Sunday 17 August 2014

CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1945-1975)

VII. MỘT CUỘC CHIẾN HẠN CHẾ VÀ QUAN NIỆM
PHÒNG THỦ DIỆN ĐỊA VỚI KHẢ NĂNG CAO
[A LIMITED WAR WITH THE CONCEPT OF
A “HIGH-PROFILE DEFENSIVE WAR”]


Trước tiên, nên ghi nhận là, nhất thời Tổng thống Johnson tiếp tục sách lược của Kennedy về Việt Nam. Chỉ dấu rõ ràng nhất là Johnson sử dụng lại gần toàn bộ các giới chức chính trị và tướng lãnh đã từng đưa ra những chiến lược và chiến thuật áp dụng ở Đông Dương --nhất là ở Việt Nam-- như Ngoại trưởng Dean Rusk, Thứ trưởng Arevell Harriman, hai anh Bundy (McGeorge Bundy và William D. Bundy), Michael Forrestial, Clark Clifford, nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Tướng Maxwell D. Taylor. Nhiều nhà viết sử Hoa Kỳ và nước ngoài cho rằng Johnson thừa hưởng thứ sách lược “chiến tranh phòng thủ cục bộ” không để cho chiến tranh lan rộng mặc dù Kennedy đã chủ động đem quân tác chiến sang Nam Việt Nam và áp dụng chiến tranh đặc biệt phá rối Bắc Việt Nam bằng thả những toán biệt kích Việt Nam ra Miền Bắc và những đơn vị phối hợp sử dụng loại tàu chiến nhỏ chở các toán Biệt Hải (SEALs) Việt-Mỹ đột nhập ven biển Miền Bắc lên đến vĩ tuyến 20 phá hoại cầu, kho tàng, nhà máy v.v. đây là lối đánh giặc nửa lén lút nửa công khai đúng theo quan niệm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara: “The greatest contribution Vietnam is making --right or wrong is beside the point-- is that it is developing the ability in the United States to fight a limited war, to go to war without the necessity of arousing the public ire.” [“Công trình cống hiến lớn nhất cho Việt Nam đã thực hiện --đúng hay sai không thành vấn đề-- là Hoa Kỳ đã khai triển được khả năng trong một cuộc chiến hạn chế, theo đuổi chiến tranh mà không cần thiết làm dấy động sự phẫn nộ của quần chúng.”] (36) Như vậy tiếng nói của McNamara là tiếng nói chính thức về cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Việt Nam như một ẩn dụ phi hiến, nhưng rất rõ ràng là không thể dùng lực lượng lớn để tấn công đối phương vì không thông qua sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ. Phòng thủ nghĩa là không muốn chiến thắng. Nhưng phòng thủ ở cấp bộ nào?

Trong thời kỳ Kennedy, Hoa Kỳ đã tăng nhân số cố vấn và huấn luyên viên Hoa Kỳ ở Miền Nam từ 900 đến 16,000 người, thêm 3,000 nhân viên và chuyên viên các cơ quan chuyên môn dân sự, 4,000 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt làm cố vấn và huấn luyện viên cho các cơ quan và tổ chức Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam. Các phi đội trực thăng “Eagle-Flights” với 300 phi công và chuyên viên. Tính chung, nhân số Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam thời kỳ cuối Đệ I Cộng Hòa có thể lên đến 24,000 người. Không lâu sau khi Johnson nhậm chức, nhân số tăng dần lên đến con số kỷ lục, hơn nửa triệu quân và chuyên viên mọi ngành, nhưng quan niệm chiến lược không thay đổi. Giáo sư sử gia Hoa Kỳ John Dellinger nhận định đó là một cuộc chiến... hạn chế cho đến khi địch thủ bị đánh bại vì tiêu hao: “Escalating the number of American troops to more than a haft-million while fighting a restricted war until the enemy could be defeated by attrition. (37) Chiến lược áp dụng vẫn là phòng thủ diện địa ở mức độ quân số cao [a “high-profile defensive war”].  Ghi nhận của sử gia này có thể phản ảnh đúng quan điểm chiến lược của Hoa Kỳ. Nhưng nếu đúng thì là một nghịch lý dẫn đến sự thất bại vì Hoa Kỳ không bao giờ sở trường trong một cuộc chiến “trì hoãn”, và không thể che giấu mãi quần chúng như chủ trương của McNamara. Trên thực tế, lúc đó Chính phủ Johnson phải đương đầu với một cuộc chiến khó khăn tạo nên bởi các tướng phản loạn ở Nam Việt Nam.

Một là họ tranh giành quyền bính lẫn nhau kéo theo một đa số sĩ quan cấp tá --lớp tướng tá này đa số do Pháp đào tạo-- đến đỗi một phóng viên Pháp khi quan sát chiến trường Nam Việt Nam trong các năm 1964-1966 đã viết bài phóng sự cho rằng đó là “Cuộc Chiến của Những Ông Đại úy” --La Guerre des Capitaines”. Đại úy trung đoàn trưởng, đại úy tiểu đoàn trưởng, đại úy đại đội trưởng ở ngoài mặt trận; đại úy điều hành nha sở yểm trợ trung ương. Tất cả những ông đại úy này là các cấp trung úy thâm niên 7, 8, hay 9 năm, bị dậm chân tại chỗ thời kỳ Đệ I Cộng Hòa, vì không thuộc “cần lao nhân vị” hay không được các ông lớn “nhân vị” đỡ đầu. Họ được thăng cấp xả cảng sau tháng 2/1964 khoảng năm, sáu nghìn, hay hơn nữa. Cuộc tranh giành quyền bính của các ông tướng “tham quyền cố vị” này kéo dài gần ba năm làm cho tình trạng chính trị Miền Nam rối loạn tạo nên sự rối loạn xã hội trầm trọng. Dân chúng thành thị mất niềm tin, dân chúng nông thôn bị Cộng sản thao túng sau khi tất cả các “ấp chiến lược” bị sụp đổ theo Chính phủ TT Diệm.

