money Pocket thành công, tuyệt đường tiếp vận của Liên Xô cho Bắc Việt, nhưng Linebacker bị phản ứng vô cùng dữ dội. Lúc đó, BTL Không Quân và Phòng không Bắc Việt đã có hệ thống phòng không gồm 200 chiến đấu cơ Mig-17, Mig-19 và Mig-21 và 2,000 hỏa tiễn địa không SA-2 và SA-7. Trời đất Miền Bắc đỏ lửa, nhưng hàng trăm phản lực cơ và B-52 Hoa Kỳ bị bắn rơi trong hai đợt không tập Linbacker.

Một điều đáng nêu lên mà từ trước nhiều nhà viết quân sử đã không đề cập đến là khi Hạm Đội 7 Hoa Kỳ thực hiện hai kế hoạch trả đũa Pocket Money và Linebacker I ở Miền Bắc thì trận chiến trong Miền Nam, ở Quảng Trị, Kon Tum và An Lộc cũng đang diễn ra dữ dội. Trong khi mọi nơi trên thế giới đã tạm thời hưởng an bình, cả cuộc chiến tranh lạnh cũng dịu dần, thì chỉ riêng một góc trời Việt Nam rực lửa. Mỗi người trong thế hệ chúng tôi hình như là một nạn nhân trong một bi kịch lớn nhất của nhân loại hay ít nhất cũng là chứng nhân của một hí trường rơi nước mắt, lòng rười rượi buồn mà hỏi “tạo hóa gây chi cuộc hí trường”... trước sự thay đổi lớn lao của khung trời Việt Nam chẳng khác nào nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan đã từng bâng khuâng hỏi khi nhìn đất trời Thăng Long ngày nào. Có thể chưa ai quên, tháng 2/1972, sau khi Kissinger dàn xếp mật với các giới chức CSTQ, Nixon chính thức viếng Bắc Kinh trong vòng một tuần (21-28/2/1972) họp một lần với Mao Trạch Đông, nhưng rất nhiều lần với Chu Ân Lai. Đến tháng 5/1972, Nixon sang viếng thăm Moscow trong tám ngày (22-30/5/1972) gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Nga Leonid Brezhnew và Thủ tướng Alexei Kosygin, ký các hiệp ước quan trọng “Anti-Ballistics Missile” [ABM] và “Strategic Arms Limitation Treaty” [SALT] thì trật tự của một thế giới mới đã được sắp xếp và cuộc chiến Việt Nam đã đi vào giai đoạn kết thúc. Nhưng sao lại kết thúc một cách long trời lở đất như vậy?

Thực ra Việt-Nam-sideshow và cục-diện-thế-giới-mới chỉ là một trong con mắt của Nixon và Kissinger. Giải quyết nan đề Việt Nam gần như giải quyết mọi nan đề khác. Đối với Nixon, một mục đích duy nhất là củng cố vị thế của ông, chưa hẳn là mang lại danh dự và ích lợi cho Hoa Kỳ. Nhóm từ sau là sản phẩm màu mè. Vì quyền lợi và danh dự của một người mà làm tổn thương và đau lòng một dân tộc, mắt của thế hệ chúng tôi không chỉ nhìn thấy có một người mà hàng “tá”. Nhưng chúng tôi chỉ hận một người, Kissinger, một đạo diễn tồi, một cố vấn tối ngu của Nixon, nhưng là một ông vua không ngai, đã tạo một hí trường máu như một Néron. Ông vua này nổi lửa đốt một La Mã để mua một trận cười, Kissinger đốt cháy một Việt Nam, giết chết trên 6 triệu người và đưa vào hỏa ngục 60,000,000 người khác để tạo một tiếng cười cho Nixon hay cái tiếng tăm cho riêng mình. Sau mùa Hè 1972, nếu Miền Nam thua, hoặc Miền Bắc không trở lại bàn hội nghị, có nghĩa là Nixon thua cuộc, mất Bạch Ốc... vì vậy, Kissinger đã có thể âm mưu cùng Chu Ân Lai xúi bẩy Miền Bắc tấn công Miền Nam, để Hoa Kỳ đốt cháy cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, diệt bớt sức mạnh để dễ dàng thao túng. Đây là lý giải thích hợp nhất cho một chiến cuộc leo thang bất chợt của năm bản lề 1972. Cả hai miền thành vật tế thần cho Nixon đăng quang lần thứ hai. Như vậy cũng có nghĩa là Hoa Kỳ đã cam kết đền công cho CSTQ. Còn đền công, hay đền ơn, ở mức độ nào là điều cần phải nói bằng hàng nghìn trang giấy. Lịch sử sẽ chứng minh các điều trên đây chớ không phải những tài liệu được giải mật, không phải “Memories” của Nixon và Kissinger. Kissinger từng thổ lộ với một phụ tá là “sẽ áp dụng phương thức tàn nhẫn nhất để giải quyết chiến tranh không thể để kéo dài thêm bốn năm nữa trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Nixon.” Trong khi đó thì Winston Lord, một phụ tá khác của Kissinger tiết lộ: “The President felt that he had to demonstrate he couldn’t be trifled with --and frankly, to demonstrate our toughness to Thieu --this was the rationale for the bombing.” [Tổng thống cảm thấy cần phải chứng tỏ là ông không thể bị coi thường --và, thành thực mà nói-- muốn chứng tỏ cho Thiệu biết sự cứng rắn của chúng tôi. Điều này hợp lý nhất... về việc dội bom”] (43) Chính xác. Hoa Kỳ dội bom Miền Bắc dữ dội và áp bức Tổng thống Thiệu của Miền Nam dữ dội hơn để có được một hiệp ước hòa bình trong... “danh dự”.

