Thursday 14 August 2014

Những Ngày Cuối Của VNCH

Nguyên Tác: The Final Collapse 

Của Đại Tướng Cao Văn Viên.  Dịch Giả: Nguyễn Kỳ Phong




Chương 9: Những Ngày Cuối Cùng

Tình hình chính trị ở Saigon bị xáo trộn mạnh sau khi Ban Mê Thuột mất và sự thất bại của cuộc di tản khỏi Pleiku-Kontum tiếp theo sau. Nhiều phần tử, đảng phái đối lập, xuất hiện ra mặt chỉ trích chính phủ. Ngày 27 tháng 3, 1975, chính phủ bắt giữ một số người bị nghi ngờ tổ chức đảo chánh. Với những biến động chính trị đó, tổng thống Thiệu ra lệnh thủ tướng Khiêm cải tổ lại nội các. Nhưng thấy tình hình quân sự bất lợi đang xảy ra, không bao nhiêu chính khách muốn tham gia nội các mới. Những chính khách muốn tham gia thì đòi những điều kiện không thể chấp nhận được. Đa số chính trị gia nghĩ tổng thống Thiệu chịu trách nhiệm về những thất bại quân sự đang xảy ra; họ cũng nghĩ tổng thống Thiệu không còn khả năng đưa miền Nam ra khỏi cơn hiểm họa trước mắt. Sau một tuần gạn hỏi và thương lượng, thủ tướng Khiêm từ chức, đưa ra lý do là không thể nào có được một nội các mới nếu ông không mời được những đảng phái chính trị có chính kiến khác gia nhập nội các.
Ngày 2 tháng 4, 1975, trong một buổi họp thường lệ ở quốc hội, thượng viện VNCH bỏ 42 phiếu thuận và 10 phiếu chống, kết tội tổng thống Thiệu về những thất bại đang xảy ra, và yêu cầu ông thành lập một nội các mới với đại diện của nhiều thành phần chính trị đối lập. Có nhiều tiếng đồn chính phủ có thể có một nội các liên hiệp với sự lãnh đạo của hai ông Trần Văn Đỗ và Trần Văn Lắm. Ba ngày sau, ngày 5 tháng 4, Chủ Tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn được chỉ định làm thủ tướng. Ngày 8 tháng 4, một phản lực cơ F-5 của Không Quân VNCH bỏ bom Dinh Độc Lập. Đây là lần đầu tiên dinh Độc Lập mới bị bỏ bom. Dinh Độc Lập dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm cũng bị một phi cơ khu trục A-1 Skyraider dội bom một lần. Sau vụ dội bom đó, nhiều tin đồn mới về tổng thống Thiệu và vận mệnh miền Nam lại lan truyền ra dân chúng: Số mạng VNCH đã được các nước cường quốc quyết định; họ sẽ để yên cho CSBV dùng võ lực cưỡng chiếm miền Nam. Có đề nghị VNCH nên gởi đặc sứ qua Pháp, nhờ họ dùng ảnh hưởng của một quốc gia trung lập để thương lượng với cộng sản, may ra có thể cứu vãn được tình hình. Tin đồn nói là chuyện dàn xếp tình hình chính trị của VNCH sẽ xảy ra vào ngày 7 tháng 4, rồi sau đó là 10 tháng 4. Phó thủ tướng Trần Văn Đôn, sau một chuyến công du từ Hoa Kỳ về vào ngày 5 tháng 4, cho tổng thống Thiệu biết chuyện thương lượng với CSBV qua tay người Pháp đang được nói đến... nhưng tổng thống Thiệu không tin vào chuyện đó.
Trong suốt thời gian này, quân đội VNCH đã triệt thoái dần từ các vùng phía bắc về nam; và quân đội CSBV trên đường đuổi theo tiến về thủ đô Saigon. Hoàn cảnh quân sự nguy ngập hơn khi Xuân Lộc di tản và tình hình chiến trường bây giờ phải tính theo từng ngày, từng giờ. Trong tình thế nguy ngập đó, BTTM tìm mọi cách cung cấp cho chiến trường tất cả những gì có thể cung cấp: tái bổ sung và trang bị các đơn vị mới để đưa trở ra chiến trường.
