Wednesday 13 August 2014

Những Ngày Cuối Của VNCH

Nguyên Tác: The Final Collapse 

Của Đại Tướng Cao Văn Viên. 
Dịch Giả: Nguyễn Kỳ Phong





Chương 7: Vùng I Thất Thủ

Tình hình chiến sự ở Vùng I được yên lặng chút ít vào cuối năm 1974 khi Quân Đoàn I đẩy lui ý định xâm lấn của cộng sản vào vùng bình nguyên dọc theo duyên hải phía tây nam Đà Nẵng. Cuộc bình định của chúng ta rất khó khăn khi đối diện với ba sư đoàn cộng sản tìm cách gây áp lực vào trung tâm của Vùng I. Song song với áp lực này, CSBV lúc nào cũng có quân đe dọa ở hai cực nam và bắc của Vùng I. Quân đoàn I hy sinh rất nhiều trong sáu tháng cuối năm 1974. Các lực lượng cơ hữu của quân đoàn bị hao tổn, khả năng tác chiến thấp, quân số thiếu hụt vì không còn khả năng bổ sung.
Sư đoàn Nhảy Dù rút khỏi Vùng I vào giữa tháng 3-1975. Vùng trách nhiệm của sư đoàn Dù là bắc tỉnh Thừa Thiên đến sông Thạch Hãn ở hướng bắc của tỉnh Quảng Trị. Khi lính Dù rút đi, trách nhiệm được giao lại cho liên đoàn 15 BĐQ và sư đoàn 1 BB. Vùng còn lại từ bắc Thạch Hãn trở lên là phần trách nhiệm của lữ đoàn 369 TQLC. Hai lữ đoàn TQLC còn lại được đưa về phòng thủ Đà Nẵng và các nơi khác tùy theo tình hình đòi hỏi. Các nơi TQLC rút đi được giao lại cho liên đoàn 14 BĐQ và thiết đoàn 1 Kỵ Binh. Tất cả các lực lượng phòng thủ nói trên được tập trung dưới quyền chỉ huy của một bộ chỉ huy tiền phương đóng ở Huế. Các lực lượng còn lại nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân Đoàn, gồm sư đoàn 3BB, phụ trách lãnh thổ tỉnh Quảng Nam; sư đoàn 2BB, có bộ chỉ huy ở Chu Lai, phụ trách tỉnh Quảng Ngãi và một phần tỉnh Quảng Tín. Với một vùng trách nhiệm khá lớn, sư đoàn 2BB được sự hỗ trợ của liên đoàn 11 và 12 BĐQ.
Như vậy, đối đầu với năm sư đoàn và nhiều trung đoàn độc lập của CSBV, Quân Đoàn I chỉ có ba sư đoàn bộ binh, sư đoàn TQLC, bốn liên đoàn BĐQ và một thiết đoàn kỵ binh.(1) Vì nằm sát ranh giới của địch, Vùng I có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. CSBV còn vài sư đoàn tổng trừ bị vẫn còn nằm ở miền Bắc. Như vậy, CSBV vẫn có thế thượng phong về quân số và lối bố trí quân so với quân ta. Tình hình quân sự nhìn có vẻ yên tỉnh nhưng có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Cộng sản tìm cách gây áp lực vào giữa Huế Đà Nẵng, và Chu Lai Đà Nẵng. Nhìn vào các hoạt động của địch, chúng ta có thể ước tính địch muốn cô lập quốc lộ 1, cái sương sống huyết mạch của Vùng I.
Kế Hoạch của Tướng Ngô Quang Trưởng
Lối bố trí quân và tình hình quân sự Vùng I được tướng Trưởng trình bày như trên vào buổi họp ngày 13 tháng 3-1975 tại dinh Đôc Lập. Như thường lệ, tổng thống Thiệu chủ tọa buổi họp dưới sự có mặt của thủ tướng Khiêm, tác giả (ĐT Cao Văn Viên), và trung tướng Đặng Văn Quang. Sau khi tướng Trưởng chấm dứt tường trình về tình hình Vùng I, trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Vùng III, được mời vào báo cáo vùng trách nhiệm của ông. Theo tướng Toàn, tình hình Vùng III tương đối yên tỉnh, không có biến chuyển nào quan trọng xảy ra.
Sau tướng Trưởng và Toàn, đến lượt tổng thống Thiệu lên tiếng. Ông phân tích tình hình chung và những khó khăn VNCH đối đầu về vấn đề quân viện. Tổng thống Thiệu thú nhận ông không tin Hoa Kỳ sẽ can thiệp dù cho CSBV mở cuộc tổng tấn công vào miền Nam. Ông tỏ ý thông cảm về tình trạng thiếu thốn, khó khăn ở các quân đoàn. Ông cho biết trong thời gian gần đây ông ra nhiều quân lệnh nhưng ông biết các tư lệnh gặp nhiều khó khăn khi thi hành.
Trong hoàn cảnh như vậy, tổng thống Thiệu tuyên bố, quân đội không thể làm gì khác hơn là thay đổi chiến lược, tái phối trí lực lượng để giữ các vùng đất phì nhiêu, có tài nguyên. Nếu chúng ta phải bỏ một số rừng núi cho cộng sản để giữ lại lãnh địa mầu mỡ, nhiều khoáng sản gồm có thềm lục điạ, thì chúng ta cũng chấp nhận. Thà vậy hơn là đứng chung một chánh phủ liên hiệp với cộng sản. Vùng đất mà tổng thống Thiệu nói đến là Đà Nẵng. Về vấn đề tái phối trí quân tự tổng thống Thiệu nghĩ ra một mình, chưa hề tiết lộ trong một buổi họp nào. Theo TT, Sư đoàn Nhảy Dù sẽ rời Vùng I, theo sau là sư đoàn TQLC, nếu tình hình phòng thủ của vùng không bị ảnh hưởng khi hai đơn vị trên rút đi. Rút hai đơn vị trên khỏi Vùng I cho phép quân đội tái lập lại các lực lượng tổng trừ bị. Cùng với những cuộc rút quân khỏi Vùng I, tổng thống Thiệu cho phép tướng Toàn rút quân khỏi An Lộc, và xử dụng lực lượng đó vào những kế hoạch phòng thủ nơi nào cần nhất ở Vùng III.(2)
Sau khi tổng thống chấm dứt thì đến lượt tác giả. Với tư cách tổng tham mưu trưởng, tác giả nhắc các tư lệnh quân đoàn phải cẩn thận khi rút quân. Buổi họp ngày 13 tháng 3 chấm dứt sau ba tiếng rưỡi đồng hồ, mặc dù các tham dự viên đã không bàn cãi dài dòng.
Sáu ngày sau buổi họp đó, tình hình ở Vùng I càng ngày càng nguy hiểm. Dân chúng kéo nhau chạy về Đà Nẵng lánh nạn, trong khi chánh quyền không có biện pháp nào kiểm soát hay ngăn chận làn sóng tị nạn. Trên những đèo quan trọng trên quốc lộ 1, dân chúng, xe cộ di tản gây nhiều trở ngại cho sự di chuyển quân của hai sư đoàn Nhảy Dù và TQLC.
Ngày 19 tháng 3 dinh Độc Lập gọi tướng Trưởng về Saigon họp thêm lần nữa. Buổi họp bắt đầu lúc 11 giờ sáng, và lần này có thêm sự hiện diện của phó tổng thống Trần Văn Hương. Tướng Trưởng trình bày hai kế hoạch triệt thoái.
Kế hoạch Một: xử dụng quốc lộ 1 làm trục chánh và cùng lúc rút quân từ Huế về Đà Nẵng, và từ Chu Lai về Đà Nẵng. Kế Hoạch Hai: giả định cộng quân cắt đứt quốc lộ 1. Trong trường hợp đó, các lực lượng ta sẽ rút vào ba cứ điểm Chu Lai, Huế, và Đà Nẵng. Tuy nhiên Huế và Chu Lai chỉ là hai nơi tập trung quân, từ đó dùng phương tiện của hải quân về Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chánh với sự bảo vệ của bốn sư đoàn bộ binh và bốn liên đoàn BĐQ.(3)
Hai buổi họp chỉ cách nhau sáu ngày nhưng buổi họp lần thứ nhì với tình thế đang xảy ra chúng ta bị bắt buột phải chọn Kế Hoạch Hai nếu muốn bảo toàn lực lượng: không thể rút quân theo Kế Hoạch Một được vì áp lực cộng sản quá mạnh trên đoạn đường Huế Đà Nẵng, Chu Lai Đà Nẵng. Hai liên đoàn BĐQ đơn vị trừ bị cuối cùng của Quân Đoàn cố gắng giải tỏa áp lực trên các đoạn đường nhưng vô hiệu; chúng ta đã mất thế mạnh về quân sự. Và nếu chúng ta có thể chuyển quân được trên quốc lộ 1, sự di chuyển cũng rất khó khăn vì làn sóng dân tị nạn đang từ mọi ngả dùng con lộ duy nhất đó để chạy về Đà Nẵng.
