Wednesday 13 August 2014

Những Ngày Cuối của VNCH

Nguyên Tác: The Final Collapse 

Của Đại Tướng Cao Văn Viên. 
Dịch Giả: Nguyễn Kỳ Phong



Chương 5: Bắt đầu của Một Kết Thúc

Trong hai năm 1973 và 1974, CSBV không chiếm được một tỉnh hay phần đất nào của VNCH. Có lúc CSBV nghĩ đến chuyện đánh Tây Ninh hay Kontum, nhưng phòng thủ của hai tỉnh đó nằm ngoài khả năng quân sự của cộng sản. Không còn mục tiêu nào, cộng sản chuyển hướng về Phước Long, một tỉnh lỵ nằm cực bắc của Vùng III. CSBV tấn công Phước Long với một lực lượng mạnh: hai sư đoàn rưỡi bộ binh, ba trung đoàn phòng không, thiết giáp, và pháo binh, cộng thêm vài đơn vị đặc công.
Đầu tháng 10-1974, qua tin tức thâu thập từ tình báo, phản gián, hồi chánh viên và tù binh, BTTM biết được kế hoạch CSBV chuẩn bị đánh chiếm Phước Long. Tin tức được BTTM chuyển đến bộ tư lệnh Quân Đoàn III, và bộ chỉ huy tiểu khu Phước Long. Tin tức về hoạt động của địch được bổ túc hàng ngày theo tình hình thay đổi. Cuộc tấn công của CSBV vào Phước Long không phải là một bất ngờ, ngoài ước đoán của chúng ta.
Phước Long nằm hướng đông bắc, cách Saigon 150 cây số đường bay. Biên giới ở hướng bắc của Phước Long nằm giáp giới với Cam Bốt. Phước Long gồm có bốn quận: Đức Phong, Phước Bình, Bố Đức và Đôn Luân. Phước Long có khoảng 30 ngàn dân, phần lớn là dân gốc Thượng, Stieng (Ma), và Mnong. Các dân thiểu số sống bằng nghề đốn cây và cạo mủ cao su. Dân gốc Kinh (Việt) còn lại là công chức hành chánh, buôn bán, hay phu đồn điền. Địa hình của Phước Long có nhiều đồi núi, rừng dầy, khó quan sát từ trên phi cơ. Từ lâu một phần của Phước Long là căn cứ hậu cần, tiếp liệu của cộng sản.(1) Phước Long nối với Saigon qua liên tỉnh lộ 1A và quốc lộ 14. Qua khỏi Phước Long, quốc lộ 14, theo hướng đông bắc, sẽ dẫn lên Quảng Đức và Ban Mê Thuột. Sông Bé là phi trường chánh của tỉnh, có khả năng tiếp nhận tất cả các lọai phi cơ từ hạng nhẹ cho đến loại vận tải cơ hạng nặng C-130. Thời tiết Phước Long có sương mù phủ kín từ 8 đến 9 giờ sáng; vào mùa mưa sương mù bao phủ cho đến 10, 11 giờ sáng.
Phước Long nhận tiếp tế qua hai đường 1A và 14. Một tuần sau ngày ngưng bắn CSBV cắt đứt liên tỉnh lộ 1A và quốc lộ 14 ở nhiều nơi. Sau khi hai đường tiếp tế chánh bị cắt đứt, Phước Long và bốn quận của tỉnh chỉ có thể nhận đồ tiếp tế bằng phi cơ và trực thăng. Hàng tháng Phước Long cần từ 400 đến 500 tấn nhu yếu phẩm cho dân và quân như gạo, muối, đường, đạn và nhiên liệu. Tháng 8-1974, quân đoàn III và II phối hợp hành quân, giải tỏa được quốc lộ 14. Thành công này tạm thời lấy đi gánh nặng về không vận bây giờ chỉ dùng vào những chuyến tiếp tế quân sự cần thiết như y dược, đạn và nhiên liệu.
Ngày 14 tháng 12-1974, CSBV đánh chiếm quận Đức Phong, nằm ngang quốc lộ 14. Một lần nữa Phước Long phải sống nhờ vào không vận. Tiếp tế bằng không vận cho Phước Long rất tốn kém và thất thường vì hỏa lực phòng không địch bố trí chung quanh.
Lực lượng bảo vệ Phước Long gồm năm tiểu đoàn Địa Phương Quân, với cấp số 750 đến 900 mỗi tiểu đoàn, và 48 trung đội Nghĩa Quân tổng cộng khoảng 1000 người. Pháo binh yểm trợ đến từ 4 pháo đội của tiểu khu. Khi thấy một số tiền đồn của chúng ta rơi vào tay địch, quân đoàn III tăng viện cho Phước Long tiểu đoàn 2 (trung đoàn7/sư đoàn 5 BB), và hai pháo đội gồm 6 đại bác 105 ly và 4 đại bác 155 ly. Thêm vào đó, quân đoàn còn cho thêm ba đại đội trinh sát của các sư đoàn 5, 7, và 25BB.
Trận Phước Long bắt đầu vào cuối tháng 12-1974, kết thúc ngày 6 tháng 1-1975.(2)
Ngày 13 tháng 12-1974 CSBV tấn công thăm dò vào quận lỵ Đôn Luân nhưng cuộc tấn công bị các đơn vị dũng cảm Địa Phương Quân bẻ gẫy. Đêm hôm sau, ngày 14, cộng sản cùng lúc tấn công chớp nhoáng vào hai quận Đức Phong và Bố Đức. Hai cứ điểm rơi vào tay cộng sản với không một chống cự nào đáng kể. Những cuộc điều tra sau này không tìm ra nguyên nhân tại sao hai quận mất quá nhanh, vì tất cả cấp chỉ huy đều bị mất tích khi hai tiền đồn rơi vào tay địch. Đêm kế tiếp, 15 tháng 12, một căn cứ hỏa lực do một đơn vị Địa Phương Quân bảo vệ, bị tấn công và tràn ngập. Chúng ta mất hai pháo đội đại bác tại căn cứ hỏa lực này.
Trước những tấn công tới tấp của CSBV, quân đoàn III không vận vào Phước Long tiểu đoàn 2 (trung đoàn 7/sư đoàn 5 BB) từ căn cứ Lai Khê. Được tăng viện, tiểu khu Phước Long mở cuộc hành quân phản công, chiếm lại được quận Bố Đức vào ngày 16. Nếu nói về khả năng tác chiến của các đơn vị địa phương trong giai đoạn này, Phước Long chỉ còn tiểu đoàn 2 bộ binh (thuộc trung đoàn 7 nói trên) và hai tiểu đoàn Địa Phương Quân của tiểu khu là còn khả năng tác chiến. Các đơn vị còn lại tổng số hơn ba ngàn quân di tản về từ các tiền đồn cần được tái trang bị và tổ chức để có thể xử dụng lại. Tiểu đoàn 2 bộ binh được chỉ định giữ vai trò chánh trong nỗ lực phòng thủ quận lỵ Phước Bình, một phần tỉnh lỵ Phước Long, và phi trường Sông Bé. Bản doanh của Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận cũng đóng ở phi trường này.
Với sự hỗ trợ đầy đủ của BTTM, Quân Đoàn III xử dụng phi cơ vận tải và trực thăng CH-47 để tiếp tế đạn, vũ khí và quân dụng cho quân phòng thủ, và cũng để tái trang bị các đơn vị đã di tản từ tiền đồn về đang tụ lại tỉnh lỵ. Những chuyến bay tiếp tế trên đường trở về, đem ra Phước Long gia đình và thân nhân binh sĩ, công chức và cán bộ dân sự. Thẩm quyền tiểu khu muốn di tản dân đi để không phải lo lắng về tiếp tế và an ninh cho dân chúng.
Trong thời gian đó, áp lực của CSBV càng lúc càng gia tăng chung quanh thành phố. Phi trường Sông Bé bị pháo kích nặng. Các chuyến bay tiếp tế bị phòng không bắn chận ở hai hướng bắc và tây bắc của phi trường. Một vận tải cơ C-130 bị bắn cháy khi còn nằm trong ụ. Ngày hôm sau một C-130 hạ cánh với đồ tiếp tế và một toán chuyên viên không quân sửa chữa. Khi cất cánh chiếc này bị trúng đạn phá hủy. Lợi dụng phi trường tê liệt, địch di chuyển các ổ cao xạ sát vào vòng đai, canh chừng các ngõ tiếp tế bằng không vận của chúng ta. Lai Khê, bản doanh của sư đoàn 5, nơi các trực thăng ngừng lại để đổ xăng trên đường đi đến Phước Long, cũng bị áp lực pháo kích và phòng không của cộng sản.
Cùng lúc pháo kích áp đảo phi trường, đêm 22 tháng 12-1974, địch tấn công quận Bố Đức lần thứ hai. Lần này Bố Đức mất vào tay địch. Bốn ngày sau, hai sư đoàn 7 và 3 CSBV (sư đoàn 3 này mới thành lập ở miền nam, khác với sư đoàn 3 đang hoạt động ở Bình Định) đánh vào quận Đôn Luân, và Đôn Luân thất thủ. Khi mất Đôn Luân vào tay địch, trừ quận lỵ Phước Bình và thành phố Phước Long nằm trong ranh giới quận, tất cả tỉnh Phước Long hoàn toàn nằm trong tay CSBV.