Hai là, nhân tình trạng bất ổn chính trị ở Miền Nam và tình trạng trung lập lỏng lẻo ở Lào, sau khi Đường mòn HCM được mở rộng, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng CSVN cho xâm nhập vào Miền Nam gần như toàn bộ cán bộ Việt Minh sinh quán ở miền Nam trở về hoạt động lén lút trong làng quê cũ của họ và nhiều trung đoàn chính quy của bộ đội HCM vào vùng “Ba Biên Giới” Việt-Miên-Lào, tức Mặt Trận B-3 CSBV. Các trại dân sự chiến đấu CIDGs [Civilian Irregular Defense Groups] ở các thôn bản của đồng bào thiểu số suốt đọc biên giới Cao Nguyên Trung phần --CSBV gọi là Tây Nguyên-- bị tấn công, các sắc dân thiểu số trong nhiều thôn bản đó đã theo Cộng sản với số lượng đáng kể. Ở các tỉnh miền đông và miền tây, các tiểu đoàn Cộng sản địa phương tái hoạt động mạnh hơn...

TT Johnson triệu hồi Cabot Lodge và Tướng Paul Harkin về Washington, đưa Tướng Maxwell D. Taylor sang làm Đại sứ và Tướng William Westmoreland làm Tư lệnh MACV. Với tầm nhìn toàn diện, có thể nhận định rằng từ đầu năm 1964, Chính phủ Johnson đã phải đối đầu với hai cuộc chiến khó khăn ở Đông Dương. Cuộc chiến mật ở Lào do Sullivan độc quyền chỉ huy và cuộc chiến ở Nam Việt Nam do Taylor và Westmoreland chỉ huy. Rõ ràng quan niệm cục bộ đã được áp dụng. Tinh thần bất nhất cũng được ghi nhận. Tuy nhiên trên thực tế thì hai cuộc chiến riêng rẽ này lại nối với nhau bằng con Đường mòn HCM. Sở dĩ có tình trạng vô lý này xảy ra vì chính ở Washington, Johnson đã coi nhẹ vai trò của các tướng lãnh trong Bộ Tham Mưu Liên Quân [The Joint Chiefs of Staff of the US. Forces] ngược lại ông tín cẩn nhóm chính trị thường họp mặt chỉ đạo chiến tranh Việt Nam trong các buổi ăn trưa ngày Thứ Ba hằng tuần ở Bạch ốc gọi là nhóm “Lunch Bunch”. Nhóm chính trị gia này hoạch định và quyết định chi tiết tất cả chính sách chính trị quân sự lẫn chiến thuật hành quân ở Việt Nam. Riêng cuộc chiến mật ở Lào lại do Thứ trưởng Ngoại giao Awerell Harriman và đệ tử là Sullivan quyết định. Một sự chỉ đạo chiến tranh lạ lùng chưa từng thấy. Vì vậy, chiến tranh thua ngay từ Bạch ốc. Các Tướng Tham Mưu Trưởng ở Ngũ Giác Đài chỉ lo quân và phương tiện chiến tranh cho mấy ông chính tri bàn giấy [the bureaucrats] này chỉ đạo mấy ông tướng Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam đánh giặc. Giết một tổng thống và đánh một trận giặc kỳ lạ với các loạn tướng địa phương chỉ biết có tư lợi, không ai chịu thua ai, thì làm sao mà thắng CSVN. Thua ở Washington, thua ở Sài Gòn. Chỉ khổ cho quân dân Miền Nam.

Đại lược, ngày 6/1/1964, các phản tướng Miền Nam thành lập nhóm lãnh đạo “tam đầu chế” gồm Dương văn Minh, Trần văn Đôn và Trần Thiện Khiêm. Washington gọi nhóm lãnh đạo quân sự này là “military junta”. Ngày 30/1/1964, Tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh Quân khu II, với sự giúp rập của Tướng Khiêm lật đổ tam đầu chế “Minh- Đôn-Khiêm”, nắm chính phủ và thành lập lại nhóm tam đầu chế “Khánh-Minh-Khiêm”; Khánh ra lệnh bắt nhốt nhóm Trung tướng Đôn, Kim, Xuân, Đính và Vỹ ở Đà Lạt. Sau đó lại đưa Khiêm sang làm Đại sứ ở Hoa Kỳ, tự nắm quyền. Dương văn Minh hai lần đảo chính Khánh đều thất bại. Tình hình chiến sự khẩn trương hơn; chính Khánh yêu cầu Hoa Kỳ gởi 10,000 quân tác chiến sang Miền Nam. Tổng thống Johnson đưa McNamara sang thị sát chiến trường. Trở về Washington, ông này cho rằng nếu Hoa Kỳ không can thiệp mạnh Miền Nam sẽ mất không lâu sau đó; Miền Nam cần tổng động viên để tăng thêm quân. Ngày 17/3/1964, Johnson triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhóm chính trị gia và ra lệnh lập kế hoạch 37-64 [OPLAN 37-64] chuẩn bị oanh tạc Miền Bắc và tái lập kế hoạch 34A [OPLAN 34-A] trước đây của Kennedy phá hoại ven biển Miền Bắc, nhất là các bến cảng chuyển chiến phẩm của CSBV xâm nhập Miền Nam. Johnson cũng áp dụng sách lược “cây gậy và củ cà-rốt” [Stick and Carot Policy] mong dàn xếp hòa bình với CSBV trên căn bản Hiệp định Genève 1954 qua đại diện Canada, Đại sứ James Blair Seaborn (từ 16/6/1964 đến 18/8/1964). CSBV từ chối và Miền Bắc chuẩn bị chiến tranh. (38) Trong khi đó thì nội chiến ở Lào tái diễn. Lực lượng Pathet-Lao của Souphanouvong tái tấn công quân đội Hoàng gia dữ dội. Washington lập kế hoạch không kích dội bom Đường mòn HCM mạnh hơn. Tình trạng Đông Dương lâm nguy tất phải được Washington giải quyết bằng cách nào đó...