Sau các trận không tập Linebacker I, ngày 1/10/1972, Lê Đức Thọ yêu cầu Kissinger tái họp. Ngày 8/10/1972, Thọ trao cho Kissinger bản dự thảo “Chấm dứt Chiến tranh và Phục hồi Hòa bình” [“Ending the War and Restoring Peace” in Vietnam]. Washington chấp nhận.

Dự thảo có hai phần quan trọng: về quân sự Hoa Kỳ rút toàn bộ quân lực về nhưng Bắc Việt vẫn lưu giữ 150,000 quân ở lại Miền Nam. Trao đổi tù binh...  Về chính trị sẽ thành lập Hội đồng Hòa giải Quốc gia [National Council of Reconciliation]. Sau một thời gian ngắn co kéo, o ép, và đình hoãn và đánh bom kinh khiếp ngay cả thủ đô Hà Nội làm cho dư luận Hoa Kỳ tưởng rằng chiến tranh sẽ chấm dứt với sự thắng lợi đầy danh dự cho Hoa Kỳ. Kết quả là Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai với 60.7% tổng số phiếu bầu. Từ tháng 8/1972 toàn bộ đơn vị tác chiến Hoa Kỳ đã rút khỏi Miền Nam. Ngày 29/12/1972, Nixon ra lệnh chấm dứt chiến dịch Linebacker II. Trên thực tế, nếu Hoa Kỳ chỉ cần đánh bom thêm một tuần lễ nữa, Bắc Việt sẽ đầu hàng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không muốn cho CSVN thua, vì lý do ràng buộc nào đó với... CSTQ, giữa Kissinger và Chu Ân Lai.

Ngày 18/10/1972, Tổng thống Thiệu đã lạnh nhạt đón Kissinger đến Dinh Độc Lập với bản văn hiệp định đã được Hoa Kỳ và CSBV đồng ý, là thành quả mật đàm giữa Thọ và Kissinger mà trước đó ông chưa hề được tham khảo ý kiến. Người ta chỉ yêu cầu ông ký... và họ dự định ký vào ngày 31/12/1972.



BẢN ĐỒ NAM VIỆT NAM SAU NGƯNG BẮN
Ông Thiệu có yêu cầu xét lại các điều khoản về quân sự và chính trị nêu trên, nhưng dưới áp lực cảnh cáo đình chỉ mọi viên trợ, cuối cùng ông đã phải ép lòng chịu cho ký hiệp ước, chỉ được tu chỉnh một ít tiểu tiết. Hiệp ước Paris được ký ngày 27/1/1972 thực chất gồm các “điều khoản thua trận” của Hoa Kỳ: rút toàn bộ quân lực khỏi Việt Nam, triệt bỏ tất cả căn cứ quân sự và không được mang quân trở lại Đông Dương để gây thêm chiến tranh; vét mìn đã phong tỏa Vịnh Bắc Việt và Cảng Hải Phòng; bồi hoàn chiến tranh cho ba nước Đông Dương. Hoa Kỳ chỉ có cái lợi duy nhất là đem về được 566 tù binh.