Phong trào đòi tổng thống Thiệu từ chức và trao quyền lại cho đại tướng Dương Văn Minh nổi lên. Phong trào này ảo tưởng với một chính phủ liên hiệp do đại tướng Minh cầm đầu, VNCH có nhiều cơ hội thương lượng với CSBV để chấm dứt cuộc đổ máu đang xảy ra. Trong buổi họp ở dinh Độc Lập ngày 21 tháng 4, tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức. Theo lời giải thích của tổng thống Thiệu, Hoa Kỳ muốn ông từ chức, và ông muốn hay không một số tướng lãnh trong quân đội cũng sẽ ép ông đi. Ông hy vọng sự từ chức của ông sẽ đem lại hòa bình, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp đỡ quân đội VNCH. Theo hiến pháp, ông nhường chức lại cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Cuối cùng, tổng thống Thiệu mong muốn quân đội, cảnh sát quốc gia ủng hộ vị tổng thống mới.
Chiều ngày 21 tháng 4, 1975 lễ từ chức của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được trực tiếp truyền hình từ Dinh Độc Lập. Trong bài diễn văn từ chức, ông Thiệu dẫn giải về tình hình chung của đất nước và lý do ông từ chức. Lần đầu tiên trước công chúng ông xác nhận chính ông ra lệnh cuộc triệt thoái khỏi Kontum Pleiku. Ông ra lệnh tiến hành cuộc triệt thoái thảm bại đó vì trước tình thế nguy ngập của chiến trường, ông không còn chọn lựa nào khác. Ông cũng đề cập đến một số tướng lãnh đã không tận tụy chiến đấu cho ông.
Một câu hỏi được nhắc nhiều lần là, ông Thiệu từ chức vì một áp lực nào đó, hay tự ông quyết định" Trong lần điều trần trước Tiểu Ban Điều Tra của Ủy Ban Ngoại Giao Quốc Tế Hạ Viện ngày 27 tháng 1, 1976, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon, Graham Martin, khẳng định ông không có vai trò nào trong việc tổng thống Thiệu từ chức. Nhưng đại sứ Martin xác nhận trong lần nói chuyện với tổng thống Thiệu vào ngày 20 tháng 4, sau khi trình bày về tình hình quân sự do tình báo của CIA và DAO (Phòng Tùy Viên Quân Sự) cập nhật hàng ngày. Đại sứ Martin nói: "Tôi nói với ông ta theo sự kết luận của tôi, mặc dù các tướng lãnh tiếp tục chiến đấu nhưng họ nghĩ không còn cách nào để chặn đứng cuộc tấn công sau cùng của CSBV trừ khi có một cuộc ngưng bắn để họ có thể tái phối trí lại lực lượng. Nhưng sự ngưng bắn sẽ không bao giờ xảy ra nếu vị tổng thống không từ chức, hay sẵn sàng chấp nhận những bước tiến đưa đến sự thương lượng đó. Tôi nói với tổng thống Thiệu, theo tôi nghĩ, nếu ông ta không quyết định thì các tướng lãnh cũng sẽ yêu cầu ông thoái vị."
Đại sứ Martin nhấn mạnh tính chất riêng tư, cá nhân của cuộc nói chuyện. Đại sứ Martin nói chuyện với tổng thống Thiệu "như một cá nhân, không đại diện cho tổng thống Hoa Kỳ, tổng trưởng Ngoại Giao, hay ngay như tư cách của một đại sứ Hoa Kỳ."
Về câu nói, "các tướng lãnh sẽ yêu cầu ông thoái vị" của đại sứ Martin, tác giả chắc chắn trong quân đội VNCH, không có tướng nào ép tổng thống Thiệu từ chức hết. Tuy nhiên, có một điều xảy ra có thể đưa đến sự hiểu lầm này: Sau khi cựu trung tướng Trần Văn Đôn được bổ nhiệm tổng trưởng Quốc Phòng trong nội các thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, ông Đôn triệu tập một buổi họp của tất cả các tướng lãnh ở bộ Tổng Tham Mưu. Đây chỉ là một buổi gặp mặt sơ giao, giới thiệu ban tham mưu và tổng trưởng quốc phòng mới. Nhưng đối với người ngoài, cuộc hội họp có thể được giải thích như một cuộc tụ tập có mục đích chính trị. Nhưng đó là một buổi họp công khai, có nhiều người tham dự, không thể nào hiểu khác hơn mục đích thật sự của nó.