Ngày 2/8/1964, diễn ra “Sự kiện Maddox”. Chiến hạm Maddox của Hạm đội 7 Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương tuần thám hải phận quốc tế trong Vịnh Bắc Việt bị các tàu nhỏ của CSBV tấn công. Sau đó, chiến hạm C. Turner Joy được lệnh tiếp cận với Maddox cũng bị tấn công.

Ngày 5/8/1964, Tổng thống Johnson ra lệnh cho thi hành kế hoạch OPLAN 37-64 không kích Bắc Việt. Lúc 11 giờ ngày đó, 64 chiến đấu cơ Hải Quân Hoa Kỳ đánh bom tập trung vào thành phố Vinh, phía bắc vùng phi quân sự. Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Ngày 7/8/1964, Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận “Nghị quyết Vịnh Bắc Việt” [the Gulf of Tonkin Resolution] với 417/0 phiếu thuận ở Hạ viện và 82/2 phiếu thuận ở Thượng viện. Hoa Kỳ chính thức tuyên chiến với CSBV. Chiến tranh leo thang, nhưng theo kiểu đánh nhà giàu: Chỉ tấn công đối phương bằng không tập, không tấn công bằng lực lượng bộ chiến. Thà phí bom đạn hơn là thí nhân mạng. Đây là sở đoản của Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến. Sự thiệt hại nhân mạng sẽ làm tổn thương đến mọi gia đình trong xã hội trù phú Hoa Kỳ.

Ở Miền Nam, sau mấy cuộc đảo chánh nữa, kết quả là Tướng Nguyễn Khánh chịu mời ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và ông Trần văn Hương làm Thủ tướng vào tháng 8/1964. Nguyễn Khánh, lúc đó đã mang cấp Đại tướng, lui về giữ chức vụ Tổng Tư lệnh Quân đội. Nhưng sau một cuộc đảo chính khác ngày 19/2/1965 và một cuộc thương lượng với các tướng trẻ, Nguyễn Khánh chịu rời chính phủ ngày 25/2/1965 lên đường làm Đại sứ... lưu động, lưu vong ở Pháp, rồi sang Hoa Kỳ. Chính quyền quốc gia thực sự nằm trong tay “Hội đồng Tướng lãnh” --các giới chức Hoa Kỳ gọi là “The Young Turks”-- do Trung tướng Nguyễn văn Thiệu lãnh đạo. Các ông tướng lập “Hội đồng Quân lực” [the Armed Forces Council], vẫn giữ ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng nhưng ngày 27/2/1965 mời Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng thay thế Ông Trần văn Hương bị Tướng Khánh bắt giữ và quản thúc ở Vũng Tàu, không rõ lý do. Trước đó ba tuần tình hình chiến sự trở nên sôi động. Ngày 7/2/1965, đặc công Cộng sản đột nhập vào một căn cứ của Hoa Kỳ ở Pleiku giết chết 9 binh sĩ và làm 66 người khác bị thương. Tổng thống Johnson ra lệnh trả đũa bằng không tập Đồng Hới và Vinh, bắc Vĩ tuyến 17, với kế hoạch “Sấm Rền” [Rolling Thunder]. Tuy nhiên, Tướng Westmoreland, Tư lệnh MACV cho rằng đánh Bắc Việt bằng không tập không mang lại kết quả. Cần phải đưa quân tác chiến Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam. Tướng Taylor cũng đồng quan điểm. Washington quyết định đưa hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến [TQLC] vào Đà Nẵng ngày 8/3/1965. Chỉ mấy tuần sau, 4 tiểu đoàn TQLC nữa được đưa thêm vào. Trong 6 tuần, Hoa Kỳ đưa vào Nam Việt Nam 82,000 quân và trọn năm 1965 tất cả là 182,000. Nhịp độ tăng quân tiến hành đến chóng mặt, giữa năm 1966 là 300,000 và đến năm 1967 tổng cộng hơn 550,000 quân tác chiến. Tuy nhiên Hoa Kỳ đã không sử dụng số quân lớn lao này đế tấn công lãnh thổ Miền Bắc trong một cuộc chiến tất thắng mà cũng chỉ để phòng thủ Miền Nam.