Hiệp ước cũng hàm chứa sự ruồng bỏ Nam Việt Nam của Hoa Kỳ, mặc CHVN cho số phận bi đát có thể... tính trước ngày chết. Trong một lần thảo luận, chính Nixon đã nói với Kissinger: “South Vietnam probably can never even survire any way.” [“Bằng mọi cách, Nam Việt Nam chắc không bao giờ còn tồn tại.”] Về thời gian Miền Nam sụp đổ thì Kissinger nói rõ với Nixon: “We got to find some formula that holds the thing together a year or two, after which --after a year, Mr. President, Vietnam will be a backwater. If we settle it, say, this October, by January 1974, no one will give a damn.” [Chúng ta cần phải tìm một công thức giữ mọi thứ ổn định trong một hoặc hai năm, sau đó –sau một năm, thưa Tổng thống, Việt Nam sẽ là một vùng khỉ ho cò gáy, không còn ai chú ý đến nữa. Nếu chúng ta thực hiện được công thức này, có thể nói, bây giờ là tháng 11... đến tháng 1/1974, còn ai thán oán gì nữa...] (44) Lối ruồng bỏ vô nhân này, Frank Snepp, một nhân viên CIA từng phục vụ ở Việt Nam, viết thành quyển sách gọi là “Decent Interval” có thể dịch là “Khoảng cách An toàn”. Kissinger nghĩ rằng sau một năm khi Hiệp định Paris được thi hành, Việt Nam trở thành một nơi hẻo lánh, Nam Việt Nam có sụp đổ Hoa Kỳ không liên luỵ gì nữa và cũng không ai còn để ý đến nữa. Câu chuyện ở buổi đàm đạo này của Nixon-Kissinger diễn ra trong tháng 11/1972 (trước khi Hiệp định Paris ký kết) sau đó được tiết lộ, cho thấy cặp bài trùng này đã dùng công thức [“formula”] sau đây: “Hiệp ước Paris 1973 + 4.75 tỷ Mỹ kim viện trợ CSVN + cắt tối đa viện trợ quân sự cho Miền Nam”. Tất cả mô hình kiến trúc “ruồng bỏ và lẩn tránh trách nhiệm” này đã được thực hiện. Về sau, Kissinger còn đem mô hình đó giúp cho Tổng thống Bush thứ hai áp dụng ở Iraq cho đến đỗi các sử gia Hoa Kỳ gọi là “Kissinger’s Strategy Decent Interval”. Tuy nhiên lịch sử chứng minh ngược lại. Và kẻ ngu là kẻ coi thường lịch sử. Trở lại thời điểm đó, CSBV tất nhiên đã chiếm tất cả mọi thắng lợi của Hiệp định Paris-1973, Cảng Hải Phòng mở rộng thêm tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí và chiến phẩm hàng tuần, Đường mòn HCM tự do tu bổ thành hệ thống rộng lớn gồm cả Trường Sơn Tây và Trường Sơn Đông, CSBV chuyển tải tất cả các thứ ấy vào Lào, Miên và Miền Nam. Tuy nhiên với lực lượng hơn 150,000 quân chính thức lưu lại Miền Nam sau khi “ngưng bắn tại chỗ” theo Hiệp định Paris [trên thực tế có thể lên đến 280,000 quân] CSVN vẫn chưa tấn công Miền Nam. Chỉ có chạm súng nhỏ cấp trung đoàn trở lại. Hoa Kỳ chỉ còn trên dưới 5,500 quân nhân và chuyên viên ở Nam Việt Nam, nhân viên và chuyên viên của DAO [Defendense Attaché Office] thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, các Lãnh sự quán ở Quân khu, liên lạc điều hành ngân khoản viện trợ quân sự cho QLVNCH. MACV giải tán. Trong khi đó QLVNCH bị cắt viên trợ đến tối đa và phải trải quân mỏng ra để trám vào các vùng lãnh thổ mà 9 sư đoàn Hoa Kỳ và Đồng Minh rút về nước, nhất là ở QĐI & QK1 và QĐII & QK2. Chỉ thành lập thêm SĐ3BB ở QĐI & QK1. Từ 11-13/2/1973, Kissinger dẫn phái đoàn kinh tế Hoa Kỳ sang Hà Nội cùng Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ thành lập “Ủy ban Hiệp thương Kinh tế” giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt để điều hành ngân quỹ viện trợ 4.75 tỷ Mỹ kim không bồi hoàn mà Nixon đã hứa với Phạm Văn Đồng trước ngày ký Hiệp định Paris-1973.

