Sunday 17 August 2014

CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1945-1975)

III. CUỘC CHIẾN ỦY NHIỆM
CÓ TỪ BAO GIỜ Ở VIỆT NAM ?

Đoạn dẫn sử trên đây cho thấy, cho đến ngày 9/3/1945, Nhật đã triệt tiêu Chính phủ Pháp ở Đông Dương và vì sao chính phủ này bị Đồng Minh Anh–Hoa Kỳ cô lập. Các thế lực Cộng Sản Quốc tế, Cộng Sản Trung Hoa, Lực lượng Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Lực lượng Hoàng gia Anh và Quân lực Hoa Kỳ chưa từng bước vào Việt Nam. Nhưng không lâu sau đó, tất cả đều đã trực tiếp hay gián tiếp vào và tạo nên một cuộc chiến mới không kém khốc liệt gây nên những hậu quả tang thương kéo dài trong nhiều thập niên sau đó. Riêng dân tộc Việt Nam thì cuộc chiến đó tạo ra vết thương trầm trọng trong lòng mọi người của nhiều thế hệ. Một vết thương không thể lành mà vẫn âm ỉ loang máu.

Cũng nhắc lại hôm sau ngày Nhật đảo chánh 9/3/45 Đại sứ Nhật vào triều đình Huế diện kiến nhà Vua Bảo Đại. Ngày 11/3/1945, Nhà Vua triệu cuộc họp khẩn với Cơ Mật Viện. Triều đình Huế ra tuyên ngôn hủy bỏ Hiệp ước Patenote 1884, và khôi phục chủ quyền Việt Nam. Học giả Trần Trọng Kim được mời lập nội các. Ngày 17/4/1945, nội các thành lập gồm những nhà trí thức yêu nước có thực tài. Nhiều sử gia cho rằng đây là nội các trí thức đầu tiên của một quốc gia thực hiện rõ nét những bước tiến dân chủ căn bản cho Việt Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim quyết định những cải tổ quan trọng như: lập quy cho một nền hành chánh chính xác, mẫu mực và áp dụng một nền giáo dục tiến bộ, khoa học, làm nền tảng cho tất cả các Chính phủ Miền Nam sau này trong Đệ I và Đệ II Cộng Hòa. Đổi quốc hiệu là “Đế quốc Việt Nam” gọi gọn là Việt Nam; tuy vẫn giữ bài “Đăng Đàn Cung” làm quốc ca, nhưng đổi quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ; sọc ở giữa khuyết một đoạn ngắn tạo cho ba sọc đó thành hình “quẻ ly” --phương Nam-- trong Bát Quái theo Kinh Dịch (ngày 2/6/1948, ở Hồng Kông, trước sự hiện diện của các nhân sĩ và trí thức mời ông về chấp chính, Cựu hoàng Bảo Đại vẽ nối đoạn gẫy ở sọc đỏ giữa thành ba sọc liền. Chính phủ QGVN cũng nghe theo lời khuyên của Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn chọn bài “Thanh niên Hành khúc” của Lưu Hữu Phước đổi tên thành “Quốc gia Hành khúc” làm quốc ca). Sau ngày 30/4/1975 người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam đưa quốc kỳ (và bài quốc ca) theo khắp nơi trên thế giới với tình yêu vô bờ.

Tiếc thay Chính phủ Trần Trọng Kim bị Nhật kiềm chế, không có Bộ Quốc phòng, không lập quân đội, nên đánh mất thời cơ hưng quốc và kiến quốc trong tay những người Cộng sản. Nỗ lực cứu đói cho miền Bắc mùa hè năm đó gặp trở ngại lớn lao là thiếu phương tiện chuyên chở gạo từ miền Nam ra Bắc; vả lại Nhật thu tóm hầu hết lúa gạo khắp các nơi, kể cả việc phá hủy các cánh đồng lúa ở miền Bắc, lấy đất trồng loại cây đay.