Ngay khi mới nhận chức Tư lệnh MACV, Tướng Westmoreland đã nhìn thấy vị trị chiến lược quan trọng của Lào như Eisenhower đã nhìn thấy và khuyên Tổng thống Kennedy nên mang quân tác chiến vào lãnh thổ Lào. Westmoreland lập kế hoạch sơ khởi sử dụng một Quân đoàn chừng 60,000 quân mở rộng Đường # 9 từ Đông Hà, Quảng Trị, Cam Lộ lên Khe Sanh băng qua Schépone nam Lào đến Savanakhét, tả ngạn sông Mékong, biên giới Lào-Thái Lan, cắt ngang Đường mòn HCM. Sẽ đánh nhau với CSBV ở nam Lào và con đường này sẽ là tuyến Trận địa Chiến. Có hai điều lợi: về chính trị, CSBV không thể nói với thế giới là họ “đánh Mỹ cứu nước”; về quân sự Hoa Kỳ có ưu thế về không quân với B-52 chiến lược và CBU là loại bom sát thương rộng lớn. Vậy, nếu phòng thủ thì nên phòng thủ trên tuyến này hơn là trên cả một hành lang biên giới phía tây Nam Việt Nam, nhiêu khê, quá dài và thụ động. Đại sứ Ellsworth Bunker, vừa thay thế Tướng Taylor, hoàn toàn yểm trợ kế hoạch này của Tướng Westmoreland và chuyển trình về Washington. Đại sứ Bunker sau đó tiết lộ: “Shortly after I arrived, I sent a message to the President urging that we go into Laos.  If we cut the trail, the Viet Cong, I thought, would wither on the vine. What kept them going were supplies, weapons, and ammunitions from Hanoi.” [Không lâu sau khi nhậm chức, tôi gởi một điệp văn cho Tổng thống thúc giục chúng ta cần phải vào Lào. Tôi nghĩ nếu chúng ta cắt đứt đường mòn, Việt Cộng sẽ héo dần như nho ép rượu. Những gì giúp chúng tiếp tục chiến tranh là tiếp phẩm, vũ khí và đạn dược từ Hà Nội đưa vào.”] (39) Nhưng nhóm “Lunch Bunch” bác bỏ kế hoạch này, Johnson nghe theo. Bắt buộc Tướng Westmoreland phải áp dụng chiến thuật hành quân “Lùng và Diệt” [Search and Destroy Operations] quân CSVN trong nội địa Nam Việt Nam. Một chủ động nhỏ trong thế thụ động lớn.



TƯỚNG WESTMORELAND ĐỀ NGHỊ ĐƯA QUÂN
VÀO ĐƯỜNG 9 NAM LÀO
ĐƯỢC ĐẠI SƯ BUNKER YỂM TRỢ ĐỂ CẮT ĐƯỜNG MÒN HCM
Dĩ nhiên Bắc Việt triệt để khai thác Đường mòn HCM cho xâm nhập hàng trăm nghìn người và hàng chục sư đoàn chính quy vào nam Lào và biên giới hoặc trong nội địa Miền Nam. Tất nhiên việc phải đến sẽ đến, mặc dù Miền Nam đã ổn định về chính trị và QLVNCH đã tổ chức đến cấp sư đoàn, có quân số Chính quy, Địa phuơng quân và Nghĩa quân lên đến hơn 550,000. Hoa Kỳ cũng có số quân tương đương và các nước Đồng minh Hoa Kỳ như Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Nam Hàn cũng đưa vào Miền Nam trên 60,000 quân. Tuy nhiên một triệu quân phòng thủ phân tán mỏng cũng không thể... thắng trong chiến tranh; không bằng một lực lượng với 250,000 trong thế tập trung tấn công.

Ngày 19/6/1965, Hội đồng Quân lực ủy nhiệm Trung tướng Nguyễn văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (Quốc trưởng) và Thiếu tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng). Tướng Kỳ đưa Tướng Cao văn Viên chỉ huy các đơn vị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến ra Đà Nẵng và Huế dẹp phong trào Phật giáo miền Trung đã lôi kéo các đơn vị quân sự nổi loạn chống chính phủ trung ương sau khi Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh QĐI & QK1, bị bãi chức. Đó là lần cuối cùng Phật giáo dấy loạn. Tướng Thi bị truc xuất và lưu vong ở Hoa Kỳ. Một số tướng kỳ cựu như Đôn, Kim, Xuân, Đính đều bị giải ngũ. Quân Đội Việt Nam đổi danh thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [QLVNCH]. Ngày 7/3/1966, Tướng Thiệu và Kỳ sang Hawaii họp với Tổng thống Jonhson, rõ ràng là bàn bạc về việc thành lập một chính phủ dân cử chính thức cho Miền Nam nhưng được che dấu với những tiền đề khác... Tháng 9 năm 1967 bầu cử tổng quát; liên danh Thiệu-Kỳ đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống. Miền Nam thành lập xong nền Đệ II Cộng Hòa. Dĩ nhiên số phận của nền Cộng Hòa này tùy thuộc vào Hoa Kỳ. Một sự thực không thể phủ nhận vì Nam Việt Nam lệ thuộc Hoa Kỳ từ một viên đạn đến một hạt thóc; tuy nhiên người dân thừa hưởng được không khí tự do của một nền dân chủ vừa manh nha nhưng nở rộ đến tha hóa với những tệ đoan mới du nhập từ những anh “GIs” Hoa Kỳ. Giới bình dân giễu cợt cái xã hội đó bằng câu mỉa mai về thứ bậc xã hội: “nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng”. Đó là thứ bậc của những đồng đô-la bỏ vào túi hàng tháng và mức độ hưởng thụ vật chất của từng giới. Trong khi đó thì sĩ quan cấp thấp, hạ sĩ quan và binh sĩ bắt đầu hy sinh nhiều hơn ở chiến trường. Họ đem xương máu xây phù đồ cho ai đó mà vẫn thản nhiên với tiếng hát từ chiến địa vọng về “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...” Suốt năm 1967, nhiều trận đánh lớn “công đồn đả viện” đã diễn ra ở Vùng 2 và 3 Chiến Thuật (các Quân Khu cải danh thành các Vùng Chiến Thuật). Nhiều trận Lực lượng Hoa Kỳ chết hàng trăm người và bị thương nhiều trăm người khác trong khi đó thì số chết của quân CSBV ít ra là gấp 5 lần hơn. Nghĩa là hàng năm bảy trăm người chết không kể bị thương.