Đêm 30 tháng 12-1974 hai sư đoàn 7 và 3, với sự hỗ trợ của một trung đoàn xe tăng, pháo binh của quân đoàn, tấn công Phước Bình đây là vòng đai phòng thủ của tỉnh Phước Long. Trận đánh kéo dài từ nửa đêm cho đến chiều hôm sau thì bộ chỉ huy của chi khu và trung tâm hành quân bị pháo địch bắn phá hủy. Lính của tiểu khu và của tiểu đoàn 2/trung đoàn 7 rút về phòng tuyến mới ở phi trường Sông Bé. Tại đây lính VNCH bắn cháy 4 xe tăng ở đầu một phi đạo, gây tử thương và bắt sống 50 cán binh CSBV. Trong lúc đó, một lực lượng khác của địch tiến về núi Bà Rá, một địa hình nổi bật nhất của tỉnh, với ý định chận đường rút lui của tiểu đoàn 2. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, quân chúng ta rút vào phòng tuyến của tỉnh và sát nhập vào các đơn vị địa phương quân ở đó. Sau khi cô lập được quân VNCH, địch chỉ tấn công quân ta vào ban ngày; ban đêm địch bắn quấy phá vào phòng tuyến của chúng ta.
Ngày hôm đó không quân VNCH bay hơn 100 phi vụ yểm trợ cho các lượng ở Phước Long. Không quân dùng đủ loại bom đánh địch, kể luôn loại bom CBU chống biển người. Không quân có thể tập trung hỏa lực mạnh như vậy để yểm trợ cho Phước Long vì BTTM đã huy động không lực từ quân đoàn II và IV về. Nhưng để làm gián đoạn nỗ lực yểm trợ của không quân từ Sư Đoàn 3 Không Quân, 6 giờ sáng ngày 1 tháng 1-1975, cộng quân pháo kích mạnh vào phi trường Biên Hòa. Pháo của địch phá hủy một vài đoạn phi đạo và làm cháy nhà, văn phòng trong chung cư của phi trường. Tất cả phi vụ xuất phát từ phi trường Biên Hòa bị gián đoạn đến 1 giờ chiều cùng ngày.
Bảy giờ sáng ngày phi trường Biên Hòa bị pháo kích, cộng quân mở cuộc tấn công đánh thẳng vào thành phố Phước Long từ hướng nam. Nhưng cuộc tấn công của địch bị chận đứng ngay chân đồi dẫn lên phố. Trong khi đó địch lấy được cao điểm của ta ở núi Bà Rá. Chiếm xong, địch dùng núi làm đài quan sát và kéo đại pháo 130 ly lên bắn trực xạ vào hệ thống phòng thủ của Phước Long.
Đến ngày 3 tháng 1, pháo của địch phá hủy pháo binh của chúng ta trong thành phố, gồm 8 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly. Để ngăn cản các cuộc tiếp viện bằng không lực, cộng sản thiết lập nhiều dàn phòng không chung quanh thành phố, gây nhiều trở ngại cho các chuyến tiếp vận và yểm trợ của không quân. Ngày 2 tháng 1, nhờ vào yểm trợ tối đa và hệ thống địa hình phòng thủ vững chắc, quân trú phòng đẩy lui nhiều đợt tấn công của đối phương. 15 xe tăng của địch bị không quân và quân trú phòng bắn cháy từ lúc đầu cuộc tấn công. Ngày 2 tháng 1, tỉnh trưởng Phước Long xin phương tiện tải thương, tiếp viện và quân bổ sung. Tuy nhiên vì đài chuyển vận truyền tin duy nhất còn lại trên núi Bà Rá bị phá hủy, tất cả liên lạc từ Phước Long ra ngoài bị cắt đứt.
Một buổi họp khẩn cấp được triệu tập tại dinh Độc Lập. Tổng thống Thiệu chủ toạ như thường lệ, với sự tham dự của phó tổng thống Trần Văn Hương, thủ tướng Trần Thiện Khiêm, phụ tá an ninh quốc phòng Đặng Văn Quang, tư lệnh không quân Trần Văn Minh, tư lệnh quân đoàn III Dư Quốc Đống, trung tướng tham mưu trưởng BTTM kiêm tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận Đồng Văn Khuyên, và tác giả (Dương Văn Minh), Tổng Tham Mưu Trưởng BTTM. Đề tài của buổi họp là có nên tăng viện cho Phước Long hay không, và nếu tăng viện, thì tăng viện như thế nào về quân nhu, nhân sự.
Tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh quân đoàn III, trình bày về tình hình của Phước Long nói riêng và của quân đoàn, nói chung. Để giải cứu Phước Long, tướng Đống đề nghị xin một sư đoàn bộ binh, hay sư đoàn Nhảy Dù. Quân tăng viện sẽ đổ bộ xuống hướng bắc Phước Long bằng trực thăng dưới sự yểm trợ tối đa của không quân. Trình bày xong ý kiến, tướng Đống xin được từ chức, viện cớ là từ khi nhậm chức tư lệnh quân đoàn, ông đã không đủ khả năng giải quyết được tình hình quân sự của vùng.
Tổng thống Thiệu bác bỏ lời xin từ chức của tướng Dư Quốc Đống, vấn đề hệ trọng ngay trong lúc này, theo tổng thống Thiệu, là giải quyết vấn đề Phước Long trước. Sau khi nghiên cứu tình hình, kế hoạch tiếp viện thêm quân cho Phước Long bị hủy bỏ dựa vào các lý do sau:
Bộ Tổng Tham Mưu không còn quân tổng trừ bị: hai sư đoàn Dù và TQLC đang được xử dụng cho vùng I và tình hình không cho phép hai đơn vị rời khỏi mặt trận. Tình hình chiến sự ở hai vùng II và IV cũng không cho phép giảm thiểu quân số nếu muốn cán cân quân sự được quân bình và an ninh được bảo đảm. Riêng tại vùng III, hai sư đoàn cơ hữu của quân đoàn là sư đoàn 18 và 25BB được dùng án ngữ khu vực Tây Ninh, cản áp lực của Công Trường (sư đoàn) 5 và 9 CSBV đang hướng về Saigon.
Trong trường hợp tìm được quân để tiếp viện, lực lượng tiếp viện này phải được di chuyển bằng không vận vì đường bộ dẫn về Phước Long bị cắt. Ngoài các đơn vị không quân cơ hữu của quân đoàn III, lực lượng không vận cần có thêm là 2 phi đoàn trực thăng UH-1, 1 phi đoàn trực thăng CH-47, kèm thêm một số phi cơ khác để yểm trợ và oanh tạc. Bộ Tổng Tham Mưu có thể trưng dụng các phi đoàn trực thăng UH-1 từ Vùng II và IV, nhưng các phi đoàn trực thăng CH-47 thì không tìm được đâu ra. Các phi đoàn CH-47 tân lập ở Vùng II và IV có khả năng hoạt động rất giới hạn: mỗi phi đoàn chỉ cung cấp được từ bốn đến sáu phi cơ mỗi ngày và đó là con số tối thiểu quân đoàn cần phải có cho các phi vụ khẩn cấp ở mặt trận của họ. Ngoài ra, trực thăng UH-1 không thể bay thẳng từ Biên Hòa đến Phước Long, và trực thăng CH-47 thì không thể bốc chở đại bác 155 ly được.
Về tiếp tế: Không quân có thể thả 60 đến 100 tấn đồ tiếp tế cho quân phòng thủ từ bảy đến mười ngày, với điều kiện họ kiểm soát an ninh cho một vùng nhận hàng lớn. Nhưng nếu không quân phải tiếp tục thả viện trợ trên mười ngày thì các quân khu khác phải hy sinh khả năng không vận của họ cho cuộc tiếp tế ở Phước Long. Bộ Tổng Tham Mưu phỏng định không quân sẽ bị thiệt hại cao trước hỏa lực phòng không của địch đang có mặt chung quanh Phước Long. Sự thiệt hại về không lực sẽ không được thay thế vì ngân quỹ dành cho không quân không còn nữa.
Thời gian tính của chiến trường: Dù có được một vị trí phòng thủ kiên cố, quân trú phòng Phước Long không thể chống cự lâu trước sự tấn công của hai sư đoàn cộng sản. Trong điều kiện quân tiếp viện được gởi đến giải vây, lực lượng này phải có mặt ở Phước Long cấp tốc trong vòng hai, ba ngày trước khi quân trú phòng bị tràn ngập. Giả định sư đoàn Nhảy Dù đảm nhiệm cuộc hành quân giải vây, thời gian qui động, trang bị và chuyên chở sẽ mất từ năm đến bảy ngày. Nếu gởi một sư đoàn Bộ Binh từ Vùng IV, thời gian cần thiết để chuẩn bị cho sư đoàn ra mặt trận là ba ngày năm 1972, sư đoàn 21 Bộ Binh cần một thời gian tương đương khi được gởi đến Chơn Thành để tiếp viện cho mặt trận An Lộc.
Tính cách chiến lược của Phước Long: Nếu so sánh toàn diện, Phước Long không quan trọng bằng Tây Ninh, Pleiku, hay Huế về phương diện kinh tế, chính trị và dân số. Theo BTTM, trong thời điểm ngặt nghèo về ngân quỹ quốc phòng đang đối diện, nếu phải giữ đất thì chúng ta nên củng cố lực lượng để giữ Tây Ninh hay Huế hơn là Phước Long.
Buổi họp đi đến quyết định sau cùng là dùng quân của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (BCND) để giải cứu Phước Long. Liên Đoàn 81, với kinh nghiệm ở An Lộc năm 1972 và khả năng đánh rừng núi sâu trong lòng địch, được chọn cho nhiệm vụ này. Liên Đoàn 81 có nhiệm vụ hỗ trợ quân trú phòng ở phía nam thành phố, hướng tấn công của CSBV. Liên Đoàn còn có nhiệm vụ tái chiếm núi Bà Rá.