Chỉ bốn tháng sau, ngày 6/8 và ngày 9/8/1945, Không lực Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử trên Hiroshima và Nagasaki. Ngày 10/8 Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, ngày 14/8 quân Nhật bất động, chờ quân Đồng Minh vào giải giới. Ngày 17/8 nhân một cuộc biểu tình của Tổng hội Công chức và Giáo giới ở Nhà Hát lớn Hà Nội để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, các phần tử cộng sản (lúc đó gọi là Việt Minh) lợi dụng mang cờ đỏ sao vàng và tung hô khẩu hiệu, biến cuộc biểu tình đó thành cuộc biểu tình của Việt Minh. Chính phủ địa phương bất lực. Từ ngày 19/8 đến ngày 23/8/1945, Việt Minh cướp cơ sở hành chánh của chính phủ, ở miền Bắc lẫn miền Nam. Sử ghi là “Việt Minh Cướp Chính Quyền”. Ngày 23/8 Chính phủ Trần Trọng Kim giải tán. Ngày 26/8 Hồ Chí Minh và đơn vị võ trang tuyên truyền của Võ Nguyên Giáp từ Tân Trào, Tuyên Quang, về Hà Nội. Ngày 28/8/1945, ở Huế, nhà Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị với câu nói thực cảm động: “Trẫm để hạnh phúc của toàn dân trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ. (14) Ngày 2/9/1945, ở vườn hoa Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập và trình diện “Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Việt Minh nhanh chóng thành lập chính phủ ở khắp nơi, từ tỉnh thành đến huyện xã, với các “Ủy ban hành chính” và đơn vị “Du kích”. Nhưng chưa đầy một tuần sau, nỗi lo sợ khủng khiếp bao trùm cả nước. Tao loạn bắt đầu. Những cuộc bắt bớ và xử tử công khai hay âm thầm các phần tử mà Việt Minh gọi là “Việt Gian” trở thành nỗi lo sợ lớn lao của mọi gia đình từ thành thị tới thôn quê, từ Bắc chí Nam. Lúc bấy giờ người dân thường chỉ biết Việt Minh là Cộng sản. Sự hiểu biết đơn giản này lại rất đúng. “Việt Minh” là tên gọi tắt của một tổ chức chính trị vũ trang “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” còn gọi là “Mặt Trận Việt Minh” do Đảng “Cộng Sản Đông Dương” thành lập ngày 19/5/1941. Đảng Cộng sản Đông Dương lại do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930. Vì vậy, Việt Minh là thứ vũ khí lợi hại của CSVN, nói rõ hơn là của Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo Đảng CSĐD. Riêng ở Sài Gòn, Trần văn Giàu, một người cộng sản nổi tiếng, thành lập “Ủy ban Hành chánh Nam Bộ”.

Ở thời điểm đó, Quyết nghị Potsdam của Đồng Minh được thi hành. Ngày 18/8/1945, Quân đoàn Lư Hán của QDĐ/TH vào miền Bắc Việt Nam. Ngày 13/9/1945, Sư đoàn Gurka của Anh do Tướng Douglas Gracy chỉ huy vào miền Nam, có một đại đội Nhảy Dù Pháp vào theo. Tướng Gracey đóng quân ở Sài Gòn, ra lệnh mở cửa các trại giam thả tất cả người Pháp bị Nhật giam giữ và trang bị vũ khí cho họ. Như vậy, ở Sài Gòn Pháp đã có một lực lượng võ trang nhỏ. Ở các tỉnh, Việt Minh vẫn nắm chính quyền, tập du kích, tiếp tục bắt giữ và xử tội “Việt Gian” và tổ chức “tuần lễ vàng” thu vàng bạc của thị dân để ủng hộ kháng chiến...

Trong giai đoạn này, từ tháng 8 đến tháng 9, năm 1945, Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ có những thay đổi sách lược quan trọng về cục diện thế giới: sau khi khối trục Đức-Ý-Nhật đầu hàng và tan rã. Liên Xô để lộ rõ bộ mặt “Đế quốc Mới” bành trướng lãnh thổ rộng lớn, xâm chiếm các nước Đông Âu, đồng thời chủ trương xích hóa thế giới, do đó ở Âu Châu lẫn Á Châu, Anh và Hoa Kỳ cần sự hợp tác thực sự của Pháp để cùng ngăn chặn làn sóng đỏ CSQT đang lan tràn khắp nơi. Nên “Hiến Chương Đại Tây Dương” công bố ngày 14/8/1941 của Anh và Hoa Kỳ, trong đó điều khoản đầu tiên đề cập đến quyền tự trị của mọi dân tộc, tạm thời bị bỏ quên. Ngày 24/8/1945 Tổng thống Harry Truman thay đổi thái độ, đón tiếp de Gaulle ở Washington và hứa trong mọi trường hợp không chống lại chính phủ và quân đội Pháp trở lại Đông Dương. (15) Lúc đó, Thủ tướng của Anh quốc là Clement Attlee, Đảng Lao Động (Labour Party), để cho Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông tái lập chính phủ trên các thuộc địa cũ ở Viễn Đông. Hoa Kỳ trở lại Phi Luật Tân. Vì Hội nghị Potsdam đang được thi hành nên Anh và Hoa Kỳ ngầm giúp cho Pháp mang quân trở lại Việt Nam. Nếu Pháp đánh được Cộng sản ở Việt Nam, chiếm lại được Đông Dương sẽ trở thành “lá chắn” cho Anh-Hoa Kỳ vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Quan niệm về “chiến tranh ủy nhiệm” hình thành. “Đế quốc Mới Cộng sản Quốc tế” (the New International Communist Empire) và “Thế giới Tư bản Tự do” (the Capitalist Free World) va chạm nhau về tư tưởng, về thể chế chính trị, về quyền lợi kinh tế và lãnh thổ, nên các quốc gia nhược tiểu sẽ là những vùng đất bị tranh chấp. Sách lược khôn ngoan nhất của cả hai khối là gầy dựng thế lực bản địa đánh nhau thay họ. Ngay như Pháp, từng là thế lực hùng cường trước đó nhưng sau Đệ II Thế Chiến đất nước bị tàn phá, nghèo, và yếu kém mà tham vọng lớn, nên cũng bị đưa vào thế bất khả từ. De Gaulle, vì cần tiền để tái thiết đất nước và nhất là để thực hiện lời tuyên bố của mình nên đã trở lại Đông Dương trong vai trò của một thế lực thực dân cũ vừa là một thế lực được ủy nhiệm đánh thuê, hiểu ngầm là sách lược mới của Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ. Việt Nam chiếm vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á đã trở thành tiền đồn của Thế giới Tự do. Ngay khi Nhật đầu hàng, de Gaulle đã bổ nhậm Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu làm Cao ủy Đông Dương và Đại tướng Jacques Phillipe Leclerc de Hautecloque làm Tư lệnh Quân đoàn Viễn chinh Pháp [Corps Expéditionnaire Francais d’Extrême-Orient –CEFEO] vào Việt Nam trước tiên. Quân đoàn này được Tư lệnh Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông, Đô đốc Sir Mountbatten, trang bị và giúp phương tiện chuyên chở đã đổ bộ tái chiếm Sài Gòn ngày 21/9/1945.