Ngày 1/11/1973, Bộ Chính trị Đảng CSVN họp và ra nghị quyết (NQ-21) giải phóng Miền Nam bằng vũ lực và mở rộng Hành lang 613, hay đường Trường Sơn Đông, để chuẩn bị chuyển quân tấn công Sài Gòn bằng lộ trình ngắn nhất thay vì dùng đường Trường Sơn Tây.

Ngày 17/8/1974, CSVN thử thách phản ứng của Hoa Kỳ lần thứ nhất. Ba sư đoàn bộ và pháo CSBV tấn công chiếm các quận Nông Sơn, Dục Đức và Thượng Đức trên trục QL-14, thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Hội An 15 dặm ở hướng tây và Đà Nẵng 25 dặm, định cắt Nam Việt Nam làm đôi, ít nhất là cô lập QĐI & QK1 trên tuyến Thượng Đức–Hội An. Tướng Ngô Quang Trưởng đưa Sư Đoàn Nhảy Dù của Tướng Lê Quang Lưỡng từ Quảng Trị vào, sử dụng các đơn vị SĐ3BB và một chiến đoàn BĐQ + Thiết Kỵ án ngữ Đại Lộc và các lữ đoàn Dù đánh nhau dữ dội với các sư đoàn CSBV trên vùng đồi 1062 Thượng Đức từ tháng 8 đến 12/1974. Hoa Kỳ giữ sự im lặng. Điều bất thường xảy ra trước trận đánh là, ở Hoa Kỳ, ngày 9/8/1974 Nixon từ nhiệm để tránh bị Quốc hội giải nhiệm [empeachment] về vụ Watergate. Ông này rời Bạch ốc mang theo lời hứa trong hai bức thư gởi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu trước khi ký Hiệp ước Paris-1973 là sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu CSBV vi phạm tái tấn công Miền Nam.

Tháng 1/1975... Đúng thời điểm mà Kissinger dự trù tối đa hai năm sau Hiệp định Paris-1973, CSBV thử thách phản ứng của Hoa Kỳ lần thứ hai, tấn công và chiếm tỉnh Phước Long với lực lượng ba sư đoàn bộ và pháo. Hoa Kỳ chỉ phản kháng lấy lệ. Tổng thống mới của Hoa Kỳ Gerald Ford lúc đó đang sử dụng Kissinger ở chức vụ Ngoại trưởng. Kissinger ngó lơ thì còn ai nhắc lại lời hứa của Nixon. Hoa Kỳ đã phản bội, như lời phát biểu sau này của ông Thiệu. Nên ghi nhận là tháng 6/1973, Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận Nghị quyết “Case & Church” cấm chính phủ đem quân trở lại Đông Dương. Chính phủ của Ford bị bó tay. Tướng Frederic Weyand, nguyên Tư lệnh MACV cuối cùng, được cử sang Sài Gòn điều tra về vụ CSBV chiếm Phước Long. Trở về Washington, ông đề nghị Tổng thống Ford xin Quốc hội chi viện đặc biệt 300 triệu Mỹ kim cho QLVNCH. Quốc hội Hoa Kỳ bàn cãi cả năm rồi quyết định từ chối. Hơn nữa, ngân khoản viện trợ chính năm 1975 của Miền Nam từ 1.4 tỷ Mỹ kim bị rút xuống, chỉ còn 500 triệu. Rõ ràng Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ rơi Miền Nam Việt Nam. “Hội chứng bỏ rơi” [“abandoning syndrome”] lan rộng trong chính giới Hoa Kỳ sang Sài Gòn --nó nhen nhúm trong các giới tài phiệt có máu mặt, chính khách, bộ trưởng và các tướng... lớn.