Ngày 3 tháng 1-1975, tình hình Phước Long không thay đổi nhiều, trừ những áp lực liên tục của CSBV ở hướng nam. Vòng đai phòng thủ của tỉnh bây giờ thu hẹp lại vào chung quanh chợ, sân bay L-19, và trung tâm hành chánh. Tất cả đại bác của quân trú phòng bị hủy hoại sau khi cộng sản bắn hơn hai ngàn quả đạn vào dinh tỉnh trưởng và bộ chỉ huy tiểu khu. Từ cao độ 12 ngàn bộ, không quân thả hơn hai mươi tấn đạn và đồ tiếp liệu cho quân trú phòng ở hướng bắc của bộ chỉ huy tiểu khu. Những cuộc không trợ được thực hiện chính xác, tuy nhiên vì sự pháo kích dồn dập của cộng quân, quân trú phòng gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận đồ tiếp tế từ trên không. Hơn 300 quân nhân bị thương đang chờ di tản. Bộ tư lệnh dự định dùng các trưc thăng đổ quân Liên Đoàn 81 để di tản họ trên đường bay trở lại. Ngày đổ bộ Liên Đoàn 81 được dự định là ngày 4 tháng 1-1975.
Trong thời gian này, Liên Đoàn 81 đã qui động và trang bị hai đại đội, sẳn sàng hành quân. Tư lệnh của Liên Đoàn dùng trực thăng quan sát và chọn được một bãi đổ quân ở những chân đồi, hướng bắc của bộ chi huy tiểu khu. Ngày 4, mưa và mây thấp làm đình trệ hai dự định đổ quân. Cộng quân gia tăng pháo kích và tấn công, nhưng quân trú phòng giữ vững vị trí phòng thủ của họ. Trung tâm chỉ huy hành quân bị pháo liên tục và cuối cùng bị hủy hoại. Vị chỉ huy phó của tiểu khu tử thương, và trung tá Xuân, tỉnh trưởng Phước Long bị thương nặng. Xe tăng của cộng quân đã xuất hiện ở phía nam và tây thành phố. Sau khi trung tâm hành quân bị phá hủy, liên lạc tiểu khu và bộ tư lệnh quân đoàn III chỉ còn được một băng tầng vô tuyến để gọi nhau.
Tám giờ sáng ngày 5 tháng 1-1975, không quân thực hiện 60 vụ oanh tạc để dọn bãi đổ quân ở phía bắc thành phố. Chín giờ sáng, một đại đội (120 người) BKND nhảy xuống nơi ấn định. Toán quân bắt tay và phối hợp được ngay với quân trú phòng. Mười một giờ, Liên Đoàn 81 đổ bộ thêm một đại đội và bộ chỉ huy của lực lượng xuống hướng bắc dinh tỉnh trưởng. Khoảng ba giờ chiều, sau khi cuộc đổ bộ hoàn tất, hơn 250 quân nhân của Liên Đoàn 81 được thả xuống thành phố dưới những cơn pháo kích mãnh liệt của cộng quân. Quân ta chỉ bị thiệt hại một tiểu đội trong cuộc đổ quân, vài trực thăng bị phòng không địch bắn trúng nhưng bay về được. Tuy nhiên với hỏa lực phòng không mãnh liệt của đối phương, dự định di tản các thương binh không thực hiện được như đã định.
Trong khi đó xe tăng địch chọc thủng phòng tuyến của Địa Phương Quân tại Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận, và trên đường tiến về trung tâm thành phố. Các toán đặc công di chuyển trên xe tăng nhanh chóng thiết lập các chốt phòng thủ trong khi xe tăng tiến về hai hai mục tiêu là dinh tỉnh trưởng và bộ chỉ huy tiểu khu. Dinh tỉnh trưởng đang được xử dụng làm bộ chỉ huy của Biệt Cách Nhảy Dù (BCND). Nhưng cuộc tấn công của cộng quân lúc đó bị chận đứng; BCND phản công đánh chiếm lại các mục tiêu bị mất, nhất là Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận. Mặc dù cuộc phản công của BCND mãnh liệt và gan lì, họ đã không lấy lại được các mục tiêu đã mất vào tay địch. Đến thời gian đó của trận chiến, BCND mất gần 50 phần trăm lực lượng. Súng chống xe tăng loại M-72 do quân ta xử dụng không hữu hiệu để hủy hoại chiến xa địch. Xe tăng của cộng quân trong cuộc tấn công này có gắn thêm chướng ngại vật hai bên hông xe; và xe chỉ đổ phân nửa bình xăng để giãm thiểu thiệt hại trong trường hợp bị trúng đạn. Súng không giật 90 ly hữu hiệu với xe tăng của địch quân hơn. (Còn tiếp...)













Chú thích:
1. Theo William E. Le Gro trong Vietnam from Cease-Fire to Capitulation, trang 133, Phước Long là căn cứ của nhiều bộ chỉ huy chiến thuật, tiếp liệu của CSBV. Đồn điền Bù Đốp-Bố Đức là bản doanh của bộ chỉ huy M-26 Xe Tăng gồm ba tiểu đoàn xe tăng. Bộ chỉ huy nằm cách phi trường Sông Bé 45 cây số. Ngoài bộ chỉ huy xe tăng ở B-2, các bộ chỉ huy của CSBV đóng ở Phước Long gồm có Bộ Tư Lệnh Công Binh (ở Bố Đức) với ba tiểu đoàn công binh, và các bộ chỉ huy Quân Xa, Huấn Luyện, Hậu Cần, đóng ở khoảng Tây Ninh-Bù Gia Mập. Phước Long là đoạn cuối của bốn đường xâm nhập bắc nam tụ về (chú thích dịch giả).
2. Lực lượng cộng sản đánh vào mặt trận Phước Long là Quân Đoàn 4, (thiếu tướng Hoàng Cầm, tư lệnh; đại tá Bùi Cát Vũ, chính ủy). Các trung đoàn tham dự là 3 trung đoàn 141, 209, 165 của sư đoàn 7; ba trung đoàn 201, 271, 16, và hai trung đoàn cao xạ. Đọc Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Tập II, Quyển Hai, (nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1990), trang 193-194 (chú thích của dịch giả).



(Tiếp theo Chương 5...)
Chín giờ đêm ngày 5 tháng 1, BCND gởi bản báo cáo tình hình chiến sự đầu tiên về cho quân đoàn III. Bản báo cáo cho thấy tình hình toàn diện bi đát hơn những báo cáo của tiểu khu Phước Long gởi về từ trước. Liên Đoàn 81 BCND cho biết các lực lượng Địa Phương Quân đã tan rã và rời bỏ vị trí khi phòng tuyến của họ bị xe tăng tấn công. Bây giờ phòng tuyến mới của BCND và các lực lượng phòng thủ còn lại nằm ở tòa thị sảnh và dinh tỉnh trưởng. Trong đêm đó, cộng quân pháo hơn 1000 quả đạn vào hai mục tiêu này. Chín giờ sáng ngày 6 tháng 1-1975, bộ binh cộng sản dưới sự hổ trợ của xe tăng mở cuộc tấn công mới vào quân trú phòng. Chiến trận xảy ra suốt ngày. Đến 11 giờ, mọi liên lạc với bộ chỉ huy tiểu khu bị cắt đứt; liên lạc giữa quân Biệt Cách Nhảy Dù vẫn được duy trì. Đến 12 giờ đêm cùng ngày, BCND quyết định bỏ tuyến phòng thủ và rời thành phố.
Mười giờ sáng ngày 7, một toán 50 quân nhân BCND cùng với bộ chỉ huy báo cáo họ đang đóng quân ở một địa điểm ở hướng bắc thành phố. Một số BCND khác cũng báo cáo họ đang có mặt ở hướng đông bắc của đường 14. Từ ngày 9 cho đến ngày 15, tháng 1-1975, quân đoàn II và bộ tư lệnh Liên Đoàn 81 BCND mở nhiều cuộc tìm kiếm các quân nhân BCND đã mất liên lạc chung quanh Phước Long. Sau bốn ngày tìm kiếm, 121 quân nhân được đưa về hậu cứ an toàn. Trong cuộc tiếp cứu Phước Long, Liên Đoàn 81 BCND mất phân nửa số quân của họ. Về phía quân, dân, và cán bộ hành chánh của tỉnh: hơn 1000 người thuộc cảnh sát, thường dân, cán bộ, Địa Phương Quân, và trung đoàn 7 BB chạy thoát về được vùng kiểm soát của chính phủ. Kém may mắn hơn, tỉnh trưởng Phước Long, quận trưởng Phước Bình, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2/trung đoàn 7 BB, và hơn ba ngàn quân nhân khác được ghi nhận mất tích/thương vong.