Thời điểm đó có những sự kiện đáng lưu ý: ở miền Bắc, khi Hồ Chí Minh và đơn vị võ trang của Võ Nguyên Giáp về Hà Nội còn có đơn vị tình báo võ trang Hoa Kỳ, Toán “Deer Team” hay “Team OSS-202” [OSS: Office of Strategic Services, tiền thân của CIA --Central Intelligence Agency] do Thiếu tá Archimedes Patti chỉ huy, cùng vào theo. Ở miền Nam, ngày 4/9/1945, một đơn vị tình báo võ trang khác, Toán OSS-404 [OSS Team-404] nhảy dù vào vùng phụ cận Sài Gòn giải thoát hơn 200 binh sĩ Hoa Kỳ bị Nhật bắt làm tù binh trước đó. Một tuần sau, Thiếu tá Peter Dewey chỉ huy toán OSS này bị du kích Việt Minh phục kích giết chết.

Tháng 12/1945, cả hai Toán OSS-202 ở Hà Nội và OSS-404 ở Sài Gòn đều rút khỏi Việt Nam. Từ đó, Hoa Kỳ không tiếp xúc với Chính phủ Hồ Chí Minh. Tất nhiên Archimedes Patti chỉ huy Toán OSS-202 --và các sĩ quan khác trong toán-- từng huấn luyện cho trung đội võ trang tuyên truyền đầu tiên của Võ Nguyên Giáp ở Pác Bó và từng sống chung với Hồ Chí Minh ở đó, hiểu rõ đơn vị Việt Minh này là Cộng sản và Hồ Chí Minh là lãnh tụ Cộng sản.

Bảy thập niên sau, trong một bài viết nhìn lại thời điểm đó, một tiến sĩ CSVN cho rằng đáng lẽ cuộc chiến Việt Nam “không thể có” vì nhiều lần Hồ Chí Minh gởi thơ và công hàm cho Tổng thống Truman tỏ thiện chí muốn “hợp tác toàn diện” với Hoa Kỳ, nhưng không được đáp ứng... luận điểm chính là nếu Hoa Kỳ công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh, Pháp không thể trở lại Việt Nam, sẽ không có chiến tranh. Nhận định này non nớt. Ở thời điểm đó Đồng Minh Hoa Kỳ-Anh đang thành lập các khối liên minh quân sự –như khối Bắc Đại Tây Dương (NATO, North Atlantic Treaty Organization) và khối Trung-Đông (CENTO, Central Treaty Organization) để ngăn cản sự bành trướng của CSQT ở Âu châu thì làm sao công nhận và yểm trợ một nước Cộng sản mới hình thành... dù bất cứ ở đâu. Vả lại, làm sao mà Truman và Attlee kiềm chế nổi tham vọng của de Gaulle? Chiến tranh không thể tránh. Tốt hơn lợi dụng Pháp, cung cấp tài chính, quân bị và chiến cụ để Pháp đánh CSQT ở Đông Dương... làm lá chắn cho mình ở Đông Nam Á và Nam Thái Binh Dương là thượng sách.