Để kết thúc tướng Trưởng cho tổng thống Thiệu biết, "chúng ta chỉ có một chọn lựa. Và chúng ta phải thi hành ngay trước khi quá trể." Chọn lựa của tướng Trưởng là rút quân về Huế, Đà Nẵng, Chu Lai và lợi dụng những công sự phòng thủ đã có trong thành phố, hay địa hình chung quanh, như những cao điểm của những ngọn đồi ngoại thành để chống cự. Sau đó tướng Trưởng cũng hỏi thẳng tổng thống Thiệu về tin đồn ông muốn đưa sư đoàn TQLC về Vùng III. Nếu đó là sự thật thì kế hoạch của tướng Trưởng bị ảnh hưởng, và ông muốn biết ý định của tổng thống Thiệu.
Tổng thống Thiệu nằm trong tình trạng khó xử. Chính ông là người nghĩ ra kế hoạch triệt thoái và ra lệnh tướng Phú thi hành kế hoạch. Cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên không xảy ra như dự trù nếu không nói là thất bại. Sự thất bại đó gây nao núng tinh thần dân chúng và có thể ảnh hưởng đến tất cả những kế hoạch khác.
Căn cứ vào tất cả những biến chuyển đang xảy ra, chúng ta có thể hiểu được thái độ của tổng thống Thiệu khi phải trả lời trực tiếp cho tư lệnh chiến trường. Tổng thống Thiệu không nhắc gì đến chuyện di tản, ông chỉ ra lệnh cho tướng Trưởng giữ bất cứ phần đất nào ông có thể giữ được với số quân dưới tay ông kể luôn sư đoàn TQLC. Sau khi tránh trả lời thẳng câu hỏi của tướng Trưỏng, tổng thống Thiệu quay sang ra lệnh cho tướng Quang soạn cho ông một bài diễn văn để ông công bố trên đài phát thanh cho toàn dân biết ý định của ông. Ông muốn trấn an dân chúng, cho họ biết chính phủ VNCH sẽ bảo vệ Huế đến cùng. Tổng thống Thiệu không nhắc gì đến vấn đề dân tị nạn hay di tản: ông và thủ tướng Khiêm không đá động gì đến vấn nạn của tướng Trưởng. Trái với buổi họp lần trước, lần này buổi họp có chút không khí phấn khởi. Có lẽ nhờ vấn đề triệt thoái và tái bố trí quân đã không được đề cập đến.
Hai Phía Bắc và Nam của Vùng I
Sáu giờ chiều ngày 19 tháng 3 tướng Trưởng trở lại Đà Nẵng. Vừa đáp xuống phi trường ông nhận được báo cáo của tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh phó quân đoàn. Tướng Thi báo cáo bộ tư lệnh tiền phương của ông tại Huế bắt đầu bị pháo 130 ly của cộng sản bắn vào. Quân Bộ binh có thiết giáp yểm trợ đã đánh vào tuyến đầu của vòng đai phòng thủ ở phía nam sông Thạch Hãn. Cuộc tổng tấn công của CSBV đã bắt đầu ở Vùng I chiến thuật. Gần hai năm từ ngày ngưng bắn, ranh giới ta và địch nằm song song nhau ở sông Thạch Hãn tương đối yên tỉnh. Tại đây có một bộ chỉ huy của Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến và là nơi hai bên trao đổi tù binh nhiều lần sau ngày ngưng bắn. Tướng Trưởng lập tức gọi BTTM xin được phép xử dụng lữ đoàn Nhảy Dù ứng chiến trong tình trạng cần thiết. Lữ đoàn 1 trong lúc đó đang tập họp ở phi trường Đà Nẵng chuẩn bị lên đường về Saigon. Tổng thống Thiệu đồng ý cho cho tướng Trưởng giữ quân Dù ở Vùng I với một điều kiện: không được cho quân Dù lâm chiến dưới bất cứ trường hợp nào. Như vậy giữ quân Dù ở lại Vùng I như một yểm trợ tinh thần chứ không cho lâm trận. Khi ra lệnh như vậy tổng thống Thiệu hiểu được giá trị tâm lý của lính Dù, nhưng ông cũng biết xử dụng nguyên lữ đoàn Dù cũng không thay đổi được tình hình. Đến lúc đó tướng Trưởng rất hoang mang về tình hình quân sự ở tuyến đầu quân đoàn I.
Đêm 19 tháng 3 Quảng Trị mất vào tay địch. Các lực lượng của ta gồm các chi đoàn Thiết Kỵ, một liên đoàn BĐQ và ba liên đoàn Địa Phương Quân rút về bên này bờ sông Mỹ Chánh. Tại đây quân ta lập một phòng tuyến mới.
Sáng ngày 20, tướng Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương của sư đoàn TQLC đóng cách tuyến phòng thủ Mỹ Chánh khoảng bảy cây số. Tại đây ông họp tất cả các cấp chỉ huy để bàn kế hoạch phòng thủ Huế như tổng thống Thiệu đã ra lệnh phải giữ bằng mọi giá. Tình hình mặt trận mà các cấp chỉ huy và tướng Trưởng đang đối diện không đến nổi bi quan Kế Hoạch Dự Trù 1 của Tướng Trưởng: Kế hoạch 1 giả định quốc lộ 1 còn di chuyển đuợc. Lính từ hai cứ điểm Chu Lai và Huế sẽ theo quốc lộ 1 rút về Đà Nẵng. Tuyến phòng thủ Đà Nãng sẽ được ba sư đoàn bộ binh, sư đoàn TQLC, thiết đoàn thiết giáp, và bốn liên đoàn BĐQ bảo vệ. Kế Họach Dự Trù 2: Trong kế hoạnh này, giả định quốc lộ 1 không còn xử dụng được. Quân tái phối trí tụ về Chu Lai và Huế. Tàu Hải Quân sẽ di tản tất cả quân về Đà Nẵng từ hai điểm tập họp đó. Tuy nhiên kế hoạch tái phối trí của tướng Trưởng không thực hiện được vì tổng thống Thiệu không giữ lời hứa, cho sư đoàn TQLC ở lại Vùng I.
Quân chủ lực và các đơn vị Nghĩa Quân, Địa Phương Quân còn trong tình trạng hoàn hảo. Tinh thần cao và kỷ luật được duy trì. Mất Quảng Trị có thể làm binh sĩ xuống tinh thần nhưng tình thế chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Dân chúng đã di tản nhiều và thẩm quyền quân sự đỡ lo lắng. Phần lớn sư đoàn TQLC đã triệt thoái về Đà Nẵng. Các đơn vị còn lại vẫn duy trì được quân phong quân kỷ. Tinh thần chiến đấu của các cấp chỉ huy trong buổi họp là đồng lòng tử thủ Huế cho đến cùng.
Trên đường trở về Đà Nẵng tướng Trưởng ghé Huế thăm thiếu tướng Hoàng Văn Lạc, tư lệnh phó quân đoàn về lãnh thổ. Sau khi viếng thăm các tuyến phòng thủ tướng Trưởng rất lạc quan về tình hình bố trí quân của các lực lượng ở Huế. Một giờ ba mươi cùng ngày, tổng thống Thiệu đọc hiệu triệu cho toàn dân trên làn sóng truyền thanh. Lời hiệu triệu nhấn mạnh đến Huế: Ông ra lệnh tử thủ Huế bằng mọi giá. Lời hiệu triệu của tổng thống Thiệu rất cần để nâng cao tinh thần quân dân cán chính dù hơi trễ trong lúc này. Tướng Trưởng rời Huế rất tự tin và cương quyết.
Buổi chiều, vừa trở về Đà Nẵng, tướng Trưởng nhận một quân lệnh mật của dinh Độc Lập gởi khẩn cấp qua BTTM. Trái ngược với những lời hứa của tổng thống Thiệu đọc trong lời hiệu triệu vào lúc trưa là giữ Huế cho đến cùng, ông ra lệnh tướng Trưởng, nếu tình hình bắt buộc, chỉ cần bảo vệ Đà Nẵng mà thôi. Lý luận của tổng thống Thiệu là quân đoàn I không đủ quân để bảo vệ một lúc ba cứ điểm Chu Lai, Huế và Đà Nẵng. Cũng trong quân lệnh tổng thống Thiệu ra lệnh sư đoàn Nhảy Dù phải về Saigon lập tức. Sư đoàn Nhảy Dù rời Đà Nẵng ngay đêm đó.
Tình hình Vùng I mỗi ngày trở nên nguy ngập. Hiệu triệu của tổng thống Thiệu được phát thanh lại vài ngày sau nhưng người dân đã hết tin tưởng. Đến lúc này mọi người tìm cách rời Huế, tìm đường về Đà Nẵng hay xa hơn. Ngày 21 tháng 3, được bổ sung thêm quân từ hậu tuyến, CSBV đánh mạnh vào Phú Lộc, gây áp lực mạnh ở vào quốc lộ 1, khoảng giữa Huế và Đà Nẵng đoạn đường đầy dân chúng tản cư. Sư đoàn 1BB dưới sự hổ trợ của pháo binhvà không quân đẩy lui được áp lực của địch. Nhưng cán cân quân sự đã thuộc về phía cộng sản. Sư đoàn 1BB cầm cự đến trưa ngày 22 thì thất thủ: trung đoàn 1BB và liên đoàn 15 BĐQ bị đẩy lui. Một khúc đường của quốc lộ 1 hoàn toàn bị cô lập, không còn cách nào giải tỏa được. Liên đoàn 15 BĐQ và trung đoàn 1/sư đoàn 1BB bị thiệt hại nặng trong cuộc giao tranh.
