Sunday 17 August 2014

CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1945-1975)

I. ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI


Đất nước Việt Nam nằm trên ven bờ Thái Bình Dương chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong vùng biển lớn này và là cửa ngõ của vùng Đông Nam Á Châu. Vì ở phía nam một nước Trung Hoa khổng lồ luôn luôn theo chủ nghĩa bành trướng, nên con người Việt Nam, từ nghìn xưa, đã chịu nhiều thử thách điêu đứng để trường tồn. Ở thời điểm cận đại và hiện đại, với vị thế chính trị địa dư chiến lược đó, đất nước và con người Việt Nam không thể thoát được sự tranh chấp của các thế lực lớn lao Đông Tây, nên đã và sẽ còn nhiều gian khổ khôn lường.

Dù đứng trên quan điểm nào, khi viết về cuộc chiến ba-mươi-năm của thế kỷ trước, người Việt có lương tâm sẽ không khỏi chạnh lòng thương cảm về một giai đoạn lịch sử mà cả dân tộc đã đắm mình trong máu lệ và khói lửa lan tràn trên mọi nẻo đường, trong mọi thôn xóm, làng mạc, trong mọi phố phường hay thành thị. Xa ở tận biên thùy Việt Bắc, tận rặng dãy Trường Sơn, tận vùng đất mũi Cà Mau. Gần ngay ở giữa cố đô Hà Nội, giữa kinh đô Huế, và giữa tân đô Sài Gòn. Ở đâu cũng có chiến tranh. Ở đâu cũng có dấu vết của tàn phá. Ở đâu cũng chỉ thấy giết chóc và hủy diệt, thương tâm và đau khổ. Là chứng nhân và nạn nhân của cuộc chiến đau lòng đó, chúng tôi, hàng trăm ngàn chiến sĩ miền Nam đã ngậm ngùi chôn vùi kiếp sống như con vật lao động trong tận đáy ngục tù ở núi rừng Việt Bắc trong thời gian dài sau khi đã chôn vùi tuổi thanh xuân cho một cuộc chiến không biết sẽ đưa dân tộc và đất nước đi về đâu... Người ta nói quá nhiều trong tai chúng tôi về độc lập, về tự do và hạnh phúc. Dĩ nhiên thế hệ chúng tôi đã không tìm được những chiếc bánh tưởng chừng như thơm ngon đó. Toàn là bánh vẽ. Chúng tôi đã không bao giờ tìm thấy hay được hưởng hạnh phúc thực sự của những con người trên một đất nước có thanh khí và ánh sáng. Cuộc chiến diễn ra dài dẵng. Chỉ có sát khí đằng đằng, khói lửa trùng trùng và máu lệ tuôn trào thuở ấy.

Chúng tôi không tin rằng đã đếm đủ bao nhiêu lớp người của thế hệ chúng tôi đã khóc. Những con dân đau khổ của miền Bắc khóc nhiều lắm. Đó là những ông bà mất cháu, những cha mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những trẻ thơ mất mẹ cha, những người tình mất nhau... Họ đã biết bao lần nhìn về miền Nam mà tìm hình bóng người thân trên núi rừng thăm thẳm của các con đường mòn Trường Sơn, ở Tây Nguyên, ở Bình Trị Thiên, ở Nam Bộ; hay ở Lào, hoặc ở Miên? Mắt họ đã tràn lệ ngóng trông, lòng họ đã mỏi mòn nhớ nhung, chờ đợi... những con người “sinh bắc tử nam”... đã ra đi và đã mất. Mất cả thể xác lẫn linh hồn ở những chiến trường xa xôi đó. Người ra đi đã trở thành những liệt sĩ, đem xương cốt mà đắp phù đồ cho Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN).