Trong lúc đánh vào Phước Long, cộng quân cùng lúc mở hai cuộc tấn công vào Tây Ninh và Hoài Đức, Tánh Linh (thuộc tỉnh Bình Tuy). Mục đích của hai cuộc tấn công này là địch muốn chúng ta trải mỏng tuyến, không còn phương tiện phòng thủ và tiếp cứu Phước Long. Chiếm được Phước Long là một thành công lớn so với những hy sinh địch quân đã trả. Từ lúc đánh chiếm những quận chung quanh vào đầu tháng 12, cho đến khi cộng sản thật sự tấn công vào quận lỵ chánh của tỉnh, Phước Long kể như bị cô lập hoàn toàn. Như vậy, không cần tính toán chúng ta cũng có thể biết được số mạng của Phước Long. Đối diện với một lực lượng gồm hai sư đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng, pháo binh phụ thuộc, tiểu khu Phước Long chỉ có Địa Phương Quân. Và khi tình hình nguy ngập, tỉnh được quân đoàn chi viện một tiểu đoàn bộ binh. Kế hoạch phòng thủ Phước Long không hoàn hảo và bị thay đổi vào phút chót, gây nhiều trở ngại cho sự củng cố và tái phối trí các cứ điểm phòng thủ. Những thay đổi phút chót cũng làm cho tỉnh trưởng không kiểm soát được các lực lượng dưới quyền chỉ huy của ông. Những khiếm khuyết đó làm cho báo cáo từ tiểu khu gởi về quân đoàn thiếu chính xác.
Về phía cộng sản, họ có thế thượng phong khi so sánh số quân tấn công và quân phòng thủ. Họ có ưu điểm về chiến thuật và vũ khí có kỹ thuật cao. Xe tăng địch được tái trang bị, hai bên hông xe được độn để cản sức công phá khi trúng đạn. Đặc công của địch không còn di chuyển từng toán nhỏ ban đêm để làm tiền đạo cho các cánh quân chủ lực. Trong trận Phước Long, đặc công cộng sản đi theo xe tăng thẳng vào mặt trận, cùng lúc với các lực lượng tấn công. Pháo binh địch bắn rất chính xác, và với ưu điểm đó, họ chỉ tấn công vào ban ngày để quan sát được mục tiêu. Về tuyền tin, cộng sản dò luồng sóng và biết được nhiều quyết định chiến thuật của chúng ta ở ngay mặt trận.
Nhận định của một quân nhân BCND với kinh nghiệm chiến đấu ở An Lộc và Phuớc Long, về sự thất bại của quân ta: "Địch quân đánh không giỏi và gan dạ. Vấn đề là địch đông quá. Pháo binh mạnh và chính xác hơn ở trận An Lộc. Xe tăng của địch được trang bị khác hơn: Súng M-72 của chúng ta không ngăn chận được. Khi bị trúng đạn, xe tăng địch khựng lại một chút rồi tiếp tục tiến lên. Yểm trợ của không quân không hữu hiệu, vì phi cơ bay quá cao. Chỉ có B-52 như ở An Lộc thì chúng ta mới thắng được."
Về phương diện quân sự: CSBV làm chủ được một vùng đất rộng khi chiếm được Phước Long. Ba căn cứ hậu cần của cộng sản bây giờ nối liền nhau như một vòng cung, trải dài từ biên giới Cam Bốt, qua phiá bắc Vùng III, tạo nên nhiều đường giao thông dẫn đến Hàm Tân ở miền duyên hải.
Về phương diện tâm lý và chính trị: quân đội và dân chúng miền Nam bị giao động khi tỉnh đầu tiên của lãnh thổ VNCH bị mất hẳn vào tay địch. Thái độ dửng dưng của Hoa Kỳ và thế giới tự do trước sự thất thủ Phước Long gia tăng sự hoài nghi về bản hiệp ước ngưng bắn dân miền Nam không tin Hoa Kỳ sẽ trừng phạt những vi phạm lộ liễu của CSBV. Lòng tin của người dân vào quân đội và chính phủ không còn bền vững.
Đối với cộng sản, chiến thắng Phước Long không chỉ là một chiến thắng đơn thuần quân sự; họ đạt được nhiều lợi điểm về tâm lý và chính trị trong chiến thắng đó. Đây là bước đầu của một cuộc chinh phục quân sự, một cuộc chinh phục trắng trợn mà cộng sản không sợ bị trả đũa, phản ứng, từ Hoa Kỳ. Cộng sản Bắc Việt không có một khuyến khích nào tốt hơn trước sự yên lặng của Hoa Kỳ. Đây là thời gian thuận lợi cho cộng sản gia tăng tuyên truyền, kêu gọi quân nhân ta rời bỏ hàng ngũ theo về phía họ.
Ban Mê Thuột
Thiếu tướng Phạm Văn Phú về thay trung tướng Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh Vùng II/Quân Khu II vào tháng 12-1974. Thiếu tướng Phú từng giữ tư lệnh sư đoàn 1 Bộ Binh ở Vùng I từ tháng 10-1970 cho đến tháng 7-1972. Từ năm 1972 cho đến khi nhận chức vụ mới, tướng Phú chỉ huy trung tâm huấn luyện Quang Trung. Phó tổng thống Trần Văn Hương đề nghị thay tướng Toàn vì tướng Toàn bị tố cáo tham nhũng. Tổng thống Thiệu bổ nhiệm tướng Phú theo sự nài khẩn của phó tổng thống Hương, dù biết tướng Toàn là một sĩ quan có khả năng tác chiến. Tướng Toàn rời Vùng II về chỉ huy Thiết Giáp vào tháng 2-1975, và sau khi trung tướng Dư Quốc Đống từ chức tư lệnh vùng III, tướng Toàn được bổ nhiệm vào luôn chức vụ đó. Sự thay đổi chức tư lệnh Vùng II/Quân Khu II là một trong những biến cố đưa đến sự thất thủ Ban Mê Thuột, và một thời gian ngắn sau, mất tất cả Vùng II.
Trong thời gian trên, cộng quân chuẩn bị những chiến dịch quân sự tấn công miền Nam. Cộng sản chuẩn bị kế hoạch quân sự của họ trong sự tin tưởng và phấn khởi vì thấy thái độ yên lặng của Hoa Kỳ từ sau biến cố Phước Long. Nhiều biến chuyển và hoạt động của địch cho thấy Vùng II sẽ là mặt trận mở màn cho các cuộc tấn công sắp đến của cộng sản.
Cuối tháng 1-1975 chúng ta nhận được tin sư đoàn 320 CSBV rời căn cứ ở Đức Cơ, gần Pleiku, di chuyển về phía nam của cao nguyên Darlac. Quân đoàn II nhận được đầy đủ tin tức về hoạt động của địch nhưng không có một phản ứng gì, trừ những cuộc oanh kích hàng ngày vào những đoàn xe tiếp tế của cộng sản trên các trục xâm nhập. Đến tháng 2, các đoàn xe tiếp tế của CSBV xuất hiện hàng ngày nhiều hơn trên các đường xâm nhập ở phía tây biên giới. Một lần, vào cuối tháng 2 không quân VNCH đánh một đoàn vài trăm quân xa trên đường xâm nhập, gây tổn thất nặng cho đoàn xe.
Với sư đoàn 320 có mặt ở nam Darlac, tình báo ta đồng thời nhận được tin các sư đoàn khác của cộng sản như 316, 312 và 341 đang di chuyển về hướng nam nhưng không biết chắc chắn mục tiêu thật sự của các sư đoàn này. CSBV cố giấu mục đích thật sự của họ để đánh lạc hướng chúng ta: thí dụ sư đoàn 316 tiến về phía nam qua ngả Hạ Lào. Ngày 3 tháng 5 chúng ta bắt được tài liệu cho biết trung đoàn công binh chiến đấu của sư đoàn F-10 trên đường di chuyển từ Kontum về Ban Mê Thuột. Với những biến chuyển, quan sát, và tin tức tình báo thâu thập được, chúng ta biết rõ Ban Mê Thuột là mục tiêu hiển nhiên của cộng sản. Theo ước lượng, cộng sản sẽ cắt đứt các quốc lộ 14, 19, và 21 để cô lập các tỉnh ở cao nguyên khỏi vùng bình nguyên của vùng II, đồng thời ngăn chận tiếp viện từ hướng nam lên bắc của quân đoàn. Sư đoàn 320 sẽ chế ngự phi trường Phụng Dực và tất cả các mục tiêu nằm trên quốc lộ 14, ở hướng bắc Ban Mê Thuột. Sau đó sư đoàn F-10 sẽ đánh vào Ban Mê Thuột theo hướng tây nam, dọc theo quốc lộ 14. CSBV dùng mọi cách giấu kế hoạch của họ hầu tạo điều kiện bất ngờ cho cuộc tấn công.
Phòng 2 Tình Báo của quân đoàn II có đầy đủ ước lượng về hoạt động và mục tiêu của địch vào giữa tháng 2-1975. Tuy nhiên các tin tức tình báo tường trình lên cho quân đoàn không được thiếu tướng Phú lưu tâm và cứu xét. Trong thâm tâm của vị tư lệnh quân đoàn II, các hoạt động chung quanh Ban Mê Thuột của CSBV chỉ là một chiến thuật nghi binh. Tướng Phú nghĩ Pleiku sẽ là mục tiêu thật sự của CSBV. Từ thành kiến đó, tướng Phú phối trí quân theo giả định Pleiku là mục tiêu chánh: ông cho nguyên sư đoàn 23 bộ binh đóng chung quanh Pleiku, để lại nhiệm vụ phòng thủ Ban Mê Thuột cho một liên đoàn Biệt Động Quân, các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, mà phần lớn là người Thượng. Đầu tháng 3, khi khi nhận được tin sư đoàn 320 di chuyển về hướng Ban Mê Thuột, bộ tư lệnh quân đoàn gởi về tỉnh trung đoàn 53 của sư đoàn 23. Trung đoàn 53 có nhiệm vụ canh giữ phía nam của phi trường Phụng Dực; trong khi liên đoàn BĐQ tuần hành chung quanh Buôn Hô, cách đông bắc Ban Mê Thuột 30 cây số. Các toán viễn thám của Nha Kỹ Thuật (thuộc BTTM) và sư đoàn 23 hoạt động sâu ở vùng biên giới gần Bản Đôn để truy lùng và theo dõi hoạt động của sư đoàn 320, nhưng chỉ đụng độ với các đơn vị cấp đại đội của địa phương.