Đối diện với những thất bại, cộng thêm sự khó khăn di chuyển trên quốc lộ 1, tướng Trưởng ra lệnh các tuyến phòng thủ chung quanh Huế thu gọn lại vòng đai để sự kháng cự có hiệu quả hơn. Với phương tiện di chuyển bằng tàu hải quân đã có mặt tại quân khu, chánh quyền di tản dân và quân cụ ra khỏi Đà Nẵng. Sáng ngày 23, địch pháo kích vào Huế. Pháo bắn rời rạc, không gây thiệt hại gì, nhưng tạo nhiều hoang mang cho tinh thần dân còn lại thành phố náo động và có mòi hỗn loạn.
Ở phía nam của Vùng I, tình hình nguy ngập sau khi hai quận Hậu Đức và Tiên Phước của tỉnh Quảng Tín mất vào tay địch. Sư đoàn 2BB và liên đoàn 12 BĐQ chận được áp lực của cộng quân khi địch tiếp tục tấn công về hướng Tam Kỳ và các vùng ở miền duyên hải. Các tiền đồn xa hơn ở phía tây thì có thể bị tràn ngập bất cứ lúc nào. Trước áp lực dồn dập của địch, tướng Trưởng ra lệnh di tản hai quận Sơn Trà và Trà Bồng ở tỉnh Quảng Ngãi. Những tiền đồn xa đường tiếp tế, yểm trợ, cũng được lệnh di tản. Tướng Trưởng gom các lực lượng lại để có thể bảo vệ những điểm trọng yếu vào trận cuối. Sự chỉnh đốn và tái bố trí của tướng Trưởng đem lại một chút yên tỉnh ở chiến trường của hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Trị trong vài ngày dù đó là một sự yên tỉnh rất gượng gạo.
Rạng sáng ngày 24 cộng quân tấn công mạnh ở Quảng Tín. Sư đoàn 711, trung đoàn 52 và các đơn vị xe tăng của cộng quân đánh vào Tam Kỳ. Đặc công địch đột nhập vào trại tù trong thành phố, thả tù nhân ra, tạo nhiều rối loạn an ninh. Đến trưa thì Tam Kỳ thất thủ. Trung đoàn 2/sư đoàn 3BB được lệnh tiến về Quảng Tín để giúp lực lượng địa phương chạy về từ Tam Kỳ. Tam Kỳ mất, hàng chục ngàn dân ùn ùn kếo về Đà Nẵng. Trong đám dân di tản, dĩ nhiên đặc công và tiền pháo viên của cộng sản trà trộn vào để chỉ điểm và làm nội tuyến về sau.
Ở Quảng Ngãi địch xua quân và tấn công gấp rút hơn. Các đơn vị đặc công và quân địa phương cộng sản lợi dụng tình thế hỗn loạn, tấn công phi trường, cơ sở hành chánh và quân sự trong tỉnh. Quốc lộ 1 bị cắt hoàn toàn ờ đoạn Quảng Ngãi Chu Lai; đường dẫn về miền duyên hải cũng bị cô lập. Chỉ trong một ngày, tình hình quân đoàn I rối loạn đến mức không còn kiểm soát được. Trung đoàn 2/sư đoàn 1BB, sau nhiều lần giao chiến, không còn khả năng tiếp ứng cho Quảng Ngãi. Được sự chấp thuận của quân đoàn I, các đơn vị tiểu khu Quảng Ngãi đánh mở đường máu về Chu Lai trong đêm đó. Vài đơn vị về được Chu Lai trước khi trời sáng.
Cuộc Di Tản Cuối Cùng của Quân Đoàn I
Đến ngày 25 tháng 3, tất cả các đơn vị của quân đoàn I tụ lại tại ba phòng tuyến chánh: nam Chu Lai, Đà Nẵng (kể luôn Hội An) và bắc TP Huế. các lực lượng của quân đoàn I bị thiệt hại nhiều khi di tản về ba phòng tuyến này. Tinh thần binh sĩ xuống thấp và chán nản. Từ lâu, chinh chiến hết trận này đến trận nọ, nhưng chưa bao giờ họ nằm trong tình cảnh tuyệt vọng như vầy. Họ không biết hy vọng vào ai có thể giúp họ đương đầu với địch như họ đã đương đầu nhiều lần trong quá khứ.
Trong tình thế thật thất vọng đó, quân đoàn I nhận thêm một quân lệnh từ dinh Độc Lập: tổng thống Thiệu ra lệnh tướng Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của quân đoàn để phòng thủ Đà Nẵng. Sư đoàn TQLC được đóng vai trừ bị. Đêm đó tướng Trưởng ra lệnh sư đoàn 1BB và các đơn vị chung quanh Huế rút về Đà Nẵng. Cùng lúc tướng Trưởng ra lệnh cho sư đoàn 2BB, chi khu Quảng Ngãi và thân nhân họ rút ra Cù Lao Ré, một đảo nằm ngoài khơi Chu Lai.
Kế hoạch di tản lực lượng khỏi Huế bắt đầu bằng cách cho sư đoàn 1BB và các đơn vị cơ hữu của sư đoàn rút ra Cửa Tư Hiền. Từ đó, hải quân và công binh sẽ bắt một đoạn cầu để quân di tản đi ngược vào đất liền, rồi dùng đường bộ về Đà Nẵng. Sư đoàn TQLC và các đơn vị trực thuộc (kể luôn thiết kỵ) sẽ triệt thoái bằng tàu hải quân. Bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn sẽ trực tiếp chỉ huy cuộc triệt thoái.
Sáng ngày 26, biển có sóng to làm đình trệ cuộc vận chuyển; và cầu nối giữa Tư Hiền và đường bộ vẫn chưa hoàn tất. Đến trưa, thủy triều dâng lên quá cao để có thể vượt biển. Đến lúc đó cộng sản đã đoán được ý định triệt thoái của quân ta, và bắt đầu nã pháo vào Tư Hiền và các địa điểm tập trung quân để di tản. Hỗn loạn xảy ra; quân kỷ không còn kiềm giữ được. Cuộc triệt thoái chỉ đem về Đà Nẵng 1/3 tổng số quân. Nhưng 1/3 số quân này khi về đến phố thì cũng không còn hữu dụng: Vừa đến thành phố, nhiều binh sĩ tản hàng để đi tìm thân nhân của họ đang thất lạc. Trong các đơn vị di tản chỉ có sư đoàn TQLC còn giữ được vẹn toàn quân kỷ.
                          
(Còn tiếp....)


Chú thích:1. Chín trung đoàn độc lập của CSBV là trung đoàn 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51, 271, và 271. Ngoài ra CSBV còn có ba trung đoàn đặc công 5, 45, 126 (trung đoàn đặc công người nhái); ba trung đoàn thiết giáp 202, 203, 573; mười hai trung đoàn phòng không; và tám trung đoàn pháo binh (chú thích của dịch giả).
2. Buổi họp ở dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3, 1975 đã được thuật lại rõ ràng ở trên. Trong dịp đó tổng thống Thiệu đã cho hai vị tư lệnh quân đoàn I và III (tướng Trưởng và tướng Toàn) biết ý định sắp xếp lại lãnh thổ VNCH sao cho phù hợp với sự cắt giảm viện trợ quân sự. Tuy nhiên tổng thống Thiệu chưa cho lệnh rút quân ở bất cứ nơi nào vào lúc đó, trừ việc bỏ An Lộc ở Vùng III. Buổi họp ở Cam Ranh ngày 14/3  xảy ra sau khi Ban Mê Thuột mất, và tại Cam Ranh TT Thiệu ra lệnh tái phối trí lực lượng của quân đoàn II để chiếm lại Ban Mê Thuột (chú thích của tác giả).
3. Kế hoạch lui quân do quân đoàn I soạn thảo rất hợp lý và đầy đủ, gồm kế hoạch dự phòng để đối phó với những bất ngờ do địch gây ra. Khi trận chiến khai diễn như Kế Hoạch Hai dự trù, và các đơn vị của quân đoàn I rút hết về Đà Nẵng, chúng ta chỉ còn hai hành động phải làm: Cố thủ tại chổ hoặc rút bằng đường biển nếu tình thế bắt buộc. Như vậy vào thời điểm trên, đâu còn cần đến kế hoạch dự phòng nào khác (chú thích của tác giả).





(Tiếp theo... )
...Cuộc triệt thoái chỉ đem về Đà Nẵng 1/3 tổng số quân. Nhưng 1/3 số quân này khi về đến phố thì cũng không còn hữu dụng: Vừa đến thành phố, nhiều binh sĩ tản hàng để đi tìm thân nhân của họ đang thất lạc. Trong các đơn vị di tản chỉ có sư đoàn TQLC còn giữ được vẹn toàn quân kỷ.
Cuộc chuyển những cánh quân đóng ở phiá nam bằng tàu về Cù Lao Ré không gặp trở ngại. Sư đoàn 2BB và các đơn vị địa phương tỉnh cùng với thân nhân đến Cù Lao Ré an toàn. Ở đây họ tránh được cảnh hỗn loạn ngày một gia tăng đang xảy ra ở Đà Nẵng.