Đêm 9 rạng ngày 10/3/1975, CSBV mở chiến dịch Tây Nguyên tấn công thị xã Ban Mê Thuột tỉnh Đắc Lắc và Quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức theo chỉ thị BCT/Đảng CSVN mà Phạm Hùng, lãnh tụ cao cấp nhất của TUC/MN nhận được, mục đích của chiến dịch là để cho Đoàn 559 mở trục “Trường Sơn Đông”, hay trục QL-14, bị nghẽn ở bắc quận lỵ Đức Lập, nối Đức Cơ và Đôn Luân ở Phước Long, chuẩn bị cho cuộc TCK vào năm 1976 hay 1977.



CSBV TẤN CÔNG BAN MÊ THUỘT
Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 QKII & QK2, trình kế hoạch của CSBV cho Tướng Tư lệnh Phạm văn Phú đầu tháng 3/1975. Tuy nhiên, trong hai ngày 4 và 5/3 một sư đoàn CSBV cắt đứt trục lộ 19 nối liền Pleiku và Qui Nhơn. Tướng Phú tin tưởng vào nhận định của ông là CSBV sẽ tấn công tỉnh Kom Tum hoặc Pleiku, nên ra lệnh đưa hai trung đoàn của SĐ23BB, căn cứ chính ở Ban Mê Thuột, lên vùng Pleiku-Kontum. Đức Lập mất liên lạc trong đêm 9/3. Thị xã Ban Mê Thuột và Phi trường Phụng Dực gần đó, thiếu quân phòng thủ trước sức tấn công của ba sư đoàn bộ binh CSBV cộng thêm chiến xa, nên thất thủ ngày 12/3. Ai cũng nghĩ là Sài Gòn sẽ tăng quân để tái chiếm Ban Mê Thuột.

Bất ngờ, ngày 14/3 Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú bỏ Pleiku và Kon Tum với lý do rút quân về vùng duyên hải lập tuyến phỏng thủ mới bảo vệ các vùng đất trù phú theo khả năng bị cắt mọi viện trợ đến mức nguy kịch nhất. Từ quân lệnh này, đã diễn ra cảnh “đoàn quân di tản máu và nước mắt” [“Convoy of Blood and Tears] trên con đường hoang phế 7-B Pleiku-Hậu Bổn-Phú Yên. Đoàn người gồm 55,000 binh sĩ và hơn 450,000 dân tỵ nạn già trẻ, đàn bà và trẻ con, đại đa số là gia đình binh sĩ, với mọi loại xe mà họ có, chiến xa và quân xa khởi đi từ Pleiku, KonTum ngày 16/3/1975 đến Phú Yên ngày 27/3/1975 chỉ còn 20,000 quân và 100,000 dân. Quân CSBV bắn đại pháo và phục kích bắn thẳng vào đoàn di tản, giết người tập thể. Không ít binh sĩ bươn bả lo cho vợ con... từ đó thêm một nhóm từ mới “hội chứng gia đình” [“family syndrome”]. Binh sĩ vừa đánh vừa bảo vệ gia đình của họ. Và bảo vệ gia đình trở thành ưu tiên thứ nhất của binh sĩ các đơn vị QLVNCH trong khi cấp lãnh đạo của họ lâm phải “hội chứng bỏ rơi”. Trách ai đây? Trước tiên, dịch... “hội chứng” lan rộng tàn phá tinh thần chiến đấu của quân dân các tỉnh miền Trung. Đó là lý do chính làm tan rã các đơn vị thiện chiến của QLVNCH, mất hai vùng lãnh thổ trọng yếu, gây hệ luỵ toàn diện cho Miền Nam.

Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QĐI & QK1 được lệnh bỏ lãnh thổ QK1 ngày 13/3/1975, trước Tướng Phú một ngày, cũng với lý do Tổng thống Thiệu nêu trên. Tuy nhiên, ông Trưởng cho rằng tình hình ở Quân khu không có gì nguy ngập nên cầu cứu với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Ngày 14/3/1975, Tổng thống Thiệu ra lệnh đưa hai Lữ đoàn của Sư đoàn Nhảy Dù về Sài Gòn và một Lữ đoàn khác về Khánh Dương, trên QL-19. Tướng Trưởng bị tước mất một đơn vị tinh nhuệ. Trung tướng Lâm Quang Thi được chỉ định Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tiền phương QĐI & QK1 phụ trách Huế và Quảng Trị. Ngày 18/3 Tướng Khiêm ra viếng BTL/QĐI & QK1 ở Đà Nẵng, gặp cả hai Tướng Trưởng và Thi. Không có chỉ thị gì chính thức. Tướng Trưởng bay về Sài Gòn gặp Tổng thống Thiệu trình lại kế hoạch tái phối trí lực lượng ở QK1. Trở ra Đà Nẵng, ông chỉ thị cho Tướng Thi cố thủ Huế và Quảng Trị đồng thời lập kế hoạch dự phòng đưa Lữ đoàn 147 TQLC và SĐ1BB về phòng thủ Đà Nẵng. Tuy nhiên không rõ vì lý do gì, ngày 24/3/1975, Tướng Lâm Quang Thi ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Tiền phương của ông rút bỏ Huế, bỏ mặc cho Lữ đoàn 147 TQLC ở bãi Cửa Thuận, làm mồi cho địch pháo tập trung và tan rã. Tướng Thi bỏ Huế xuống chiến hạm chạy xa đã gieo kinh hoàng... cho dân chúng. Hàng triệu thị dân cố đô, hoảng loạn kéo nhau chạy trên QL-1, hay trên những chiếc thuyền lớn bé vô định xuôi nam. Đà Nẵng tràn ngập người tỵ nạn, SĐ1BB và SĐ3BB, đại đa số binh sĩ có gia đình ở Quảng Trị, Thừa Thiên và Đà Nẵng, tan rã... vì dịch “bỏ rơi”, kéo theo dịch... “lo cho gia đình”. Binh sĩ bỏ đơn vị đi tìm gia đình sau khi ông tướng tiền phương bỏ Huế, làm Đà Nẵng lên cơn sốt dữ dội với ba triệu người, hỗn loạn giành giật nhau, dắt díu nhau, tìm cách tốt nhất chạy giặc. Phố thị, bãi biển, phi trường náo loạn....

Tướng Trưởng và Bộ Tư lệnh của Ông đã trở thành bất lực. Cũng tan rã. Các sĩ quan cấp tá, cấp úy, đơn vị trưởng của hầu hết các đơn vị, trong hoàn cảnh đó, chỉ còn biết nói với binh sĩ một câu chung chung: “Thôi, các em đi đi..., đi mà tìm gia đình. Chúc may mắn.” Và thầy trò ôm nhau, rơi nước mắt với nhau... trước khi chia tay. Một Quân đoàn tan rã.

Ngày 24/3, quân CSBV chiếm Quảng Trị và Huế. Ngày 30/3 mất Đà Nẵng. Trước đó, ngày 24/3 SĐ2BB ở Tam Kỳ rút ra Cù lao Ré, sau đó được đưa về Bình Tuy cùng với Liên đoàn 12 BĐQ. Ngày 24/3 mất Quảng Ngãi. SĐ22BB ở Bình Định được lệnh rút về Bến Lức, tỉnh Tân An. Ngày 1/4 mất Qui Nhơn. Ngày 31/3, mất Tuy Hòa sau khi đoàn di tản từ Pleiku-KonTum Quân khu 2, cao nguyên, chạy về đến đây ngày 27/3; thực đắng cay cho đoàn người di tản này. Ngày 1/4 mất Nha Trang. Ngày 3/4 mất Cam Ranh.