CSVN sẵn sàng thí quân để chiếm miền Nam. Chiến dịch Đông Xuân 1967-1968, Võ Nguyên Giáp thành lập Mặt Trận Đường 9, gồm một Quân đoàn với ba sư đoàn bộ binh và một sư đoàn pháo chuẩn bị đánh cứ điểm Khe Sanh của Hoa Kỳ ở gần biên giới Lào-Việt. Một sư đoàn bộ binh và bốn trung đoàn biệt lập xâm nhập vào vùng phía nam khu phi quân sự Bến Hải, đánh phá các căn cứ Côn Thiên đến Quốc lộ-1 [QL-1] ở Gio Linh của TQLC/HK đang thành lập hàng rào phòng thủ điện tử “McNamara” dưới khu phi quân sự cập theo bờ nam Sông Bến Hải. Đến cuối năm, sư đoàn CSBV này đã cắt đứt đường tiếp vận của TQLC/HK trên Quốc lộ-9 [QL-9], từ căn cứ Calu đến phía đông cầu quận Hương Hóa. Cứ điểm Khe Sanh do lực lượng bộ và pháo TQLC Hoa Kỳ trú đóng, được tăng cường Tiểu đoàn 37 BĐQ/QLVNCH, tổng số khoảng 6,680 quân, bị cô lập. Tướng Westmoreland hủy bỏ hàng rào McNamara, đem tất cả số máy điện tử còn lại lập hệ thống vòng ngoài hệ thống phòng thủ chính cửa cứ điểm Khe Sanh, kể cả các tiền đồn trên bốn ngọn đồi kế cận; tăng cường Pháo binh 175mm cho các căn cứ hỏa lực Rockpile và Caroll trên QL-9 phía tây Cam Lộ; và lập kế hoạch không yểm chiến lược “Niagara” với loại bom B-52 cho cứ điểm Khe Sanh. Đồng thời tại hai Vùng I và II Chiến Thuật, Westmoreland đã bố trí tất cả 50 tiểu đoàn tác chiến. Tuy nhiên, Washington vẫn thấp thỏm về Khe Sanh, mọi con mắt đều nhìn về đó. Biết đâu Khe Sanh không là một Điện Biên Phủ thứ hai! Dư luận Mỹ xôn xao khi cứ điểm chỉ được tiếp tế bằng không vận và bị những đợt pháo dữ dội vào tháng 2/1968 làm nổ tung một kho đạn lớn và số binh sĩ chết và bị thương tăng từng ngày. Khác hơn mọi người nghĩ, Westmoreland đang chờ quân CSBV tập trung nhiều hơn tấn công Khe Sanh.

Nhưng điều bất ngờ đã diễn ra mà tất cả các cơ quan tình báo chiến lược, chiến thuật của Hoa Kỳ và VNCH đều không biết: CSBV xua quân đột ngột tấn công đồng loạt toàn Miền Nam trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Thân, nhằm ngày 31 tháng 1 năm 1968. Chính xác hơn các đơn vị Việt Cộng do Trung ương Cục Miền Nam [TUC/MN] cộng thêm các sư đoàn chính quy Bắc Việt [MACV và Washington đã sai khi phân biệt “Việt Cộng” hay VC là các đơn vị của MTGP/MN và North Vietnamese Army, hay NVA, là các đơn vị xâm nhập từ Miền Bắc. Chúng tôi gọi chung là quân CSVN, CSBV, hay bộ đội HCM, cho đúng “chính danh”] thực hiện chiến dịch “Tổng Công kích và Tổng Khởi nghĩa” [TCK & TKN] tấn công toàn diện 42 tỉnh lỵ, 64 quận lỵ và 29 vị trí quân sự quan trọng của Hoa Kỳ và QLVNCH, kể cả thành phố Sài Gòn và Huế, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, BTTM/QLVNCH và Căn cứ Chiến lược Long Bình của lực lượng Hoa Kỳ. Hai sự kiện quan trọng nhất làm rúng động Tòa Bạch Ốc và quần chúng Hoa Kỳ mà báo chí Mỹ đã phóng đại và quan trọng hóa là Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở trung tâm thủ đô Miền Nam bị quân CS tấn công và đột nhập và cứ điểm Khe Sanh, nói trên, đang bị một Quân đoàn CSBV bao vây, có thể bị triệt hạ. Trong khi đó thì toàn dân miền Nam đều ghê tởm về sự dã man của quân CSVN khi chúng chiếm Cố đô Huế và tàn sát trên hơn 5,500 cư dân bằng mọi cách. Không hề có Tổng Khởi nghĩa, bất cứ ở đâu khi quân CSVN tấn công, dân chúng theo các đơn vị QLVNCH để được che chở, hay tiếp tế, hoặc cùng chiến đấu sát cánh với binh sĩ các đơn vị chống lại chúng. Vì vậy có thể nói trong Tết Mậu Thân CSVN chỉ Tổng Công kích toàn diện miền Nam. Nhưng bất cứ ở đâu quân CSVN cũng bị đánh tan, đẩy lui hay tiêu diệt. Trừ Huế, đợt Tổng Công kích này ở khắp các nơi chỉ kéo dài từ một tuần đến mươi ngày và ghi nhận chính thức thiệt hại của Cộng sản là 32,000 chết, 5,000 bị bắt và số bỏ ngũ hồi chánh lên đến 60,000 hay 70,000 người. Trận Khe Sanh, quân CSBV chết trong vòng đai điện tử khi định xâm nhập tấn công hệ thống phòng thủ chính, và ở các điểm tập trung chung quanh căn cứ ước tính từ 12,000 đến 15,000; đa số chết vì bom B-52. Tuy nhiên, bên trong cứ điểm số tổn thất của Hoa Kỳ cũng lên đến hàng trăm chết và hàng nghìn bị thương vì bị pháo kích dữ dội.