Ngày 27 tháng 3 tất cả kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng trở thành vô hiệu trước sư rối loạn và phẩn nộ của những người dân sơ tán. Trong khi đó cộng sản đang dồn hết áp lực vào vòng đai thành phố. Từ hướng bắc Đà Nẵng, hai sư đoàn 324B và 325C, kèm theo một trung đoàn xe tăng và hai trung đoàn pháo, tiến dọc theo Thung Lũng Voi để bao vây hướng tây thành phố. Từ hướng nam, sư đoàn 711 phối hợp với sư đoàn 304 và Mặt Trận 44, đánh dọc theo sông Thu Bồn, tiến chiếm Đại Lộc và Dục Đức. Đà Nẵng, đến giây phút đó, đã nằm trong tầm đại bác của quân thù.
Sáng ngày 28 tướng Trưởng họp khẩn cấp các chỉ huy trưởng tại bộ tư lệnh quân đoàn. Một số biện pháp được áp dụng để vãn hồi trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản có mặt trong thành phố. Nhưng chúng ta không còn đủ quân tác chiến để thi hành kế hoạch trên. Một số cán bộ và quân nhân được xung vào Quân Vụ Thị Trấn Đà Nẵng để giữ trật tự. Các quân nhân thất lạc đơn vị được tập họp lại và bổ sung vào đơn vị tác chiến. Tất cả cán bộ và quân nhân có mặt ở Đà Nẵng được trưng dụng bằng cách này hay cách nọ, nhưng con số đó không đủ để bù vào những thiệt hại, mất mát xảy ra trong những lần triệt thoái.
Trưa hôm đó Phòng 2 BTTM báo cho quân đoàn I biết cộng quân có thể tấn công trong đêm. Một quân lệnh khác cũng từ BTTM ra lệnh cho sư đoàn 1 Không Quân di tản phi cơ của họ về Phù Cát hay Phan Rang. Nhận được tin, quân đoàn I ra lệnh ứng chiến ở mọi tuyến phòng thủ. Hai giờ trưa hôm đó, các xã ấp chung quanh thành phố đã nằm trong tay cộng sản. Lực lượng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân của tỉnh Quảng Nam đã tan rã. Đọan đường giữa Hội An và Đà Nẵng hoàn toàn bị cô lập. Những trung tâm dự trữ nhiên liệu và đạn bị bỏ ngỏ vì các quân nhân đã rời đơn vị. Tại các căn cứ và bộ chỉ huy quan trọng, chỉ còn sĩ quan tham mưu mà không còn quân tác chiến phòng thủ.
Cộng quân pháo kích vào phi trường và căn cứ hải quân khi trời sụp tối. Bộ tư lệnh quân đoàn và căn cứ quân sự cũng bị pháo. Nhờ vào những toán đặc công và tiền pháo viên của cộng sản đã đột nhập vào thành phố để hướng dẫn, pháo binh địch bắn rất mãnh liệt và chính xác. Hướng súng của địch đến từ thung lũng Voi. Hai pháo đội 175 ly của ta lập tức phản pháo dưới sự hướng dẫn của phi cơ quan sát. Nhưng pháo của chúng ta không đủ hỏa lực để áp đảo địch. Địch pháo cho đến khi phòng tuyến quân ta sụp đổ.
Tướng Trưởng lập tức báo cáo cho tác giả biết tình hình đang xảy ra. Ông cũng gọi cho tổng thống Thiệu xin di tản bằng đường biển. Nhưng trong cuộc điện đàm, tổng thống Thiệu không cho tướng Trưởng lệnh rõ ràng. Tổng thống Thiệu không nói thẳng là ông muốn tướng Trưởng rút quân hay nằm lại tử thủ. Ông chỉ hỏi tướng Trưởng có thể di tản bao nhiêu quân về nơi an toàn được trong trường hợp phải di tản. Có thể ông ta lo lắng về các sự việc đã xảy ra. Cuộc tái phối trí này có thể trở thành một thảm kịch như đã diễn ra ở Cao Nguyên. Ông ta muốn tránh cho mình nỗi đau khổ khi phải ra lệnh như vậy một lần nữa.
Sau cuộc điện đàm, mọi liên lạc giữa Saigon và Quân đoàn I bị cắt đứt vì pháo kích của địch. Tướng Trưởng lập tức ra lệnh triệt thoái quân khỏi Đà Nẵng khi thấy tình hình không còn hy vọng. Tướng Trưởng họp với đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân Vùng I, và các chỉ huy trưởng để hẹn địa điểm rút quân. Ba địa điểm tập hợp để xuống tàu là dưới chân Đèo Hải Vân, Núi Non Nước, và cửa khẩu Hội An.
Rạng sáng ngày 29, sương mù bao phủ dọc theo bờ biển, ngoài khơi tàu hải quân có mặt ở điểm hẹn. Nhưng thủy triều thấp nên tàu không đi vào gần bờ được. Binh lính phải lội ra để lên tàu. Cuộc di tản không gặp trở ngại cho đến khi cộng quân thấy được quân ta đang rút lui và bắn vào điểm tụ quân trên bờ biển và vào tàu đang đậu ngoài khơi. Lính chết vì đạn và chìm ngoài biển rất nhiều. Đoàn tàu di tản được 6000 binh sĩ TQLC, 3000 lính sư đoàn 3, và nhiều đơn vị khác.
Vấn Đề Dân Tị Nạn
Một trong những khó khăn quân đoàn I không giải quyết được là nạn dân tị nạn chiến tranh. Ở Vùng I dân chạy nạn khỏi vùng giao tranh không phải là một vấn đề mới. Mỗi lần giao tranh lớn là có dân tị nạn và dân chúng Vùng I đã kinh nghiệm chuyện đó nhiều lần trong cuộc chiến Việt Nam. Trận Mậu Thân năm 1968; trận tổng tấn công của cộng sản năm 1972; và những lần giao tranh khác. Người dân Vùng I không bao giờ quên những ác mộng hãi hùng đó. Thân phận của người dân miền Trung như bị đày phải sống trong lo sợ và phải chạy trốn cuộc chiến thường xuyên trong cuộc sống. Trước khi cộng quân mở cuộc tấn công thật sự, người dân đã đoán được cường độ mãnh liệt của trận chiến sắp đến, và họ đã chuẩn bị để gồng gánh di tản.
Từ sau hiệp định ngưng bắn năm 1973, dân chúng ở Vùng I và những tỉnh ở phía bắc Vùng II sống liên tục trong sự lo âu. Họ lo sợ vùng đất họ đang ở sẽ bị cắt cho cộng sản. Nếu không liên hiệp với cộng sản như tổng thống Thiệu đã khẳng định, thì nhường một phần đất có thể là một giải pháp cho cuộc chiến. Tin đồn về chia đất được loan truyền và phóng đại. Ban đầu là tin đồn chia đất theo đường dọc, rồi theo đường ngang ở vĩ tuyến 16. Sau khi Phước Long mất, sau đó là Ban Mê Thuột, và khi thấy chính phủ VNCH không còn hy vọng nào lấy lại những phần đất đã mất, mọi người tin chắc không sớm thì muộn VNCH sẽ nhượng đất cho cộng sản. Rồi Pleiku và Kontum di tản với không một lời giải thích từ chính phủ ngay cả cho dân chúng ở vùng đó biết. Cuộc di tản từ vùng cao nguyên vẫn đang xảy ra khi cộng sản tràn qua sông Thạch Hãn chiếm Quảng Trị vào ngày 19 tháng 3. Một lần nữa chính phủ vẫn không tuyên bố hay đề cập gì đến chuyện này. Không còn nghi ngờ gì nữa người dân suy luận đây là sự dàn xếp của chính phủ; lời đồn rất có thể đúng; chia cắt đất có thể là một thực tế.
Thêm vào những sự kiện trên, sư đoàn Nhảy Dù được điều động khỏi Vùng I. Đối với người dân Vùng I, sư đoàn Nhảy Dù là đơn vị duy nhất đem lại lòng tin của người dân. Người dân sẽ được bảo vệ khi họ có mặt ở đó; họ là niềm tin của người dân vào chính phủ. Khi người dân tự hỏi, chính phủ có ý định gì khi di chuyển sư đoàn Dù đi khỏi Vùng I" Câu trả lời họ có thể tìm được là chính phủ không còn ý định giữ phần đất này nữa. Không còn sư đoàn Dù thì làm sao giữ được lãnh thổ này. Không có lính Dù thì cuộc tái chiếm Quảng Trị năm 1972 khó thành, và không có họ thì cộng sản đã tấn công Đà Nẵng sau khi chiếm Thường Đức vào năm 1974.(4)
Người dân chuẩn bị đi không ngần ngại. Ban đầu chỉ một thiểu số nhỏ gồm những người có tiền mua được vé máy bay. Lần lần số người bỏ đi đông hơn. Khi tin Pleiku và Kontum mất được loan truyền đến tai dân Vùng I, mọi người lủ lượt ra đi. Hàng chục ngàn quân nhân, công chức, dân, tìm cách về Đà Nẵng, rồi từ đó về Saigon nếu có phương tiện. Với tin đồn chính phủ sẽ chia Vùng I cho CS như đã làm ở Pleiku và Kontum, luồng sóng di tản dâng cao hơn. Khi thủ tướng Khiêm và các viên chức chính phủ bay ra Đà Nẵng duyệt xét tình hình để giải quyết, thì Đà Nẵng đã có hơn nửa triệu dân tị nạn.