Chúng tôi cũng đã nhìn thấy không biết bao nhiêu con dân miền Nam với những dòng nước mắt đầm đìa trong suốt nhiều năm. Họ là các đấng sinh thành, là quả phụ cô nhi, là anh chị em, bạn bè hay là người yêu của những chiến sĩ miền Nam. Những chiến sĩ này đã hy sinh ở khắp chiến trường miền Nam. Ở biên giới, trên cao nguyên, dưới duyên hải, ngoài biển cả, trong núi rừng, đồng ruộng, nương rẫy, thôn xóm, thành thị, phố phường. Ở khắp nơi. Ở Cam Lộ, Pleime, ở Đồng Xoài, Bình Giả. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên, ở Pleiku, Kontum! Còn ở đâu và ở đâu nữa? Buôn Mê Thuột hay Phước Long? Tây Ninh hay An Lộc? Long Khánh hay Sài Gòn? Chương Thiện hay Cà Mau? ở đâu mà máu người không đổ! Những chiến sĩ miền Nam này, thoải mái và ước mơ nhiều hơn, cho rằng cuộc chiến này là để bảo vệ chế độ tự do của miền Nam hay ít ra vì... mắt họ đã từng nhìn thấy những người bên kia mang nhãn hiệu “giải phóng” cầm súng giết hàng nghìn người vô tội, bất kể người già, đàn bà và trẻ con ở Huế --Tết Mậu Thân-- hoặc dùng đại pháo bắn banh xác nạn nhân trên các con đường chạy giặc, mà động mối thương tâm, mang hùng khí mặc áo trận vào người? Vâng, khi nhìn vào kinh thành cũ thấy xương người vô tội chất cao bằng đầu và thấy trên các con đường đó máu đã chảy tràn lộ loang sông, thây đã phơi mãng địa... lòng dạ nào không đau xót! Những chiến sĩ này là những con người biết yêu, ghét, buồn, thương như những cán binh Trường Sơn. Chỉ khác hơn là biết đầu ngọn súng... chĩa về đâu... Họ không là những tấc sắt bị hút vào chiến trường. Nhưng ở chiều sâu của cuộc chiến nhiêu khê đó, họ đã mặc nhiên thành những “chiến sĩ dung nham” như một nhà thơ lớn miền Nam đã nói.

Thực ra, có thể nói hầu như tất cả những cán binh miền Bắc hay chiến sĩ miền Nam đều là những người yêu nước. Họ đánh nhau vì tấm lòng yêu nước đó đã bị... lợi dụng tạo nên chiến cuộc mà chính họ không hề muốn. Và rồi nạn nhân của cuộc chiến đó là con số không thể kiểm kê nổi, dù ở miền Bắc hay miền Nam. Quá nhiều. Hàng triệu... triệu con người. Chúng tôi, người Việt Nam trong thế hệ chúng tôi chiến đấu bảo vệ đất nước và đã trở thành những con người chịu đựng tất cả nỗi đau của kiếp người trên mảnh đất đầy thương yêu nhưng cũng đầy bất trắc đó, nơi đã có những bậc đại anh thư những bậc đại anh hùng và còn biết bao người nữa cầm vũ khí chống giặc từ những vị vua, quan, sĩ phu, lãnh tướng đến những nông dân áo vải, từ thày giáo đến học sinh. Họ sẵn sàng quên sự nghiệp, quên gia đình và hy sinh bản thân khi cần thiết. Họ thản nhiên ra pháp trường như một Nguyễn Thái Học, một Phó Đức Chính, những ai và những ai nữa. Kẻ thành công, người thất bại nhưng người dân Việt yêu nước không ai có thể quên lời hịch tựa như lời sấm truyền “Nam Quốc Sơn Hà”... đầy hùng khí như một tuyên ngôn về chủ quyền dân tộc trên lãnh thổ của mình hay quốc sách tối thượng giữ nước ghi rõ trong Bình Ngô Đại Cáo hùng lược mà nhân hậu, thể hiện tinh thần dũng liệt với trái tim cao cả yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam. Từ nghìn trước dân tộc Việt đã là như thế. Đến nghìn sau, dân tộc Việt sẽ cũng vẫn như thế, không bao giờ thay đổi.

Đất nước và con người Việt Nam sẽ trường tồn vì chúng ta thừa hưởng những truyền thống quý báu của tiền nhân: hùng lược không thua một dân tộc nào mà nhân hậu hơn nhiều dân tộc khác.

Thời gian trong hơn một thập niên gần đây, không ít học giả và sử gia ngoại quốc có tầm nhìn xuyên suốt cho rằng Chiến tranh Việt Nam 1945-1975 không là chiến tranh giành độc lập cho Việt Nam do người Việt chủ động; ngược lại, đó là một cuộc chiến mang tính “ý thức hệ”. Trong khi đó thì tất cả những người cầm súng Việt Nam nghĩ rằng mình chiến đấu vì độc lập và tự do cho đất nước; vì tình yêu tổ quốc. Nhiều nhà nghiên cứu và biên soạn Việt Nam chân chính đồng ý với quan điểm trên đây nhưng cho rằng nếu đó là cuộc chiến “ý thức hệ” thì các thứ “hệ ý thức” đều do các thế lực lớn mạnh ngoại bang mang vào... áp đặt trên con người của đất nước mình, buộc phải theo như một cưỡng chế không chống lại nổi. Tiếc thay, thế hệ chúng tôi lắm người không hiểu hết sự vận chuyển của lịch sử thế giới và của đất nước. Hoặc có hiểu biết nhưng bất lực trước sự vận chuyển đó! Bởi vì những gì mà đại đa số những người bình thường như chúng tôi đã nghĩ và đã làm là không tự chúng tôi muốn mà bị buộc phải nghĩ và phải làm bởi các cấp lãnh đạo và các... lãnh tụ, mặc dù không ít người trong chúng tôi có thể nghĩ khác hơn. Chính cấp lãnh đạo và lãnh tụ Việt Nam --theo cách nói của từng miền-- là những người không đủ tri thức lãnh hội sự vận chuyển lớn lao này nhưng có đủ... bản lãnh để dẫn dắt chúng tôi vào cuộc chiến thảm hại như nó đã diễn ra. Nhất là cán, chính, binh và quần chúng miền Bắc bị thúc bách theo từng bậc của hệ thống chính trị Đảng bộ CSVN. Đứng trên tất cả là những lãnh tụ đảng.