Ngày 28/2/1968, kinh thành Huế được giải tỏa. Mọi người chỉ biết ngậm ngùi nhìn cảnh đổ nát và nhỏ lệ trước những nấm mồ tập thể. Tháng 4/1968 Tướng Westmoreland mở cuộc hành quân “Pegasus” phối hợp các lực lượng Hoa Kỳ và Nhảy Dù VNCH giải tỏa cứ điểm Khe Sanh; “Mặt Trận Đường 9” của CSBV cũng tan rã. Hoa Kỳ hủy bỏ Cứ Điểm Khe Sanh. Tháng 5, CSBV mở đợt Tổng Công kích đợt hai ở một số tỉnh thành và cứ điểm quan trọng do những đơn vị cấp sư đoàn chính quy CSBV chủ công. Và một lần nữa, chiến sĩ QLVNCH, từ chủ lực quân, địa phương quân đến nghĩa quân đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự thiện chiến, đánh tan mọi mũi tấn công của địch quân. Tổng kết cả hai trận Tổng Công kích thiệt hại của địch lên hơn 120,000 vừa chết vừa bị bắt và hồi chánh. Lực lượng của CSVN ở Miền Nam hầu như tan rã. Thua đậm về quân sự, nhưng CSBV đã thắng trận giặc tuyên truyền, chính trị và tâm lý lớn lao nhất trong chiến tranh Việt Nam là đã thắng Chính phủ, Quốc hội, nhất là quần chúng Hoa Kỳ. Hoa Kỳ trúng ngọn đòn cân não nặng nề nhất. Xã hội Hoa Kỳ trở mình thức tỉnh, phong trào phản chiến lan rộng từ Thủ đô Washington ra toàn quốc, nhất là ở các trường đại học của những thành phố lớn đều có biểu tình phản chiến của sinh viên nghèo và da đen là những lớp người hy sinh nhiều nhất ở chiến trường Việt Nam.

Ở Washington, sau khi Tướng Westmoreland yêu cầu xin thêm 200,000 cho Miền Nam bị tiết lộ, báo chí đăng tải trong tháng 3/1968, toàn Hoa Kỳ như lên cơn sốt. Biểu tình phản chiến lên cao, Quốc hội đòi điều tra về Tết Mậu Thân. Ngày 22/3/1968, Tổng thống Johnson tuyên bố không nhận ủy nhiệm của Đảng Dân Chủ ứng cử nhiệm kỳ hai. Johnson đã bị quần chúng Hoa Kỳ đánh bại... trận TCK Tết Mậu Thân của CSVN làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam. Sách lược “high-profile defensive war” và hành động trực tiếp điều khiển chiến tranh của nhóm chính trị “Lunch Bunch” thất bại với hơn 50,000 binh sĩ Hoa Kỳ chết và mất tích đến thời điểm đó. Tháng 5/1968, qua trung gian của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant và Chính phủ Pháp, Johnson đồng ý triệu tập hội nghị “bốn bên” ở Paris ngày 12/5/1968 gồm các phái đoàn Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, CSBV và Chính phủ Lâm thời MN/VN [hay MTGP/MNVN].

Tháng 11/1968, Richard M. Nixon, Đảng Cộng Hòa đắc cử Tống thống Hoa Kỳ. Một chính khách khác thay nhóm “Lunch Bunch” thao túng chính trường Hoa Kỳ làm thay đổi cục diện thế giới đến nhiều thập niên sau, Henry Kissinger. Giới chính trị Hoa Kỳ cho rằng ông này là một chiến lược gia sáng suốt đã đóng góp lớn cho nền anh ninh Hoa Kỳ. Thực ra ông này chỉ là một mưu sĩ tồi và đần độn nhất vì ông ta không thể hiểu nổi sự thâm sâu của những tay chính trị lãnh đạo Trung Quốc từng có bề dầy kinh nghiệm bốn nghìn năm chiến tranh và phát triển với những tư tưởng vô cùng lớn, căn bản của nền triết học Đông Phương. Đánh và đàm là sở trường của họ. Từ “hợp tung”, “liên hoành” của Tô Tần và Trương Nghi và binh thư của những nhà quân sự nổi tiếng như Ngô Khởi và Tôn Tử đã sinh sản ra một khủng đế Tần Thủy Hoàng và một bạo chính Mao Trạch Đông, đều là những tay kinh thiên động địa. Trung Quốc luôn là một quốc gia đáng sợ... Kissinger giúp Nixon đem Hoa Kỳ thử lửa đỏ cực độ khi bắt tay với Cộng Sản Trung Quốc. Chính Kissinger đã gieo di họa về sau cho Hoa Kỳ và Thế giới Tự do.