Tướng Trưởng nhiều lần nhắc nhở và khẩn cầu thủ tướng Khiêm giải quyết vấn đề dân tị nạn lập tức. Vấn đề dân tản cư từ những vùng giao tranh đã trở thành một vấn nạn quốc gia, và Vùng I không đủ phương tiện hay nhân lực để giải quyết. Sự có mặt của thủ tướng Khiêm ở Đà Nẵng là một chuyện cần thiết.
Trước khi chủ tọa cuộc họp giải quyết vấn đề tị nạn, thủ tướng Khiêm có nói chuyện riêng với tướng Trưởng về tình hình quân sự và kế hoạch triệt thoái. Tướng Trưởng nhấn mạnh về sự giao động của người dân. Thủ tướng Khiêm giật mình khi nghe những gì tướng Trưởng trình bày. Ông không ngờ tình hình thay đổi nhanh như vậy. Thủ tướng Khiêm nói với tướng Trưởng nên trình bày kế hoạch triệt thoái của ông cho tổng thống Thiệu phê chuẩn trước khi thực hiện.
Buổi họp có đủ mặt hội đồng nhân sĩ, tỉnh, thị trưởng, cũng như các cấp chỉ huy liên quan đến vấn đề tị nạn. Lần lượt, tỉnh trưởng Quảng Trị và thị trưởng Đà Nẵng trình bày khó khăn đang đối diện, và đưa ra những đề nghị giải quyết. Vài giải pháp được ra đưa ra như: (1) Trừng trị thẳng tay những công chức bỏ nhiệm sở khi chưa được lệnh. (2) Chính phủ phải tuyên bố trước công chúng về tình hình thực sự đang xảy ra và phủ nhận những tin đồn thất thiệt. (3) Cho phép di tản thường dân, thân nhân binh sĩ, công chức, để những quân cán đang đảm trách nhiệm vụ phòng thủ bớt lo lắng quan tâm.
Ngồi chung với thủ tướng Khiêm là các thứ bộ trưởng của nội các. Họ là đại diện của thẩm quyền trung ương. Họ quan tâm tới vấn đề của người tị nạn, nhưng họ không giúp đỡ gì được. Họ chỉ có thể cho phép cấp chỉ huy địa phương nhiều thẩm quyền hơn để giải quyết tại chỗ những khó khăn đang xảy ra. Để kết luận, thủ tướng Khiêm quyết định thành lập một Ủy Ban Liên Bộ phụ trách về vấn đề tị nạn, do một phó thủ tướng cầm đầu. Ủy Ban này sẽ lấy đi gánh nặng cho Vùng I, để họ có thể chú tâm về vấn đề quân sự. Đồng thời thủ tướng Khiêm hứa sẽ trưng dụng thêm nhiều tàu của tư nhân để gia tăng các chuyến di tản. Buổi họp chấm dứt trong một bầu không khí hoang mang. Thủ tướng Khiêm và nội các trở lại Saigon ngay sau buổi họp.
Một tuần sau, những hứa hẹn của thủ tướng Khiêm được thể hiện qua một đại tá và một đại úy đến từ Bộ Xã Hội, với ngân phiếu yểm trợ tài chánh cho Đà Nẵng. Bây giờ dân tị nạn nguyên Vùng I tập trung tại ba cứ điểm Chu Lai, Đà Nẵng và Huế. So với sự giúp đỡ từ chánh quyền trung ương, phong trào cứu trợ tổ chức tại địa phương mang lại nhiều hiệu quả hơn. Tại thị xã Đà Nẵng một số hội đoàn từ thiện, nhân sĩ và phú gia đóng góp nhiều vào những hoạt động gây quỹ cứu trợ dân tị nạn. Tuy nhiên những giúp đỡ địa phương này chỉ có giới hạn, vấn đề tị nạn ở Vùng I đã vượt ra ngoài khả năng của một nhóm người hay đoàn thể tư nhân.
Dân và gia đình binh sĩ ở Huế bắt đầu rời thành phố vào ngày 17 tháng 3. Quốc lộ 1 về Đà Nẵng tràn ngập người và xe. Một số dân tị nạn tìm cách đi bằng đường biển. Họ đổ về bến tàu Tân Mỹ, nơi các tàu hải quân đang bốc dỡ quân nhu quân dụng tiếp tế cho chiến trường Quảng Trị-Huế. Trên đường về họ phải di tản chiến cụ về Đà Nẵng. Hoạt động của bến tàu bị gián đoạn hai ngày vì sự cản trở của số người tị nạn. Một vài giang đỉnh đang chờ cập bến để bốc hàng lên, bị dân, lính tràn xuống ép phải chở họ rời bến. Giới chức phụ trách bến tàu phải bỏ ra một ngày để thuyết phục dân tị nạn rời Tân Mỹ và đi về bãi biển Thái Dương Thượng, hy vọng tìm được tàu để ra đi.
Ngày 21 tháng 3 hai sư đoàn cộng sản cắt đứt quốc lộ 1 con đường duy nhất dẫn về Đà Nẵng. Đoàn người tị nạn rời đưòng lộ, theo hướng Phá Cầu Hai để đi về miệt biển.
Tất cả tàu bè miền duyên hải hoặc bị cướp, hoặc được mướn để xử dụng vào việc chạy nạn. Nhưng thuyền bè không đủ cho số người tị nạn quá đông. Vì tàu hải quân đang được trưng dụng vào công tác tiếp viện cho chiến trường Qui Nhơn Ban Mê Thuột, BTTM thương lượng mướn thương thuyền Trường Thanh, có trọng tải 2000 tấn, để chở người tị nạn. Đây là thương thuyền duy nhất quân đội có thể tìm mướn được. Ngày 23, mặc dù sóng to, tàu Trường Thanh cập bến, và trong hai ngày tiếp nhận hơn 5000 người, trong đó có nhiều thân nhân, gia đình, của sư đoàn 1 BB. Chuyến tàu chở dân tị nạn rời Huế về Đà Nẵng vào ngày 25. Đà Nẵng lúc đó tương đối an ninh, nhưng thành phố đã chật ních dân tị nạn.
Huế bị bỏ ngỏ vào đêm 25 tháng 3. Dân quân rút theo bờ biển về Đà Nẵng. Tam Kỳ mất ngày 24, Chu Lai di tản ngày 26. Dân ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín chạy về Đà Nẵng.
Ngày 26 tướng Trưởng gởi thiếu tướng Huỳnh Văn Lạc, tư lệnh phó lãnh thổ Vùng I, về Saigon trình cho tổng thống Thiệu, thủ tướng Khiêm, và tác giả về những khó khăn Vùng I đang đối diện. Tướng Lạc xin chánh phủ giải quyết ngay vấn đề tị nạn, đưa bớt dân ra khỏi Đà Nẵng vì thành phố sắp rơi vào tình trạng hỗn loạn không kềm chế được. Nếu tình trạng dân tị nạn không giải quyết được thì Đà Nẵng sẽ tự sụp đổ, không cần cộng sản tấn công.
Đà Nẵng đã trở thành một thành phố vô trật tự và rối loạn. Kẻ đến thì tìm nơi nương tựa; người đang ở đó thì tìm cách trốn đi. Lưu thông trong thành phố bị ứ đọng đến độ không thể di tản 340 thương binh từ bệnh viện ra phi trường. Trung tướng Lê Nguyên Khang, tổng tham mưu phó BTTM, tường trình về tình hình Đà Nẵng sau một chuyến công vụ ở đó: "Đà Nẵng có hơn một triệu rưỡi dân tị nạn. Họ chiếm các công thự, cao ốc của chính phủ để làm nơi nương thân; họ ngủ ở ngoài đường, ở bến tàu hay bất cứ chổ nào có thể tạm trú qua ngày. Trong thành phố những cảnh nhiễu nhương, cướp bóc, giết người xảy ra giữa ban ngày. Người di tản trên đường nhiều đến độ xe tăng muốn di chuyển thì chỉ còn cách cán vào đám đông để đi."
Ngày 27 tháng 3 có chuyến phi cơ dân sự đầu tiên mướn của Hoa Kỳ đáp xuống Đà Nẵng. Chính phủ định dùng phi cơ Mỹ để di tản khoảng 14 ngàn dân từ Đà Nẵng về Cam Ranh. Nhưng tin có máy bay Mỹ di tản chẳng mấy chốc lan truyền ra. Dân di tản trong đó có thành phần đào ngũ phá rào phi trường và tràn vào phi đạo tìm cách leo lên phi cơ. Lực lượng an ninh phi trường phải bỏ ra nửa ngày để giải tán đám đông ở phi đạo. Nhưng hỗn loạn lại tái diễn mỗi khi có chuyến bay đáp xuống. Sau cùng các chuyến bay dân sự bị đình chỉ vì sự mất trật tự đã trở thành nguy hiểm cho sự an toàn của phi cơ. Sau cùng, giới chức hữu trách thay các phi cơ dân sự bằng bốn phi cơ quân sự C-130. Nhưng trước những hỗn loạn liên tục, bốn chiếc này cũng chỉ cất cánh được một lần vào ngày 29 tháng 3.