Trong khi đó địch quân đã phong tỏa quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột về Nha Trang. Tiểu khu Khánh Hòa mở cuộc hành quân để giải tỏa các nút chận trên đoạn đường nhưng thất bại. Đoạn đường từ Khánh Dương về huớng tây bắc không còn lưu thông được. Ngày 5 tháng 3-1975, CSBV tấn công và tràn ngập quận Thuần Mẫn nằm trên đường 14, nửa đường Pleiku Ban Mê Thuột. Như vậy liên lạc giữa Pleiku, bộ tư lệnh quân đoàn II và Nha Trang ở miền duyên hải bị gián đoạn.
Trận đánh Ban Mê Thuột bắt đầu vào ngày 10 và kết thúc vào ngày 18 tháng 3-1975.(3) Rạng sáng ngày 10 tháng 3, sư đoàn 10 với sự yểm trợ của chiến xa và pháo binh, mở ba mặt tấn công vào thành phố. Mặt thứ nhất là cuộc tấn công bằng bộ binh và xe tăng, đánh vào kho đạn Mai Hắc Đế. Vị đại úy chỉ huy trưởng kho đạn bị tử thương trong lúc chỉ huy chống lại cuộc tấn công, và kho đạn bị mất vào tay địch trưa ngày hôm đó. Mặt tấn công thứ nhì nhắm vào phi trường Phụng Dực. Ở đây CSBV gặp sức phản cự mạnh của trung đoàn 53 bị khựng lại. Mũi thứ ba là mũi tấn công chánh, địch dùng một lực lượng bộ binh và thiết giáp đánh chiếm phi trường L-19, rồi tiến về trung tâm thành phố. Dọc theo các vị trí chiếm được, cộng quân lập nhiều chốt kháng cự phòng hờ cuộc phản công của chúng ta. Bộ chỉ huy tiểu khu, một trong những mục tiêu chánh, bị bao vây và tấn công mãnh liệt. Một xe tăng của địch bị bắn hạ ngoài phòng tuyến. Đến trưa ngày đầu tiên của cuộc tấn công, trung tâm hành quân của tiểu khu bị pháo địch phá hủy. Tiểu khu trưởng cũng là tỉnh trưởng Ban Mê Thuột sát nhập bộ chỉ huy tiểu khu qua bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn 23 bộ binh. Đến giờ phút này, các cơ phận chỉ huy của Nghĩa Quân và Địa Phương Quân không còn hoạt động nữa tất cả đã rối loạn. Xe tăng và bộ binh CSBV vây kín bộ chỉ huy của sư đoàn 23 bộ binh. Vài xe tăng của cộng quân bị bắn cháy ngoài vòng rào của bộ chỉ huy trước khi trời tối ngày đầu tiên của mặt trận.
Trưa ngày 10, liên đoàn Biệt Động Quân được lệnh di chuyển từ Buôn Hô xuống Ban Mê Thuột. Tuy nhiên đoàn quân tiếp cứu này không thực hiện được gì nhiều trước những chốt kháng cự của địch trên đường tiến về mục tiêu. Các đơn vị thiết giáp và Địa Phương Quân của chúng ta đang hành quân ở Bu Prang cũng được lệnh trở lại Ban Mê Thuột. Nhưng đến một chân cầu cách tỉnh lỵ 10 cây số hướng tây nam thì họ bị địch chận lại.
Đêm 10 tháng 3, địch tăng cường cho mặt trận thêm sư đoàn 316. Vòng vây chung quanh công sự của bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 23 càng lúc càng nhỏ; cường độ tấn công của địch gia tăng hàng giờ. Tư lệnh phó của sư đoàn 23 yêu cầu không quân đánh bom yểm trợ sát vào phòng tuyến của bộ chỉ huy. Không quân ta dội bom rất hữu hiệu, phá hủy được một số xe tăng. Nhưng không may, một trái bom rơi vào phòng chỉ huy chiến thuật, phá hủy tất cả các hệ thống, truyền tin. Bộ tư lệnh quân đoàn II mất hẳn liên lạc với mặt trận từ giây phút đó.
Ngày 13, liên đoàn 7 BĐQ được trực thăng vận từ vùng III đến yểm trợ cho quân đoàn II ở Pleiku, để thế hai trung đoàn 44, 45/sư đoàn 23 BB đang chuẩn bị lên đường giải vây Ban Mê Thuột. Ngày hôm sau, 14 tháng 3, một lực lượng gồm trung đoàn 45 và một tiểu đoàn của trung đoàn 44 được trực thăng vận xuống Phước An, nằm cách Ban Mê Thuột 30 cây số hướng đông. Phước An bây giờ là một địa điểm nhốn nháo, thiếu trật tự, nơi quân nhân tản lạc và thường dân chạy loạn tụ lại. Cuộc tiến quân của đoàn quân tiếp cứu gặp nhiều trở ngại ở Phước An: binh sĩ hoang mang và lo lắng cho thân nhân của họ còn kẹt lại trong thành phố, nhiều quân nhân tự động rời đơn vị, đi thẳng vào thành phố tìm thân nhân họ đang còn kẹt trong biển lửa.
Ngày 16 tư lệnh của sư đoàn 23 bị thương và được di tản khỏi mặt trận. Ngày 18 cộng sản tràn ngập Phước An điểm đổ quân duy nhất của chúng ta để giải vây Ban Mê Thuột. Mất Phước An, Ban Mê Thuột bị cắt đứt và cộng quân hoàn toàn làm chủ Darlac.
Trong lúc đó ở Khánh Dương, 45 cây số về hướng đông, lữ đoàn 3 Nhảy Dù đã có mặt. Được di chuyển về từ vùng 1, nhiệm vụ của quân Dù là lập phòng tuyến ngăn chận sư đoàn F-10 đang tiến theo quốc lộ 21 về miền duyên hải. Vừa đóng quân, lữ đoàn Nhảy Dù phải tiếp cứu những quân nhân và thường dân chạy thoát khỏi Ban Mê Thuột trên đường chạy về Nha Trang.
Ban Mê Thuột mất vì chúng ta không đủ quân để phòng thủ khi địch tấn công. Cộng quân không những có những ưu điểm bất ngờ về chiến thuật, họ có luôn thế thượng phong về quân số với 5 sư đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng, pháo binh yểm trợ.(4) Tư lệnh quân đoàn, thiếu tướng Phạm Văn Phú, đã không thẩm định lại tình hình quân sự trước những tin tức tình báo chính xác về sự di chuyển của sư đoàn 320 và sư đoàn F-10 về hướng Ban Mê Thuột. Ông đã không chú trọng đến lời cố vấn của trưởng phòng tình báo quân đoàn và tin tình báo từ BTTM.(5) Với một thành kiến và những quyết định có sẳn trong đầu, tư lệnh quân đoàn II đinh ninh cộng quân sẽ tấn công Pleiku hay Kontum như họ đã làm trong quá khứ.
Từ những định kiến đó, tướng Phú dồn tất cả các nỗ lực phòng thủ vào Pleiku và Kontum, để nhiệm vụ phòng thủ Ban Mê Thuột cho hai lực luợng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Định kiến của tướng Phú về mục tiêu tấn công của địch càng được thể hiện khi ông quyết định xử dụng các đơn vị bộ binh và thiết giáp hành quân truy lùng địch ở các tiền đồn xa như Bu Prang và Buôn Hô. Một lần, theo sự khẩn cầu của đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng tình báo quân đoàn, tướng Phú có ý định đem tất cả sư đoàn 23 về phòng thủ Ban Mê Thuột. Nhưng vào phút chót nghe theo lời cố vấn của vị tư lệnh sư đoàn, chuẩn tướng Lê Trung Tường, tướng Phú chỉ cho trung đoàn 53 về Ban Mê Thuột, giữ hai trung đoàn 44 và 45 ở lại Pleiku.
Ngày 6 tháng 3, khi có tin sư đoàn F-10 bắt đầu rời vị trí và di chuyển, và khi cộng quân đánh chiếm Thuần Mẫn trên quốc lộ 14, cắt đứt quốc lộ 21 ở bắc Khánh Dương, thì vị tư lệnh vùng II mới bắt đầu nghĩ lại vấn đề.
Tuy lo lắng về những biến chuyển, nhưng tướng Phú vẫn chưa dứt khoát với những định kiến của mình về mục tiêu thật của cộng quân. Tướng Phú cho liên đoàn BĐQ đến Ban Mê Thuột không phải để bổ sung vào quân trú phòng, mà để truy lùng và canh giữ Buôn Hô, một địa điểm cách Ban Mê Thuột 30 cây số về hướng bắc.
Đích thân tướng Phú đến Ban Mê Thuột vào ngày 8 tháng 3 để thị sát vị trí phòng thủ và kế hoạch ứng chiến của thành phố. Tướng Phú ra lệnh phân phối vũ khí chống chiến xa như súng M-72 và hỏa tiễn TOW. Để đề phòng thêm, ông ra lệnh di chuyển số đạn trong kho ra nhiều nơi.
Khi cộng quân tấn công Ban Mê Thuột chúng ta không đủ quân cầm cự: với quân của trung đoàn 53, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, lực lượng đó không đủ để đối đầu với ba sư đoàn CSBV và các lực lượng phụ thuộc. Khi quân đoàn II quyết định đem quân về giải vây Ban Mê Thuột thì quá trễ: quân tăng viện đến từng toán nhỏ; đường tiến về Ban Mê Thuột hoàn toàn bị cô lập.  (Còn tiếp...)