Ngày 20/1/1969 vào nhậm chức ở Bạch Ốc, Nixon đã nghe tiếng loa của đoàn biểu tình phản chiến vọng đến từ Đài Tưởng niệm Lincoln ở cuối chiếc hồ dài nguy nga ngay mặt sau dinh. Chiến tranh Việt Nam sẽ phải được giải quyết từ tiếng vọng đó xuyên qua lục địa rộng lớn Mỹ Châu, xuyên qua những đại dương từ Âu sang Á. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng Nixon sẽ đi tìm hòa bình trong danh dự như một đoạn ngắn trong bài diễn văn nhậm chức của ông: “The great honor history can bestow is the title of peacemaker. This honor now beckons America –the chance to help lead the world at last out of the valley of turmoil and on to that high ground of peace that man had dreamed of since the dawn of civilization.” [Danh dự lớn lao mà lịch sử có thể ban cho là tước hiệu của người kiến tạo hòa bình. Danh dự đó hôm nay kêu gọi Mỹ sau cùng có cơ hội dẫn đạo thế giới ra khỏi thung lũng tao loạn và đưa lên vùng cao địa hòa bình mà con người hằng mong ước từ buổi bình minh của văn minh.”] (40)  May mắn thay, trong hơn hai năm của nhiệm kỳ đầu tổng thống, Nixon chưa gặp ngay những nan đề lớn của chiến tranh Việt Nam. Thực ra, sau cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân và tháng 5/1968 CSBV đã kiệt quệ, các đơn vị chính quy và địa phương Cộng sản ở Miền Nam hoàn toàn tan rã không còn đủ sức khuấy động chiến tranh. Chính phủ Nguyễn văn Thiệu sau Tết được các đảng phái, quần chúng và quân đội yểm trợ. Chiến thắng quân sự lớn lao đó chứng tỏ QLVNCH đã trưởng thành với trên dưới 1,000,000 của bộ binh chính quy, địa phương quân và nghĩa quân, không quân và hải quân. Trong thời gian sau đó, dân chúng miền Nam sinh sống tự do và kinh tế phát triển khá hơn. Có thể nói chính phủ kiểm soát hơn 95% lãnh thổ, trừ vùng biên giới cao nguyên và các mật khu ở liên biên giới Việt-Miên vùng Bình Long, Tây Ninh và Kiến Phong. Nixon và Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia, rảnh tay hơn trong việc đối phó với Liên Xô và Trung Cộng lúc đó là hai kẻ thù của nhau về tranh chấp biên giới. Nixon-Kissinger chủ trương hòa hoãn với Liên Xô, qua việc tiến hành thương thuyết về hạn chế vũ khí chiến lược [a flexible “détente” with the Soviet Union throught the Strategic Arms Limitation Talks --SALT] và bắt tay liên lạc ngoại giao với Trung Quốc. Với sách lược này, Washington hy vọng hạn chế sự bành trướng của CSQT, khoét sâu vết rạn nứt giữa Liên Xô và CSTQ và có thể dễ dàng hơn trong việc thiết lập lại trật tự mới cho thế giới. Vì vậy, khi thực hiện các chủ trương đó Hoa Kỳ đã coi Việt Nam như “một màn diễn phụ” --a sideshow. Chữ này do chính Kissinger dùng, như là một cách nói trịch thượng, thực ra Việt Nam vẫn là mối tâm hoạn của Chính phủ Nixon. Vì ở đó, Hoa Kỳ còn 550,000 quân và có trên 10% hy sinh cho tổ quốc và đã trở về quê hương trong những chiếc áo quan bọc quốc kỳ sọc xanh trắng đỏ với những vì sao long lanh như những giọt nước mắt của các gia đình Mỹ, hay lấp lánh như ánh sáng vinh dự. Thêm nữa, còn hàng ngàn binh sĩ mất tích và hàng trăm tù binh bị CSBV bắt. Chính phủ Nixon cần thực hiện hòa bình trong danh dự và làm dịu cơn giận dữ của quần chúng. Kissinger đề nghị Nixon kế hoạch rút toàn bộ quân tác chiến Hoa Kỳ về nước để chiến cuộc lại cho QLVNCH gọi là “Vietnamization” --Việt Nam hóa Chiến tranh. CSVN mỉa mai gọi là kế hoạch “đổi màu da trên xác chết.” Điều này sai, vì chiến sĩ VNCH đã từng hy sinh nhiều ở chiến trường từ trước.

Theo cách suy luận của các nhà chiến lược nếu Kissinger coi việc bắt tay với Trung Cộng --người chỉ đạo thực sự quân đội Miền Bắc định thôn tính Miền Nam-- là màn kịch chính mainshow, và cuộc chiến còn chưa giải quyết ở Việt Nam là màn diễn phụ “sideshow”, thì nhất định phải có vấn đề mật đàm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để giải quyết hai việc cùng một lúc. Và dè dặt hơn, Kissinger còn áp dụng lại sách lược “cái gậy và củ cà-rốt” với cả hai Miền Việt Nam. Hội nghị đang diễn ra ở Paris chỉ là để hợp thức hóa những gì mà người ta ve vãn và hứa hẹn với nhau trong bóng tối như cặp tình nhân mới: anh Mỹ trẻ chị Tàu già. Miền Nam là người được bảo trợ... nên nói phải nghe. Miền Bắc là tên hung hãn, âm thầm đem của dụ dỗ nó trước rồi tính sau. Vậy nên, những gì diễn ra mà sau này phù hợp với giả thuyết trên. Các tài liệu Hoa Kỳ giải mật hai ba mươi năm sau chứng minh giả thuyết đó đúng gần như tuyệt đối. Khi cuộc đàm phán ở Paris chưa đi đến đâu thì người ta thấy Kissinger đi đêm với Chu Ân Lai. Đồng thời Kissinger cũng đi đêm với Lê Đức Thọ, ngay ở Paris. Các cuộc gặp gỡ riêng còn đôi co bớt một thêm hai nên và Hội nghị Paris đến đầu năm 1970 còn dậm chân tại chỗ. Trong gần hai năm đàm phán nhì nhằng đó CSVN có được cơ hội bằng vàng đổ hàng trăm ngàn cán, binh, xâm nhập theo Đường mòn HCM vào các mật khu ở biên giới, xây dựng lại lực lượng chính quy gồm 100% thanh, thiếu niên “sinh Bắc tử Nam”. Trong khi đó, ở Miền Nam, Hoa Kỳ bắt đầu cho rút quân đi với mức độ nhanh như khi đổ quân vào.