Tình trạng ở các bến tàu cũng không kém hỗn loạn. Một số thuyền chuyên chở Hoa Kỳ được dùng di chyển dân tị nạn. Vì tình trạng an ninh của bến tàu, họ được lệnh thả neo ngoài khơi cảng Đà Nẵng. Từ đó dân dùng thuyền, bè, đi từ bờ biển ra tàu. Lối di chuyển này chậm nhưng có kết quả tốt. Mỗi tàu sau khi nhận được chừng 10 ngàn người thì kéo neo chở dân về Canh Ranh. Tuy nhiên sau khi Nha Trang thất thủ ngày 1 tháng 4, tàu được lệnh đi thẳng về Vũng Tàu và Phú Quốc. Trên đoạn đường dài di tản bằng tàu, nhiều cảnh đau thương xảy ra: một số quân nhân vô kỷ luật, và cộng sản trà trộn vào số dân tị nạn, hà hiếp và cướp giựt những người tị nạn. Rất nhiều người xỉu và kiệt lực trên quảng đường biển đó. Khi đến cập bến Phú Quốc, do sự chỉ điểm của những nạn nhân trên tàu, chính quyền an ninh địa phương bắt và xử bắn tại ngay bờ biển những tên cộng sản trá hình và một số quân nhân vô kỷ luật đã hà hiếp và cướp bóc người dân trên tàu.
Cộng sản pháo kích và tấn công Đà Nẵng mạnh vào đêm 28, và dân chúng tiếp tục tìm đường lánh nạn bằng thuyền bè, dưới những trận pháo kích của cộng sản. Nhiều người chết chìm khi lội từ bờ ra tàu đang có mặt ngoài khơi. Những kẻ may mắn thì được tàu cứu vớt; kẻ xấu số thì chìm xuống lòng biển. Trưa ngày 29, nhờ vào sự liều lĩnh và may mắn, một phi cơ dân sự Hoa Kỳ đột ngột đáp xuống phi trường Đà Nẵng, rước đi được hơn 300 dân trước sự ngỡ ngàng của cộng quân đang có mặt tại phi trường. Đà Nẵng bây giờ đã nằm trong tay cộng sản. Mọi kế hoạch di tản dân tị nạn đã chấm dứt sau ngày hôm đó. Tuy nhiên người dân vẫn tiếp tục tìm mọi cách chạy trốn cộng sản vào những ngày sau.
Trước khi Đà Nẵng rơi vào tay cộng sản, vấn đề di tản một triệu dân do chính quyền và cơ quan địa phương giải quyết. Khi thuận tiện, chính quyền dùng tàu hải quân phụ vào việc chuyên chở dân tị nạn khi có thể. Trong buổi họp ngày 19 tháng 3, BTTM thông báo cho Ủy Ban Trung Ương Cứu Trợ và Định Cư, là với những biến chuyển quân sự đang xảy ra, quân đội không còn khả năng giúp tàu hải quân để di tản người tị nạn. BTTM đề nghị với phó thủ tướng Phan Quang Đán nên, (1) lập tức trưng dụng 13 thương thuyền dân sự trong nước; (2) kêu gọi các quốc gia đồng minh, nhất là Hoa Kỳ, giúp di chuyển dân tị nạn ra khỏi vùng nguy hại; và, (3) lập ra ủy ban chính phủ để trưng dụng điều khiển các hoạt động nói trên nếu thành hình.
Đề nghị của BTTM được phó thủ tướng Đán chấp thuận, ông ra lệnh Bộ Công Chánh trưng dụng tất cả thuyền hàng hải đang có mặt trong nước; và các thương thuyền đang hoạt động ngoài hải phận thì được gọi về dựa vào hoàn cảnh đòi hỏi của chính phủ. Nhưng cho rằng lệnh trưng dụng trên quá quan trọng và ngoài thẩm quyền của mình, ông bộ trưởng bộ Công Chánh đã đệ trình cho bác sĩ Đán ký dù ông có toàn quyền quyết định. Trong thời gian đó phó thủ tướng Đán đang đi công vụ ở Vùng II, tìm một địa điểm để thiết lập trại tỵ nạn. Một tuần trôi qua trước khi lệnh trương dụng được thực thi. BTTM, trong lúc đó, với tình hình khẩn trương, xin sự ưng thuận của chủ tàu Trường Thành dùng để di tản thân nhân, gia đình sư đoàn 1 BB vào ngày 23 tháng 3. Đây là chiếc tàu duy nhất trong nước dùng vào nhiệm vụ di tản người từ Vùng I.
Cũng trong thời gian này các quốc gia đồng minh hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ của VNCH. Hoa Kỳ đồng ý cung cấp phi cơ dân sự và thương thuyền chuyên chở. Úc Đại Lợi hứa cung cấp một phi đoàn vận tải cơ C-130. Đài Loan và Thái Lan ưng thuận cung cấp tàu đổ bộ, vận tải. Tuy nhiên, những phương tiện vận tải hứa hẹn cần một tuần đến mười ngày mới có mặt ở Việt Nam. Nếu những phương tiện này được cung ứng trước ngày 18 tháng 3, và nếu chúng ta có được sáu chiếc vận tải hạm BTTM yêu cầu được cung cấp từ sáu tháng trước, thì cuộc di tản đã được thực hiện một cách trật tự và hữu hiệu hơn. Nhưng như chuyện đã xảy ra, với con số dân tị nạn quá đông và tinh thần mọi người hoang mang, cuộc di tản không thực hiện được như ý muốn.

(Còn tiếp...)

Chú thích:
4. Phải nói thêm, ngoài sư đoàn Nhảy Dù, các đơn vị thiện chiến khác của QLVNCH còn có sư đoàn TQLC (Hai đơn vị này là đơn vị tổng trừ bị đồn trú tại Saigon và các vùng phụ cận. Hai đơn vị được tăng phái đi hành quân khắp chiến trường Việt Nam tùy theo tình hình quân sự đòi hỏi.), các liên đoàn BĐQ, Biệt Kích Nhảy Dù, Lực Lượng Đặc Biệt, và một số đơn vị Bộ Binh khác. Năm 1972 sư đoàn Nhảy Dù và TQLC được xử dụng hành quân trong tỉnh Quảng Trị. Với sự yểm trợ dồi dào và hữu hiệu của pháo binh và hải pháo của các hạm đội Hoa Kỳ ngoài khơi, sư đoàn TQLC đã thành công tái chiếm cổ thành (chú thích của tác giả).


(Tiếp theo... )
Không ước đoán bao nhiêu người tị nạn được di tản, nhưng dân tị nạn tràn ngập tại các trại tị nạn ở Vùng III và đảo Phú Quốc. Dân tị nạn cũng tạm cư tại hai tỉnh Vũng Tàu và Bà Rịa rất đông. Trước khi vấn đề tị nạn trở thành một khủng hoảng quốc gia, chánh phủ có kế hoạch tái định cư số người tị nạn tại nhiều nơi tùy theo xuất xứ của họ. Gia đình lánh nạn đến từ Quảng Trị và Thừa Thiên được đưa về Đà Nẵng, rồi từ đó được đưa đi Cam Ranh, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Những gia đình người Thượng chạy từ Pleiku, Kontum cũng được tái định cư ở Lâm Đồng. Nhưng kế hoạch trên không thực hiện được vì sự thay đổi quá nhanh của tình hình chiến cuộc, nhất là sau khi Cam Ranh và Nha Trang di tản vào ngày 1 tháng 4, và chánh phủ VNCH không còn bảo vệ được Vùng II. Vì những thay đổi nhanh chóng đó nhiều gia đình phải chạy nạn từ nơi này qua nơi nọ trong một thời gian ngắn trước khi tìm được một nơi tạm trú. Sau khi Vùng II mất, nhiều trại định cư mọc lên ở Vũng Tàu, Phú Quốc, Cần Thơ và Vĩnh Long. Hai trại tị nạn lớn nhất là Phú Quốc và Vũng Tàu, với khả năng chứa từ 50 đến 100 ngàn dân tị nạn.
Luồng sóng dân tị nạn gây ra nhiều xáo trộn và hoang mang ở những nơi họ đến. Sự xáo trộn này khiến chính quyền lo ngại. Chính tổng thống Thiệu ra lệnh cấm dân tị nạn về định cư vùng đồng bằng sông Cữu Long khi ông phàn nàn, "Dân tị nạn đi đến đâu, không sớm thì muộn nơi đó cũng sẽ mất."