Chú thích:
3. Lực lượng dùng vào kế hoạch nghi binh, và đánh vào Ban Mê Thuột gồm bốn sư đoàn 10, 320, 316, 968. Bốn trung đoàn bộ binh 95A, 95B, 25, 271. Năm trung đoàn cao xạ và pháo binh, một trung đoàn xe tăng, một trung đoàn đặc công, hai trung đoàn công binh, một trung đoàn thông tin và các đơn vị hậu cần, vận tải, cộng thêm sư đoàn 3 của Quân Khu 5 trong vai trò nghi binh. Bộ tư lệnh của mặt trận có bí danh là A.75, nằm dưới quyền chỉ huy của Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, và Lê Ngọc Hiền. Sách đã dẫn, trang 198-201. Xem thêm bản đồ bố trí các lượng trong sách của Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng, trang 201-202. Trong sách này Võ Nguyên Giáp thú nhận sư đoàn 320 chỉ còn danh mà thôi, vì sư đoàn đã bị thiệt gần hết sau trận đánh với Nhảy Dù ở Thường Đức (trận đồi 1062, năm 1974). Về hỏa lực pháo binh của cộng sản, theo trung tướng Doãn Tuế, tư lệnh pháo binh CSVN, địch có hai trung đoàn pháo 675 và 40, trung đoàn pháo của sư đoàn 316, và một đơn vị pháo binh của sư đoàn 10. Tổng cộng tất cả là 48 khẩu pháo đủ loại bắn vào Ban Mê Thuột. Cũng theo Doãn Tuế, từ 2:30 đến 5:30 sáng ngày 10 tháng ba, pháo binh bắn 500 viên; từ 8:30 sáng cho đến hết ngày 10, bắn 5000 viên; hai gian đoạn sau cùng của trận chiến cho đến khi họ chiếm được Ban Mê Thuột, bắn 6000 viên đại bác. Đọc Doãn Tuế, Pháo Binh Xuân 1975 (Quân Đội ND, Hà Nội: 1985), trang 63-65 (chú thich dịch giả).
4. Dựa vào số quân tương đương 5 sư đoàn đó mà Lê Đức Thọ đột ngột bước vào phòng họp của Ban Quân Ủy Trung Ương, ra lệnh, "Chúng ta có năm sư đoàn mà không đánh được Ban Mê Thuột là thế nào." Theo Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân (chú thích của dịch giả).
5. Ngoài tin tức thâu thập bằng phương tiện thông thường như mật báo viên, tù binh, hồi chánh, tài liệu hay tin do Phòng 2 quân đoàn II cung cấp, Phòng 2 BTTM còn cung cấp thêm tin tình báo kỹ thuật tối mật. Đại tá Hoàng Ngọc Lung, trưởng Phòng 2 BTTM được gởi đi quân đoàn II để trực tiếp thuyết trình cho tướng Phú về những tin tức kỹ thuật trên, nhưng đại tá Lung không gặp được tướng Phú (chú thích tác giả).



(Tiếp theo Chương 5...)
Cộng sản Bắc Việt tạo ra nhiều cơ hội để chuẩn bị tấn công Pleiku: tụ quân đông hơn và tấn công bất ngờ. Địch giấu được kế hoạch chuyển quân về Ban Mê Thuột qua nhiều cách: sư đoàn 316 bị cấm liên lạc qua máy truyền tin trong suốt thời gian chuyển quân. Sư đoàn 320 đánh lừa đối phương bằng cách để ban truyền tin sư đoàn ở lại Đức Cơ, hy vọng máy bay thám thính của chúng ta ghi nhận sự hiện diện của sư đoàn ở đó. Tuy nhiên sự đánh lừa này vô ích: máy bay thám thính của VNCH không bao giờ đi sâu vào tận Đức Cơ để thám thính các mục tiêu. Sư đoàn F-10 tránh đụng độ với các toán thám sát để bảo toàn mục tiêu di chuyển. Xe tăng địch di chuyển trong rừng rậm, dọc theo các con suối để tránh bị phát hiện. Sau cùng, Nghĩa Quân và Địa Phương Quân của chúng ta ở các tiền đồn không báo cáo hoạt động hay có khả năng chận đánh khi phát hiện địch. Sai lầm này cho phép địch đem quân sâu vào địa phận phòng thủ mà quân chủ lực ta không phát hiện được.
Khi tấn công Ban Mê Thuột vào rạng sáng 10 tháng 3, địch dồn mọi nỗ lực đánh vào bộ chỉ huy tiểu khu, và bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 23 lúc đó là bộ chỉ huy đầu nảo của các lực lượng phòng thủ thành phố.
Bị tấn công mãnh liệt ngay từ phút đầu, bộ chỉ huy tiểu khu không còn kiểm soát và điều khiển được các lực lượng dưới quyền. Cảnh sát, Nghĩa Quân, Địa Phương Quân chiến đấu một cách rời rạc và hỗn loạn. Trong tình trạng chiến đấu như vậy, tiểu khu không thể báo cáo chính xác tình hình của mặt trận về bộ tư lệnh quân đoàn. Khi trung tâm hành quân tiểu khu bị phá hủy, chỉ huy trưởng tiểu khu cũng là tỉnh trưởng Ban Mê Thuột sát nhập bộ chỉ huy của ông vào bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 23. Từ đó các đơn vị dưới quyền chỉ huy tỉnh coi như tan rã vì không nhận được lệnh trực tiếp từ tiểu khu.
Tình trạng của bộ tư lệnh sư đoàn 23 cũng tương tự: bị áp lực mạnh và dồn dập từ phút đầu. Phòng tuyến tử thủ của bộ tư lệnh nằm trong tình trạng hiểm nghèo khi xe tăng địch bắn trực xạ từ ngoài vòng rào. Không quân chiến thuật ta bỏ bom yểm trợ hữu hiệu, sát vào phòng tuyến theo lời yêu cầu của thẩm quyền mặt trận. Nhưng một trái bom rớt vào phòng truyền tin, cắt đứt mọi liên lạc với mặt trận và quân khu.
Sự phản công và kế hoạch giải vây của quân ta đã không được thực hiện hữu hiệu ngay từ phút đầu. Hai trung đoàn 44 và 45/sư đoàn 23 bộ binh được thả xuống Phước An, dùng nơi đó làm bàn đạp tiến về Ban Mê Thuột. Nhưng Phước An vào thời điểm đó là một trung tâm tản cư, nơi tìm thân nhân của tất cả ai chạy thoát từ Ban Mê Thuột. Ở đây, nhiều binh sĩ gặp lại gia đình đã bỏ đơn vị và lẫn vào lớp thường dân; một số binh sĩ khác đã tự động rời hàng ngũ đi tìm thân nhân mất tích. Một đạo quân đi giải vây không thể hoạt động hữu hiệu trong tình trạng như vậy. Bốn ngày sau, sư đoàn F-10 chiếm được Phước An và hy vọng giải vây Ban Mê Thuột tan vỡ.
Quyết Định Định Mệnh của Tổng Thống Thiệu
Trong hai tháng đầu tiên năm 1975 một số dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ đến Việt Nam quan sát tình hình. Đối diện với tình hình quân sự không được khả quan và trông chờ sự biểu quyết ngân quỹ phụ trội cho Việt Nam của quốc hội Hoa Kỳ trong vài tháng tới, chánh phủ VNCH tiếp đón những nhà lập pháp đồng minh rất ân cần và nhiệt tình. Các dân biểu, nghị sĩ được khuyến khích đi quan sát tình hình quân sự, kinh tế, chính trị, để họ thông qua cho VNCH ngân khoản đã yêu cầu. Chánh phủ VNCH chờ đón cuộc viếng thăm với nhiều hy vọng và lạc quan.
Thượng nghị sĩ Sam Nunn đến Việt Nam trước, theo sau là dân biểu Paul N. "Pete" McCloskey và nghị sĩ Dewey Barlett. Tiếp đến là một phái đoàn hỗn hợp lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Bộ Tổng Tham Mưu thuyết trình cho những quan khách đầu tiên về tình hình chung của miền Nam. Trọng tâm của những buổi thuyết trình là tình trạng kiệt quệ về quân cụ, vũ khí của quân lực VNCH. Các nhà lập pháp Mỹ được thông báo tình trạng nguy hiểm sẽ xảy ra nếu số ngân khoản phụ trội 300 triệu mỹ kim không được chấp thuận, và sự nguy hiểm đó xảy ra như các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang chứng kiến. Một số dân biểu nghị sĩ đến Việt Nam lượt sau không được nghe thuyết trình, nhưng họ có đến BTTM quan sát số vũ khí tịch thu của CSBV đang được trưng bày ở đó.
Quá trình hoạt động và quan điểm chính trị của các nhà lập pháp Mỹ viếng thăm Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Có người ủng hộ VNCH; có người chống đối. Có người đến với một tinh thần cởi mở; có người đến với đầu óc thiên vị, định kiến có sẵn. Người thì lịch sự, khiêm nhường; một số khác thiếu sự tế nhị và lễ độ. Phần còn lại thì đến với sự thờ ơ, vô tư về một cuộc chiến. Nhưng dù có thành kiến hay thái độ nào trong thời gian có mặt ở Việt Nam, họ được chánh phủ chào đón nhiệt tình. Mọi người được khuyến khích quan sát, cho phép thăm viếng mọi nơi, tiếp xúc với tất cả. Họ có quyền đối thoại với bất cứ người nào họ muốn từ một công chức cho đến những tổ chức, đảng phái đối lập với chính phủ.