Quyết định rút bỏ QK1 và QK2 của Tổng thống Thiệu gây tai họa cho QLVNCH, chẳng ai biết rõ lý do chính, ngoài những gì ông nói về “khả năng chỉ đủ bảo vệ vùng lãnh thổ trù phú” nên thu hẹp tuyến phòng thủ. Đảng CSVN nhân cơ hội hai quân khu Miền Nam bị bỏ rơi CSVN đã khai thác thời cơ độc nhất vô nhị này. Ngày 24/3/1975 Bộ Chính trị Đảng CSVN họp, ra nghị quyết Tổng Công kích toàn diện “giải phóng” ngay Miền Nam --mà trước đây họ dự trù trong một hay hai năm tới. Sau khi quân CSBV chiếm được Cam Ranh, tức khắc Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh. Tại đây, ngày 8/4/1975 Thọ lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Phạm Hùng làm Chính ủy, nhưng tự mình nắm quyền quyết định tối cao về mọi mặt, quân sự, chính trị và ngoại giao... Về quân sự, Thọ cho sát nhập các đơn vị cấp sư đoàn và các trung đoàn biệt lập thành bốn Quân Đoàn I, II, III, IV và Đoàn Chiến thuật 232 [Tactical Force 232] cũng ở cấp Quân đoàn, cùng tiến đánh, bao vây và tấn công QĐIII & QK3 và vòng đai Thủ đô Sài Gòn. Về chính trị, không chấp nhận đàm phán ngưng bắn với Chính phủ Nguyễn văn Thiệu. Về ngoại giao trực tiếp điện đàm với Đại sứ Pháp trung gian cho một giải pháp an toàn cho người Hoa Kỳ còn ở Sài Gòn và cho cả Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Một Phái đoàn của Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin do Đại tá Harry G. Summers cầm đầu [Summers sau này là tác giả của nhiều bài biên soạn, nghiên cứu và viết sách về chiến tranh Việt Nam, trong số có quyển “On Strategy: A Critical Analysis of the Vietnam War” nổi tiếng; Summers cũng là chủ nhiệm sáng lập Nguyệt san Vietnam Magazine] được cử ra Hà Nội về việc này. Nhưng sau khi từ Hà Nội trở về Đại tá Summers không tiết lộ bất cứ điều gì, nhất là về ngày giờ mất còn của Sài Gòn, cho đến khi ông mất. Chiến tranh Việt Nam còn nhiều uẩn khúc chưa thể biết được. Ông Nguyễn văn Thiệu cho đến ngày mất ở Hoa Kỳ, cũng không nói thêm điều gì về quyết định rút bỏ QĐI & QK1 và QĐII & QK2 ngoài những điều đã nói khi còn quyền bính.

Tuyến phòng thủ mới mạn bắc thủ đô và QĐIII & QK3 do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tiền phương [BTL/TP/QĐIII], chỉ huy, đóng ở sân bay quân sự Phan Rang. Tuyến này từ vòng đai phòng thủ bắc Ninh Thuận kéo sang Tây Ninh, gồm một ít đơn vị và chiến đấu cơ còn lại của SĐ6KQ của Tướng Phạm Ngọc Sang từ Phù Cát, tỉnh Bình Định rút về, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy và SĐ2BB của Tướng Trần văn Nhựt từ Bình Tuy chuyển ra. Ngày 15/4/1975, Quân đoàn II CSBV tấn công BTL/TP của Tướng Nghi. Tướng Nghi, Tướng Sang và Đại tá Lương đều bị bắt ngày 17/4 trên lộ trình rút quân về Bình Thuận. Riêng Tướng Nhựt, Tư lệnh SĐ2BB, ngay phút đầu của trận đánh vừa diễn ra, đã dùng trực thăng cao bay xa chạy, bỏ quân của sư đoàn như rắn mất đầu, chưa đánh đã tan rã. May mắn thay, hàng ngũ quân đội Miền Nam còn lắm anh hùng. Thử hỏi quân đội Nhật khi bại trận được bao nhiêu tướng tuẫn tiết? QLVNCH có đến năm vị tướng anh hùng, năm vị thần sống mãi trong lòng chúng tôi. Chúng tôi vẫn kính phục Tướng Nguyễn văn Thiệu và các tướng khác ở hải ngoại biết giữ sự im lặng. Chúng tôi hiểu rõ cái lẽ “gặp thời thế thế thời phải thế”. QLVNCH có những vị tướng tự trọng, giữ nhân cách đáng quý, như Tướng Lê Quang Lưỡng, biết mình ra đi đã để lại lời di chúc “đừng phủ quốc kỳ trên quan tài của tôi”. Chúng tôi cảm động về lời tâm huyết đó. Ông đã hiểu rõ và tôn trọng sự thiêng liêng của lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, tạo được sự quý trọng trong lòng mọi người. Ông đã bất tử. Chúng tôi chân thành bày tỏ tấm lòng và tâm sự của chúng tôi, lớp người đã từng được đào tạo thành cấp chỉ huy, đầu đội trời chân đạp đất, đem sinh mệnh nguyện đền ơn cho tổ quốc. Nếu che giấu sự thực... thế hệ tương lai làm sao hiểu để tránh vết xe đổ của thế hệ trước.