Với cán cân lực lượng và địa hình thuận lợi cho CSBV ở Vùng I, lực lượng VNCH không thể nào chống cự lâu dài trong cuộc tổng tấn công của địch. Nhưng phải nói, tình hình quân sự xấu đi một cách nhanh chóng vì sự sa sút tinh thần và những rối ren, lúng túng của chúng ta, hơn là áp lực của địch. Lệnh tái phối trí tuy cần thiết nhưng không rõ ràng và dứt khoát. Tổng thống Thiệu do dự khi đưa ra lệnh cho Quân Đoàn I. Hình như thất bại ở Cao Nguyên còn ảnh hưởng nặng đến tâm tư, nên ông miễn cưỡng giữ vai trò tổng tư lệnh tối cao một lần nữa. Là một chính trị gia sắc sảo, ông dùng khi thì hàm ý, khi thì yên lặng, làm cho vị tư lệnh chiến trường bối rối, muốn hiểu sao thì hiểu. Ngày hôm trước ông lên đài phát thanh kêu gọi quân công cán tử thủ Huế, ngày hôm sau ông ra lệnh cho tướng Trưởng rút quân trong một quân lệnh. Còn về vấn đề di tản khỏi Huế: cũng từ bản năng chính trị đã có, ông Thiệu muốn di tản Huế, nhưng không cho tư lệnh chiến trường một thời gian rõ ràng.(5)
Tinh thần chiến đấu của binh sĩ sa sút khi họ phải tách lìa khỏi thân nhân, gia đình của họ. Nhiều quân nhân không chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ, họ bỏ đơn vị tự động đi tìm kiếm vợ con, người thân của họ. Tổng Cục Tâm Lý Chiến cố gắng giúp đỡ tìm kiếm thân nhân binh sĩ thất lạc. Nhưng cơ quan này không thể nào giúp tất cả gia đình quân nhân trong hoàn cảnh hỗn loạn của làn sóng dân tị nạn. Phần lớn quân rút về Đà Nẵng quan tâm, lo lắng về về sự an toàn của gia đình họ hơn là lo về đơn vị, hay sự tấn công của địch. Sự hỗn loạn, thất bại của cuộc tái phối trí ở Vùng 1 xảy ra không phải vì áp lực của cộng quân, mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa.
Trong những ngày cuối ở Vùng I, vị tư lệnh quân đoàn không chỉ đối phó với những khó khăn về quân sự, ông còn bận tâm với vấn đề tị nạn. Và khi chánh quyền trung ương bắt tay vào giải quyết vấn đề tị nạn thì đã quá trễ. Như chúng ta đã thấy, vấn đề tị nạn làm đảo lộn tất cả kế hoạch quân sự của Vùng I. Những Ngày Cuối của Quân Đoàn II Khi Vùng II Cao Nguyên mất, quân đoàn II mất gần hết quân tác chiến cơ hữu của quân đoàn. Tuy nhiên, ở miền duyên hải, sư đoàn 22BB vẫn giữ vững phòng tuyến của họ ở Bình Khê trên quốc lộ 19, và ở Tam Quan, phía bắc Bình Định, gần biển. Hai trung đoàn 41 và 42 của sư đoàn 22BB chống trả mãnh liệt những cuộc tấn công của sư đoàn 3 CSBV dưới các chân đồi ở Bình Khê, hướng tây Qui Nhơn. Hai bên tranh nhau từng đỉnh đồi, từng đoạn đường trên quốc lộ. Nhiều vị trí đổi tay qua lại nhiều lần giữa hai đối thủ bất phân thắng bại. Kết quả thắng thua tuy chưa biết được ngay lúc đó, nhưng cộng sản đã mất rất nhiều quân trọng trận đánh. Sư đoàn 95B của CSBV, sau khi rảnh tay ở Lệ Trung, tiến về Bình Khê hổ trợ cho sư đoàn 3 CSBV. Áp lực của hai sư đoàn CSBV đập vào hai trung đoàn 41 và 42 BB. Nhưng lực lượng VNCH ở Bình Khê vẫn giữ được phòng tuyến cho đến ngày 30 tháng 3.
Ở miền duyên hải, cộng sản tăng viện thêm quân từ Quảng Ngãi, đánh vào Tam Quan (Bồng Sơn) vào ngày 25 tháng 3. Ngày 28, sau ba ngày chiến đấu, trung đoàn 47 rút về căn cứ không quân Phù Cát lập phòng tuyến mới ở đó. Căn cứ không quân Phù Cát của sư đoàn 2 Không Quân đã di tản. Trong lúc đó, sư đoàn 32 CSBV, sau khi hết trách nhiệm tấn công đoàn dân quân di tản trên liên tỉnh lộ 7B, hướng mũi tấn công về Tuy Hòa. Sư đoàn F-10 với pháo binh và thiết giáp, từ Phước An, tiến theo hướng đông trên quốc lộ 21, và đến ngày 27 tháng 3, đến Khánh Dương để đối diện với quân của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. Song song với những áp lực đó, các đơn vị thám sát của sư đoàn 3 CSBV xâm nhập thị xã Qui Nhơn, đóng chốt hoặc cắt đứt tất cả đường giao thông từ ngoài vào trong. Các lực lượng phòng thủ địa phương của ta bây giờ biến mất. Trước những khó khăn và áp lực của địch, quân đoàn II ra lệnh sư đoàn 22BB sư đoàn bộ binh duy nhất vẫn còn đầy đủ tinh thần tác chiến rút về Qui Nhơn.(6)
Ngày 30 tháng 3, hai trung đoàn 41 và 42 cũng được lệnh rút khỏi mặt trận Bình Khê. Trung đoàn trưởng trung đoàn 42, Nguyễn Hữu Thống, khi nhận được lệnh rút đi, đã năn nỉ tư lệnh sư đoàn được phép ở lại đánh. Ông nói với tư lệnh sư đoàn: "Đừng rút đi, tình hình chưa tuyệt vọng đến độ chúng ta phải rút đi. Nếu chúng ta rút đi thì sau này khó đem quân trở lại." Nhưng quá trể. Khi hai trung đoàn trở về đến thị xã Qui Nhơn, họ bị các toán chốt của địch nằm sẵn trong thành phố chận đánh. Đến lúc đó, các lực lượng địa phương và dân Qui Nhơn đã di tản. Địch chiếm bến tàu và các cao ốc; Qui Nhơn đã nằm trong tay của sư đoàn 3 CSBV.
Sau ba ngày chiến đấu, với chi viện của hải pháo ngoài biển, trung đoàn 41 và 42 phá được phòng tuyến của địch ở phía nam thành phố. Từ đó quân của sư đoàn tập trung tại một điạ điểm khoảng sáu cây số, phía nam bến tàu, chờ di tản. Khoảng 2 giờ sáng ngày 1 tháng 4, ba tàu hải quân cập bến chở tất cả binh sĩ còn lại của sư đoàn. Chỉ huy trưởng trung đoàn 42, Nguyễn Hữu Thống, từ chối không chịu rút đi, và tự sát.
Sau hai ngày cố thủ, trung đoàn 47 bị đánh bật khỏi phi trường Phù Cát. Đêm đó, trên đường di tản về Qui Nhơn, trung đoàn bị phục kích ngay tại quận lỵ cộng quân vừa chiếm xong. Xác người sĩ quan tiểu đoàn trưởng Địa Phương Quân còn nằm trước sân văn phòng quận. Không muốn đầu hàng khi thất thủ, người sĩ quan chỉ huy tự sát. Trung đoàn 47 mất đi hơn phân nửa quân số và coi như bị loại khỏi vòng chiến. Đại tá Lê Cầu, trung đoàn trưởng trung đoàn 47 cũng tự sát khi biết mình không còn lối thoát. Khi di tản về đến Vũng Tàu, nguyên sư đoàn 22 BB chỉ còn hơn hai ngàn quân.
Sáng sớm ngày 2 tháng 4 địch đánh chiếm Tuy Hòa. Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Tuy Hòa rút theo hướng nam về Nha Trang. Ở Nha Trang, có tin chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, tư lệnh phó hành quân Quân Đoàn II, và tỉnh trưởng Phú Yên bị thương và mất tích. Tại Đèo cả, 35 cây số nam Phú Yên, tiểu đoàn 34 Biệt Động Quân bị tấn công dữ dội. Đây là tiểu đoàn mang danh anh hùng khi họ liều thân phá các chốt của cộng sản trên đoạn đường di tản liên tỉnh lộ 7B. Tiểu đoàn 34 BĐQ cầm cự ở Đèo Cả được hai ngày thì thất thủ vào đêm 2 tháng 4.
Ở Khánh Dương, trận chiến giữa sư đoàn F-10 và lữ đoàn 3 Nhảy Dù bùng nổ ngày 27 tháng 3. Với sự yểm trợ chính xác của pháo binh và thiết giáp, sư đoàn F-10 cố gắng đánh bứt phòng tuyến của quân Dù đang cản bước tiến của họ về Nha Trang. Nhiều vị trí đổi tay nhiều lần trong trận đánh. Tiếp viện cho quân Dù từ Ninh Hòa lên Khánh Dương bị cản trở vì các chốt của địch. Một đoàn quân xa tiếp viện lên Khánh Dương bị phục kích và thiệt hại nặng. Địa Phương Quân phối hợp với lính từ trung tâm huấn luyện Dục Mỹ cố giải tỏa con lộ huyết mạch về Khánh Dương nhưng không được. Nhảy Dù giữ Khánh Dương được một tuần thì thất thủ vào ngày 2 tháng 4. Chỉ hơn 300 lính dù của lữ đoàn 3 về được đến Nha Trang. Đánh tan được phòng tuyến cản đường của quân Dù, CSBV tiến chiếm trung tâm huấn luyện Dục Mỹ và Ninh Hòa. Bây giờ cộng quân dồn tất cả nỗ lực về Nha Trang.