Miền Nam, kể cả những người cộng sản, nghe ngóng và theo dõi cuộc viếng thăm của các nhà lập pháp Hoa Kỳ từng bước, từng biến chuyển. Nhiều lời đồn lan truyền từ chuyến viếng thăm đó; hy vọng và thất vọng lên xuống theo từng giai đoạn, từng thay đổi. Những thành phần chống chánh phủ và muốn thấy một chánh phủ liên hiệp với cộng sản, hy vọng Hoa Kỳ làm áp lực với VNCH để chánh phủ nhân nhượng theo ý muốn của họ. Phía ôn hòa thì hy vọng các nhà lập pháp Mỹ suy xét lại tình hình miền Nam, cung cấp vũ khí, quân viện, để dân miền Nam tự bảo vệ và chống lại cuộc xâm lăng lộ liễu của cộng sản miền Bắc. Về phía cộng sản, dĩ nhiên, họ muốn thấy các nhà lập pháp Mỹ cắt đứt viện trợ để làm tê liệt khả năng chiến đấu của quân đội VNCH.
Nhưng nói một cách tổng quát, phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ để lại một không khí thất vọng sau khi rời Việt nam. Từ bầu không khí đó, nhiều lời đồn, tuyên truyền lan ra, làm hại cho tinh thần chiến đấu của quốc gia. Sau chuyến viếng thăm, giới lãnh đạo của chúng ta nghĩ dân Hoa Kỳ nhìn VNCH như một chính phủ tham nhũng, đàn áp và độc tài. Với những khủng hoảng về kinh tế và chính trị nội bộ đang xảy ra trong lãnh thổ họ, Hoa Kỳ không còn khả năng tiếp tục tham gia vào cuộc chiến.(6) Vấn đề viện trợ thêm cho Việt Nam không có nhiều hy vọng. Ngược lại, ngân sách viện trợ có thể bị cắt thêm vì Hoa Kỳ đang chuyển mục tiêu quân sự, chính trị của họ về các vấn đề ở Trung Đông.(7)
Không ai thấy rõ vấn đề hơn tổng thống Thiệu. Khi người khách cuối cùng của quốc hội Hoa Kỳ rời Việt Nam, tổng thống Thiệu biết ngay VNCH không còn hy vọng gì về khoản tiền 300 triệu quân viện phụ cấp. Tổng thống Thiệu cũng biết quân viện cho VNCH trong tương lai sẽ ít hơn chứ không thể nhiều hơn và tổng thống Thiệu dựa nhiều quyết định của ông vào những suy luận đó: những gì ông ta cương quyết từ chối hành động trong suốt hai năm qua, bây giờ ông phải làm. Tổng thống Thiệu quyết định tái phối trí quân đội dựa vào phần đất VNCH có thể bảo vệ được.
Cuộc tấn công của CSBV vào Ban Mê Thuột và những phản công vô hiệu của quân đoàn II có tác dụng vào tâm trí của tổng thống Thiệu người duy nhất có quyết định tối hậu về chiến lược, chiến thuật của cuộc chiến. Khi quân đội đồng minh rời Việt Nam, quân đội VNCH phải đương đầu với một đối phương đông quân hơn. Phải phân tán mỏng các lực lượng trừ bị cuối cùng để cố gắng bảo vệ lãnh thổ, quân đội chúng ta không bao giờ có được ưu điểm về quân số. Thêm vào đó, những cắt giảm quân viện đã làm suy yếu khả năng chiến đấu và tinh thần của quân đội ngoài mặt trận một sự kiện mà chúng ta từ chối chấp nhận. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, phải có sự thay đổi nếu chúng ta muốn VNCH tồn tại.
Trong vai trò cố vấn quân sự cho tổng thống, BTTM có lúc nghĩ quân dội VNCH có cơ may nếu lãnh thổ được phòng thủ tương xứng khả năng.(8) Nhìn từ quan điểm quân sự, lối suy luận của BTTM không phải hoàn toàn vô lý nhưng đi ngược lại chính sách "bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá" mà tổng thống Thiệu tuyên bố nhiều lần từ sau hiệp định Paris 1973. Với tình hình chiến sự nguy ngập chỉ trong vòng hai tháng, chúng ta mất Phước Long và Ban Mê Thuột và việc gì sẽ xảy ra nữa đây" Dư vị cay đắng của các nhà lập pháp Mỹ để lại sau chuyến viếng thăm vẫn còn. Có lẽ trong một phút riêng tư nào đó, tổng thống Thiệu bắt buộc phải suy nghĩ lại.
Với những quyết định có sẵn, ngày 11 tháng 3-1975 một ngày sau khi Ban Mê Thuột bị tấn công tổng thống Thiệu mời thủ tướng Trần Thiện Khiêm, cố vấn an ninh quốc gia, trung tướng Đặng Văn Quang và tác giả đến dinh tổng thống để ăn sáng và bàn luận. Sau khi bữa ăn được dọn ra và các người hầu rời bàn, tổng thống Thiệu lấy ra một bản đồ nhỏ và bắt đầu cuộc thảo luận với những tường trình về tình hình chiến sự mà ba người khách đã hoàn toàn tường tận. Nói xong về tình hình chiến sự, tổng thống Thiệu đi ngay vào vấn đề với quyết định: "Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ chúng ta muốn bảo vệ." Như vậy, chúng ta nên tái phối trí lực lượng và bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thật sự quan trọng.
Quyết định của tổng thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như tổng thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó, và bây giờ chỉ thổ lộ ra cho ba người chúng tôi trong bữa ăn sáng. Tổng thống Thiệu phát họa sơ những vùng ông nghĩ là quan trọng, gồm Vùng III và IV, miền duyên hải và thềm lục địa. Một vài phần đất quan trọng đang bị cộng sản chiếm, chúng ta sẽ cố gắng lấy lại bằng mọi giá. Những vùng đất cần chiếm lại là nơi đông dân, trù phú và có giá trị về lâm sản, nông sản và kỹ nghệ, nhất là miền duyên hải, nơi thềm lục địa vừa được khám phá ra dầu hỏa. Cuối cùng, vùng đất mà chúng ta không thể nào để mất là Saigon, các tỉnh lân cận, và đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng thống Thiệu bình thản tiếp tục độc thoại về chính trị địa lý của Miền Nam, nhưng khi nói đến Vùng I và II, ông không tỏ vẻ lạc quan hay tự tin. Chỉ vào vùng cao nguyên trung phần, tổng thống Thiệu nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai tỉnh Kontum và Pleiku nhập lại, vì tài nguyên và dân số của Ban Mê Thuột. Miền duyên hải của vùng II cũng quan trọng với tiềm năng dầu hỏa chứa đựng ở thềm lục địa. Về Vùng I, ý kiến của tổng thống Thiệu là "giữ được phần nào thì giữ." Ông phát họa kế hoạch phòng thủ ở Vùng I bằng những tuyến cắt ngang duyên hải từ bắc xuống nam. Nếu chúng ta có đủ lực lượng, tổng thống Thiệu nói, chúng ta sẽ giữ đến Huế hay Đà Nẵng. Nếu không được, chúng ta sẽ tái phối trí quân lại ở Chu Lai, hay thấp hơn là Tuy Hòa. Kế hoạch này, tổng thống Thiệu nói tiếp, cho chúng ta sắp đặt lại khả năng để có nhiều hy vọng giữ được những vùng đất quan trọng cho miền Nam trường tồn như một quốc gia vững mạnh.(9)
Như vậy, chỉ sau vài lời sơ thảo, tổng thống Thiệu đi đến một quyết định quan trọng. Hậu quả của quyết định đó như thế nào thì chưa biết được, nhưng nhìn từ quan điểm quân sự, quyết định của tổng thống Thiệu có nhiều vấn đề. Là cố vấn quân sự cho tổng thống, tác giả bắt buộc phải có ý kiến về quyết định của tổng thống Thiệu. Tác giả cho sự tái phối trí là cần thiết và có ý tưởng đó từ lâu. Nhưng tác giả không tiện nói ra vì hai lý do: một, đề nghị tái phối trí quân sự đi ngược lại chính sách quốc gia; hai, lời đề nghị đó có thể bị hiểu lầm là thái độ chủ bại. Tác giả tránh phát biểu thêm là sự tái phối trí có tầm vóc qui mô như vậy đã quá trễ. Ngoài ra, tác giả thấy tổng thống Thiệu đã quyết định, nên ông không muốn nghe thêm những ý kiến ngược lại. Đã là tổng thống, ông Thiệu có thẩm quyền và trách nhiệm chỉ đạo cuộc chiến: ông phải biết ông đang làm gì.
Dù quyết định trên là một sự thay đổi toàn diện từ chiến lược "bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá" đang áp dụng, sang "bảo vệ lãnh thổ theo khả năng", quyết định của tổng thống Thiệu rất hợp lý trong tình thế đang xảy ra. Nếu phải chỉ trích quyết định đó, chúng ta chỉ có thể hỏi là tại sao tổng thống Thiệu phải chờ lâu như vậy để áp dụng kế hoạch tái phối trí. Chỉ hai năm sau ngày ngưng bắn, tình trạng quân sự phía VNCH xuống dốc một cách thê thảm. Vào buổi sáng hôm đó, tổng thống Thiệu không giải thích hay đề cập đến lý do nào đưa ông đến những quyết định ông trình bày; quyết định của ông hình như phản ảnh những thực tế đang diễn ra. Từ trước, tổng thống Thiệu hy vọng chúng ta có khả năng bảo vệ những tiền đồn và địa giới thưa thớt. Và nếu cộng sản Bắc Việt vi phạm hiệp ước ngưng bắn, Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến và thế giới chắc chắn biết ai là kẻ gây hấn. Nếu CSBV tiếp tục vi phạm một cách trắng trợn, tổng thống Thiệu hy vọng vào những hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ có lý do trừng phạt Bắc Việt mạnh mẽ như tổng thống Nixon đã hứa với tổng thống Thiệu.