Tháng 6/1969, Tổng thống Nixon tuyên bố đợt rút quân đầu tiên gồm 25,000 người sẽ thực hiện trong tháng 7/1969. Đó là củ cà-rốt nhỏ. Bắc Việt chưa hài lòng. Lập tức, Ngũ Giác Đài thi hành kế hoạch “Thực Đơn” [Operations Menu] không tập chiến lược bom B-52 vào các mật khu CSBV dọc biên giới Tây Ninh lên tận Ban Hét, trong vùng “Ba Biên Giới” và không kích các đoàn xe CSBV vận chuyển trên Đường mòn HCM. Kế hoạch này chỉ làm cho hòa đàm Paris trì trệ. Phái đoàn CSBV bỏ các phiên họp. Lê Đức Thọ không gặp Kissinger sau buổi họp mật tháng 8/1969. Kế hoạch không tập “Menu” bị nhật báo “The New York Times” tiết lộ. Ngày 15/11/1969, khoảng 250,000 người, nhiều nhất là sinh viên đại học ở các nơi tụ về biểu tình ở Washington. Các phong trào phản chiến có cơ quan lãnh đạo hẳn hoi. Vì sự tiết lộ các bí mật hành quân này, Tổng thống Nixon ra lệnh thi hành một hành động vi hiến trầm trọng là đặt máy lén thu băng điện thoại của một số giới chức và các báo ở Bạch ốc. Vụ scandal gọi là “Watergate” sau này bị tố giác làm cho Nixon phải từ chức. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, dù sinh viên biểu tình dữ dội thì họ cũng bị đàn áp và bắt bớ dữ dội, nhiều chục nghìn người bỏ trốn ra nước ngoài, họ xé thẻ trưng binh, có nơi họ đốt hình nộm Nixon, kể cả bạo động... Nixon tuy cho lệnh rút quân nhanh hơn dự định ở Miền Nam, nhưng vẫn chủ trương leo thang chiến tranh. Giới quan sát quốc tế ghi nhận ngày 29/4/1970 QLVNCH tổ chức những cuộc hành quân “Toàn Thắng” vượt biên sang lãnh thổ Cao Miên. Ở đó Chính phủ Hoàng gia Sihanouk bị lật đổ, khi ông vua này sang viếng thăm Bắc Kinh tháng 3/1970. Tướng Lon Nol lập Chính phủ Cộng Hòa và làm Tổng thống. Các cuộc hành quân Toàn Thắng của Tướng Đỗ Cao Trí ở biên giới Quân khu 3 (cải danh trở lại) vào sâu lãnh thổ Cao Miên đến tả ngạn sông Mékong thành công lớn, phá hủy hoàn toàn các căn cứ hậu cần và mật khu CSBV dọc biên giới, tịch thu hàng trăm tấn vũ khí đạn dược có thể trang bị cho 50 tiểu đoàn và các kho gạo đủ cho 50 tiểu đoàn ăn 6 tháng. tháng.

Tuy nhiên, đến tháng 1/1971, khi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ra lệnh mở cuộc Hành quân Lam Sơn 719, đem các đơn vị thiện chiến nhất của QLVNCH tiến theo hành lang Liên Quốc lộ 9 sang Schépone, hạ Lào, giới quan sát am tường cho rằng VNCH không thể tự mình vẽ ra một kế hoạch táo bạo như thế. Phải là Washington, nhưng ai ở Bạch ốc đã thảo kế hoạch này. Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Melwin Laird cho rằng “Kissinger là nhà lãnh đạo sách lược đối ngoại sâu sắc.” [Kissinger was a thoughtful foreign policy leader.”] (41) Còn Ngoại trưởng William Rogers chống lại kế hoạch đó. (42) Tác giả phải là Kissinger có sự giúp rập của người phụ tá quân sự, Tướng Alexander Haig. Vậy Kissinger muốn gì làm gì ở Đường 9 và Schépone? Thí quân thiện chiến nhất của QLCNCH hay muốn triệt hạ lực lượng CSBV để tạo một chiến thắng lớn buộc CSVN trở lại hội nghị? Dù ai chết hay ai thua ở đó Hoa Kỳ đều có lợi cho việc rút quân nhanh và tạo hòa bình sớm trong “danh dự”. Trước đó không lâu có điều đáng nghi ngờ hơn là hai danh tướng QLVNCH Đỗ Cao Trí và Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh các Quân Đoàn III và IV đều chết trong tại nạn trực thăng khi còn đang cầm quân tấn công CSBV ở Cao Miên. Ai giết? Mặt Trận ở Miên và Lào tàn lụi. Quân CSBV lớn mạnh hơn ở biên giới hai nước này và Miền Nam. Hội nghị Paris và mật đàm giữa Kissinger-Lê Đức Thọ nối tiếp. Cũng chưa đi đến đâu. Phải chăng cả hai đều muốn chiến thắng lớn ở chiến trường để có ưu thế trong đàm phán hay cả hai đều muốn loại một đối thủ --theo họ, là trở lực lớn nhất cho cuộc mặc cả: QLVNCH? ở thế chủ công, CSBV bao giờ cũng muốn chiếm thượng phong. Hoa Kỳ không có sách lược chủ thắng, nhưng không thiếu những cơn giận dữ của một mãnh sư... bất kể bạn và thù.