Trong giai đoạn lịch sử đó, Việt Nam không có một tầng lớp lãnh đạo và lãnh tụ thực sự xứng đáng. Và nếu có, những vị này cũng đã nhanh chóng bị loại ra khỏi quỹ đạo vận hành của các thế lực cực mạnh của thế giới va chạm nhau vì quyền lợi của họ. Đã có những lãnh đạo và lãnh tụ tưởng mình đã tạo lịch sử trong khi vẫn biết, hay không biết, chính những thế lực này tạo nên họ và cho họ một thế đứng trong chế độ mà các thế lực này dựng nên. Tất nhiên, trừ thế hệ trẻ trong nước sinh sau khi chiến tranh chấm dứt, và đa số những người còn quáng-gà mù mờ nào đó của bên thắng cuộc, nếu là người VN ở mọi nơi trên địa cầu ai cũng nhận ra những thế lực khuynh đảo thế giới ở thời điểm đó là những thế lực nào và thứ “hệ” ý thức mà họ đưa vào... “hấp” cấp lãnh đạo và lãnh tụ VN để những người này... “thụ” rồi thực hiện trên dải đất chiến lược của dân tộc Việt Nam là những thứ “hệ” tư tưởng nào rồi.

Nếu nói rõ ràng hơn, những thế lực --thường được gọi là các cường quốc mạnh về chính trị, quân bị và kinh tế Đông, Tây, ở thời điểm đó-- như là Nhật, liên quân Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ-Quốc Dân Đảng Trung Hoa (QDĐ/TH), Liên-bang Xô-viết (Nga), Đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ), và thế lực thực-dân-hầu-tàn là Pháp --đã trở lại Việt Nam sau Đệ II Thế Chiến. Cuộc chiến từ Mùa Thu năm 1945 trên đất nước Việt Nam trở đi, được những trí thức chính trị và những sử gia có uy tín thế giới cho là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm [a mandate war] nếu không nói nôm na là một cuộc đánh mướn [a proxy war] của lực lượng địa phương cho “Chủ nghĩa Cộng Sản Quốc tế” (CSQT) đang bành trướng giành đất đai và thị trường, va chạm mạnh vào sự che chắn quyền lợi lãnh địa và kinh tế của khối Thế giới Tự do (TGTD-Free World) ở Âu Châu lẫn Á Châu. Ở khắp nơi. Ở đây chúng tôi không đề cập đến Liên Xô đã chiếm lãnh thổ của các nước lận cận làm lãnh thổ của mình và nhuộm đỏ cả Đông Âu sau Thế Chiến Thứ II và tiến sang Á Châu. Nhiều người gọi là Cộng Sản Quốc tế (CSQT). Một khi CSQT vào Lục địa Trung Hoa, nhất định sẽ lấn xuống Đông Dương, Đông Nam Á và mon men ra Nam Thái Bình Dương. Chiến tranh Đông Dương ở thời điểm đó là một thế chiến thu hẹp trên phạm trù “ý thức hệ” trong vùng lãnh địa chiến lược này, quan trọng nhất là Việt Nam. CSTQ thành công và lập chính phủ trên lục địa rộng lớn này, nhất thiết chiến tranh vùng đất chiến lược Việt Nam tất sẽ phải diễn ra dữ dội hơn và bản chất “proxy war” lộ diện rõ ràng hơn. Và nó đã diễn ra. Đây mới chính là bản chất chính của Chiến tranh Việt Nam.

Lãnh tụ và lãnh đạo Việt Nam của “cuộc chiến ủy nhiệm” này là những ai theo các dấu mốc thời gian; và, chế độ họ dựng nên theo các quan thầy Cộng sản và khối Tự do trên các miền đất nước Việt Nam diễn tiến như thế nào? Xin viết như một tham luận hay như một bài luận sử ngắn của một chứng nhân với ít kinh nghiệm và nhận định riêng.