Trong hai năm, cộng sản gia tăng vi phạm và cường độ của những vụ vi phạm, để dò xét thái độ của Hoa Kỳ, coi họ có sẵn sàng trả đũa không. Lúc tổng thống Nixon chưa từ chức, thỉnh thoảng ông có cảnh giác CSBV về những vi phạm của họ. Nhưng sau khi tổng thống Nixon từ chức vào ngày 8 tháng 8-1974, những hứa hẹn "phản ứng mạnh mẽ" của Hoa Kỳ chỉ là những lời hứa suông. Ngay sau khi Phước Long bị tấn công, Hoa Kỳ không có một phản ứng nào. Kế tiếp là thái độ bất lợi của phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm. Từ thái độ đó, VNCH không còn hy vọng nào. Một thực tế gần như hiển nhiên là Hoa Kỳ không muốn cuộc chiến tiếp tục, và biểu quyết viện trợ để VNCH tiếp tục đánh là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với Hoa Kỳ, cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc.
Tổng thống Thiệu không còn một chọn lựa nào để cứu vãn tình thế trừ quyết định tái phối trí quân đội như đã nói trên còn nước còn tát. Nhưng quyết định của ông quá trể. Kế hoạch tái phối trí lẽ ra phải được thực hiện từ giữa năm 1974. Hay ít nhất phải thực hiện ngay khi tổng thống Nixon từ chức. Là tác giả của kế hoạch Việt Nam Hóa và Hiệp Định Ba Lê, tổng thống Nixon là người Mỹ duy nhất có trách nhiệm tâm lý để bảo vệ văn kiện đình chiến. Nixon là người đáng tin cậy, có can đảm xử dụng những biện pháp mạnh khi cần thiết. Chậm nhất, kế hoạch tái phối trí quân sự theo khả năng của quân đội phải được thực hiện ngay lúc đó.
Dĩ nhiên cộng sản sẽ sẵn sàng tiến chiếm những vùng đất chúng ta không có khả năng bảo vệ. Hai bên sẽ thương lượng với nhau về một ranh giới mới. Nhưng chúng ta có được ưu thế trong chiến lược này: lãnh thổ được thu hẹp lại và nội tình an ninh hơn. Kế hoạch tái phối trí tương tự như một Hiệp Định Geneve 1954 thứ hai: một ranh tuyến mới, quân đội hai bên tập họp lại vùng riêng biệt của họ... hai lãnh thổ rõ ràng chứ không là nhiều vùng "da beo" lẫn lộn. Chiến lược này lý tưởng cho sự tồn tại của VNCH. Nhưng dù ta có theo chiến lược này, chưa chắc những người cộng sản chấp nhận. Nếu họ đã ký hiệp định Geneve 1954 rồi, và cho đó là một sự lầm lẫn, thì chắc gì họ chấp nhận giải pháp này lần nữa" Không thể nào họ hy sinh xương máu trong 20 năm mà không được gì.
Quyết định tái phối đã quá trể sau khi Ban Mê Thuột mất. Cộng sản thắng liền hai trận, và sau hai trận, với sự hao tổn của VNCH, họ có luôn thế thượng phong về quân số. Phía bên ta, đã trải quân ra quá mỏng, chúng ta không thể nào rút quân một nơi để lấp vào chỗ khác mà không bị tấn kích và đe dọa bởi số quân đông gấp hai của địch.
Một vấn nạn khác chúng ta đối diện là thường dân và thân nhân binh sĩ: di tản hay là không di tản những người này cũng là một yếu tố thành công hay thất bại trong cuộc chiến. Không nhà lãnh đạo nào với một lương tâm có thể bỏ dân mình vào tay địch. Trong trường hợp phải chọn lựa, người lãnh tụ phải hy sinh dân để giữ lấy quân. Nhưng kinh nghiệm cho thấy người dân miền Nam tránh xa vùng kiểm soát của cộng sản nếu họ có cơ hội và chọn lựa. Người dân trong nghĩa này cũng là thân nhân của binh sĩ những người họ chiến đấu để bảo vệ và những người nâng cao tinh thần họ. Chúng ta không thể tách rời binh sĩ và thân nhân ra. Tinh thần khắng khít trong truyền thống gia đình Việt Nam khó cho chúng ta tách họ ra dù trong một thời gian ngắn.
Nghĩ lại việc đã qua, câu hỏi là miền Nam có sống sót nếu chúng ta không áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng quân sự hay không. Bây giờ nói thì sự đã rồi, nhưng tác giả tin miền Nam có nhiều cơ hội hơn nếu không thực hiện tái phối trí. Tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH và nhân dân bị hủy diệt là kết quả trực tiếp của kế hoạch tái phối trí. Không có kế hoạch đó, có lẽ quân đội của chúng ta không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23BB, nhưng tất cả các đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được Ban Mê Thuột cộng quân vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở Vùng II. Vùng II vẫn còn sư đoàn 22BB, cộng thêm một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh, và hai sư đoàn không quân. Vùng II có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô. Không có kế hoạch tái phối trí, tác giả không nghĩ cộng sản có thể thành công, đánh nhanh và chiếm nhiều đất được như họ đã làm ở Vùng I. Tình hình quân sự nhân lực của VNCH vẫn gặp những khó khăn dai dẳng như trước khi có quyết định tái phối trí: thiếu thốn về quân viện; không còn nhân lực để lập thêm những đơn vị tổng trừ bị. Nhưng ít ra quân đội VNCH sẽ không tan rã nhanh chóng như khi quyết định tái phối trí được thực hiện.
Đó là cái nhìn về phương diện quân sự trong giai đoạn ngắn hạn. Sau Ban Mê Thuột tác giả nghĩ CSBV sẽ làm áp lực để có được một chánh phủ liên hiệp; và tổng thống Thiệu có thể chấp nhận. Nhưng dù chuyện đó có xảy ra, đó chỉ là một hoàn cảnh hòa hoãn tạm bợ nhất thời: cộng sản sẽ tiếp tục tìm cách lấy thêm đất qua chiến thắng quân sự để bắt VNCH nhượng bộ thêm về chính trị. Liệu VNCH có chịu nỗi những áp lực đó trong một thời gian dài hay không" Tác giả nghĩ câu trả lời sẽ tùy thuộc vào số quân viện của Hoa Kỳ cung cấp cho VNCH. Một sự thật không thể chối cãi là quân đội VNCH sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6-1975 nếu không nhận được số quân viện phụ trội. Và một quân đội sẽ không thể nào chiến đấu nếu không có những trang bị cần thiết để chiến đấu.      (Còn tiếp...)


Chú thích:
6. Biến động chính trị quan trọng nhất của cuối năm 1974 đầu năm 1975 là sự từ chức của tổng thống Richard Nixon vào tháng 8-1974. Một năm trước đó, tháng 10-1973, phó tổng thống Spiro T. Agnew phải từ chức vì tội tham quyền, hối lộ. Nixon chọn Geral R. Ford, một dân biểu rất uy tín của đảng Cộng Hòa, lên làm phó tổng thống, và khi Nixon từ chức, Ford lên thay Nixon theo Hiến Pháp Hoa Kỳ. Năm 1973-1974 nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái với sự lạm phát, thất nghiệp gia tăng. Đảng Cộng Hòa và tất cả các chính khách liên hệ đến Nixon và nền hành chánh của ông đều bị nghi ngờ hay mất tín nhiệm (chú thích của dịch giả).
7. Như chúng ta đã thấy trong hai năm 1972-1973, Mỹ chuyển hướng ngoại giao với Trung Cộng (và phản bội Đài Loan), thương lượng về vũ khí nguyên tử (SALT, ICBM) với Nga, và vấn đề Trung Động qua cuộc chiến tranh Ả Rập-Do Thái vào tháng 9-1972. Với những biến chuyển đó, Việt Nam và Đông Nam Á không còn là một chú trọng của Hoa Kỳ (chú thích của dịch giả).
8. Xin đọc Phụ Chú A để hiểu về vai trò của Bộ Tổng Tham Mưu trong cuộc chiến Việt Nam (chú thích của tác giả).
9. Sau này tác giả mới biết, trước buổi họp ngày 11 tháng 3-1975 tại dinh Độc Lập, tổng thống Thiệu đã có trong tay 3 đề nghị về việc này: (1) vào năm 1974, tướng Đồng Văn Khuyên, tham mưu trưởng liên quân kiêm tổng cục trưởng tổng cục tiếp vận, đệ trình lên tổng thống ý niệm phải thu hẹp lãnh thổ VNCH thế nào tương xứng với sự cắt giảm viện trợ quân sự như chúng ta đã thấy. (2) thiếu tướng John Murray thuộc phòng tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Attache Office-Vietnam) có cung cấp cho tổng thống Thiệu qua Tòa Đại Sứ Mỹ một sơ đồ tương tự như Tổng Cục Tiếp Vận đề nghị. (3) Chuẩn tướng Úc Đại Lợi Ted Sarong cũng đề nghị qua một giới chức Phủ Tổng Thống một kế hoạch tương tự (chú thích của tác giả).