Tại Nha Trang cũng giống như tất cả các thành phố khác trong thời gian này tình hình thành phố vô cùng hỗn loạn. Thành phố trở thành vô chủ. Cảnh sát và lực lượng an ninh địa phương biến mất vào đám đông tị nạn. Phạm nhân từ trại tù trốn ra, dùng súng họ tìm được bắn loạn xạ lên. Ngày 2 tháng 4, Nha Trang còn là bộ tư lệnh của quân đoàn II. Gần trưa ngày 2 tháng 4, trung tướng Phạm Quốc Thuần, chỉ huy trưởng trường Hạ Sĩ Quan Dục Mỹ, đến bộ tư lệnh quân đoàn gặp tướng Phú. Hai người nói chuyện trong phòng riêng chừng 15 phút rồi cùng đi đến phi trường Nha Trang. Tại đây tướng Phú lên trực thăng bay lên tìm cách liên lạc với các đơn vị của ông. Trở lại Nha Trang vào lúc sáu giờ chiều, ông báo cho BTTM biết ông không liên lạc được với đơn vị nào của quân đoàn. Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh ông phối hợp với hải quân và không quân để tổ chức phòng thủ phi trường Nha Trang.
Nửa tiếng đồng hồ sau đó tướng Phú bay khỏi Nha Trang, không nói gì với ban tham mưu quân đoàn, hay bàn kế hoạch phòng thủ với chỉ huy trưởng phi trường Nha Trang. Ngày 4 tháng 4, tướng Phú nhập viện Bệnh Viện Cộng Hòa. Đến lúc này tướng Phú không còn tâm thần để chỉ huy nữa và quân đoàn II của ông cũng không còn gì để ông chỉ huy. Ban tham mưu quân đoàn II, sau khi nhận được tin những gì đã xảy ra, quyết định di tản khỏi Nha Trang. Cũng vào ngày 2 tháng 4, bị áp lực liên tục của sư đoàn 7 CSBV, các đơn vị ở hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức rút về Phan Rang. Như vậy chỉ trong vòng ba tuần quân đoàn II mất đi gần hết quân cơ hữu của quân đoàn.
Như một bệnh truyền nhiễm, làn sóng tị nạn từ vùng I và các tỉnh phía bắc vùng II đem hỗn loạn những nơi họ đến. Phan Rang không thoát khỏi tình trạng đó trong những ngày đầu tháng 4. Công chức, cảnh sát, và lính địa phương tự động bỏ đơn vị, đào nhiệm. Hơn phân nửa tiểu đoàn lính Địa Phương Quân canh gác phi trường Phan Rang biến mất. Tỉnh trưởng Phan Rang, Đại tá Trần Văn Tư, bỏ về Phan Thiết sau khi ra lệnh phá hủy những máy móc, cơ sở quan trọng của tỉnh để khỏi rơi vào tay địch.
Để chỉnh đốn lại tình hình quân đoàn II, BTTM quyết định lấy hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hai phòng tuyến cuối cùng của vùng II đặt dưới quyền điều khiển của quân đoàn III kể từ ngày 4 tháng 4. Để tăng viện cho quân đoàn II, quân đoàn III gởi ra Phan Rang lữ đoàn 2 Nhảy Dù. Đồng thời Nha Kỹ Thuật (Phòng 7, BTTM) gởi nhiều toán thám sát vào hai vùng đông bắc và tây bắc Phan Rang để dọ thám tình hình địch. Một bộ tư lệnh tiền phương của quân đoàn III, dưới quyền chỉ huy của trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, được thiết lập tại phi trường Phan Rang. An ninh trật tự được vãn hồi trong và ngoài phạm vi thành phố Phan Rang. Tỉnh trưởng Ninh Thuận được triệu hồi để tổ chức lại hành chánh và phòng thủ cho tỉnh. Với bộ tư lệnh được thiết lập, có thêm quân Dù và không lực yểm trợ, trật tự được vãn hồi, tình hình Phan Rang thay đổi thấy rõ: trừ áp lực của sư đoàn 7 CSBV ở hướng tây bắc Phan Thiết, quân ta chỉ đụng lẻ tẻ chung quanh Phan Rang. Các toán thám sát của Nha Kỹ Thuật cho biết địch tập trung hai sư đoàn 3 và F-10 tại Cam Ranh, 45 cây số đông bắc Phan Rang.
Ở Vùng III, đối diện với áp lực mạnh của cộng quân ở mặt trận Long Khánh Biên Hòa, trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn III, quyết định rút lữ đoàn 3 Dù về lại vùng III để bổ sung vào lực lượng phòng thủ của ông. Thay vào chỗ lữ đoàn 3 Dù là một trung đoàn của sư đoàn 2 BB vừa được tái trang bị và bổ sung sau khi di tản về từ vùng I; một liên đoàn Biệt Động Quân từ Chơn Thành; và một tiểu đoàn Thiết Giáp, tái lập từ các đơn vị di tản của vùng II.
Cuộc thay đổi quân sắp hoàn tất vào ngày 4 tháng 4, thì địch tấn công. Sư đoàn 3 và F-10, có pháo binh và xe tăng yểm trợ, tấn công Phan Rang. Liên đoàn BĐQ và các toán thám sát của Nha Kỹ Thuật bị thiệt hại nặng. Sợ bị tràn ngập, tướng Nghi xin giữ lại một tiểu đoàn Dù đang chuẩn bị lên đường về vùng III. Sáng ngày 15 tháng 4, hai sư đoàn CSBV mở hai mặt tấn công vào phi trường đang được một tiểu đoàn Nhảy Dù và Địa Phương Quân phòng thủ; ở mặt kia, địch đánh vào trung đoàn bộ binh của sư đoàn 2. Khi phi trường Phan Rang bị tràn ngập, quân đoàn III mất liên lạc với bộ tư lệnh tiền phương; Phan Rang bị thất thủ trưa hôm đó. Tư lệnh sư đoàn 2 BB, thiếu tướng Trần Văn Nhựt, và lực lượng còn lại rút về bờ biển và được một tàu tiếp tế hải quân cứu. Quân bộ binh và thiết giáp của địch truy kích theo về Cà Ná. Tại đây họ chạm súng với các tàu hải quân nằm ngoài khơi bờ biển. Địch bắn chìm một tàu và gây hư hại hai tàu tiếp tế của hải quân; đổi lại, họ bị thiệt hại vài xe tăng khi hải và không quân ta phản pháo.
Toàn tỉnh Ninh Thuận mất ngày 16 tháng 4. Trung tướng Nghi, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Sang của sư đoàn 6 Không Quân, đại tá Nguyễn Thu Lương, lữ đoàn 2 Dù, được ghi nhận mất tích khi phi trường Phan Rang thất thủ. Sau Phan Rang, Phan Thiết mất ngày 18, và vùng II hoàn toàn nằm trong tay cộng sản.(7)
Chú thích tiếp theo chương 7:
4. Phải nói thêm, ngoài sư đoàn Nhảy Dù, các đơn vị thiện chiến khác của QLVNCH còn có sư đoàn TQLC (Hai đơn vị này là đơn vị tổng trừ bị đồn trú tại Saigon và các vùng phụ cận. Hai đơn vị được tăng phái đi hành quân khắp chiến trường Việt Nam tùy theo tình hình quân sự đòi hỏi.), các liên đoàn BĐQ, Biệt Kích Nhảy Dù, Lực Lượng Đặc Biệt, và một số đơn vị Bộ Binh khác. Năm 1972 sư đoàn Nhảy Dù và TQLC được xử dụng hành quân trong tỉnh Quảng Trị. Với sự yểm trợ dồi dào và hữu hiệu của pháo binh và hải pháo của các hạm đội Hoa Kỳ ngoài khơi, sư đoàn TQLC đã thành công tái chiếm cổ thành (chú thích của tác giả).
5. Trong một bài phỏng vấn cựu phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, đăng trên báo Việt Báo (California) ngày 1 tháng 9, 2001, ông Viên tiết lộ quyết định tái phối trí quân ở Vùng II hoàn toàn là quyết định riêng của tổng thống Thiệu. Theo lời ông Nguyễn Lưu Viên, ngay cả Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng Trần Thiện Khiêm cũng không được thông báo hay tham luận về quyết định này. Người phỏng vấn ông Viên là ông Lâm Lễ Trinh, Bộ Trưởng Nội Vụ dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm (chú thích của dịch giả).
6. Tư lệnh sư đoàn 22 Bộ Binh là thiếu tướng Phan Đình Niệm (chú thích tác giả).
7. Trận đánh cuối giữa quân đội VNCH và CSBV ở Phan Rang được đại tá lữ đoàn trưởng LĐ2 Nhảy Dù, Nguyễn Thu Lương, viết lại trong Tạp Chí Quốc Gia, (Số Đặc Biệt 30 Tháng 4, 1999, Montreal, Canada). Trong bài viết này, đại tá Nguyễn Thu Lương thuật lại trường hợp ông đã bị bắt. (chú thích của dịch giả).


***