Sau khi nhậm chức tổng thống, ông Trần Văn Hương lập tức ra nhiều sắc luật, trong đó có sắc luật cấm di chuyển, du lịch ra nước ngoài. Quân nhân công chức nào đã lợi dụng công vụ trốn lại nước ngoài phải hồi hương trong vòng ba mươi ngày, nếu không họ sẽ bị tước quốc tịch và tài sản bị tịch thu. Thành phần được phép ra nước ngoài là người già, hay bệnh nhân đi chữa trị. Tuy nhiên những bệnh nhân này phải đóng một khoản tiền thế chân trước khi được phép xuất ngoại. Tiền thế chân này sẽ được dùng giúp đỡ các binh sĩ đang chiến đấu trong trường hợp thân chủ không hồi hương.
Tổng thống Trần Văn Hương có ý định mời tướng Dương Văn Minh gia nhập chánh phủ của ông. Nhưng tướng Minh từ chối lời mời của tổng thống Hương vì tướng Minh muốn nhiều quyền hơn. Từ lâu, tướng Minh có liên hệ với nhiều cố vấn chính trị quân sự có khuynh hướng thiên tả. Chính tướng Minh có tham vọng trở thành tổng thống từ lâu, và đã hy vọng tổng thống Thiệu trao quyền lại cho ông thay vì cho phó tổng thống Hương. Mặc dù có nhiều đồn đãi cho rằng cộng sản chỉ thương lượng một giải pháp chính trị với tướng Minh, nhưng là một tổng thống tin vào hiến pháp, tổng thống Hương không thể nào trao chức tổng thống lại cho tướng Minh nếu không có sự đồng ý của Quốc Hội.
Trong khi đó tình hình quân sự càng lúc càng trở nên bi quan. Ngày 27 tháng 4 tổng trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn cầm đầu một phái đoàn quân sự gồm nhiều tướng lãnh ở BTTM và tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô ra tường trình trước quốc hội. Vào lúc 7 giờ 30 chiều, dưới sự tham dự của 138 dân biểu và nghị sĩ, tổng trưởng Đôn trình bày tình hình quân sự: Saigon đang bị 15 sư đoàn của 3 quân đoàn CSBV bao vây. Quốc lộ Saigon Vũng Tàu bị cắt đứt, và quân địch đang tiến về căn cứ Long Bình. Sau khi nghe tường trình, lúc 8 giờ 20 đêm, quốc hội bỏ phiếu 136 thuận, 2 chống cho phép trao quyền tổng thống lại cho tướng Dương Văn Minh. Ngày hôm sau, thứ Hai, 28 tháng 4, vào lúc 5 giờ 30 chiều, Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức tổng thống VNCH.
Trước đây đã có nhiều lời đồn về "giải pháp Dương Văn Minh." Đầu tháng Giêng, 1975, tòa đại sứ Pháp, và đích thân đại sứ Merillon đã hoạt động mạnh để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Việt Nam: một thương lượng giữa tướng Minh và CSBV. Về phía Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao không tin tưởng vào sự thương lượng đó, nhưng có vài lý do để hy vọng cộng sản chấp nhận thương lượng đình chiến.
Tướng Minh thấy tin tưởng để thương lượng. Theo những người thân cận với tướng Minh, ông đặt sự lạc quan của ông vào những suy luận sau: (1) Cộng sản không có nền tảng vững chắc ở Saigon và vùng lân cận. Ngưng bắn để thương lượng, CSBV có được thời gian để hoàn tất các cơ sở địa phương. (2) Thành viên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phần lớn là người địa phương, họ không muốn bị thống trị bởi dân miền Bắc, và họ muốn thấy một giải pháp trong đó có "Hai Việt Nam." (3) Trung Cộng không bao giờ muốn thấy Việt Nam thống nhất. Họ muốn thấy Việt Nam vẫn bị chia đôi để Việt Nam không trở thành một hiểm họa ở phía nam biên giới họ. (4) Tướng Minh tin tưởng đại sứ Pháp Merillon có thể giúp hai bên gặp mặt để đi đế một sự thương lượng có ý nghĩa. Đại tướng Minh nhận định: "CSBV biết dân miền Nam không thích chủ nghĩa cộng sản. Và vì cộng sản không thể nào tiêu diệt được tất cả người dân miền Nam, thương lượng với dân miền Nam thì có lợi hơn."
Thêm vào đó, tướng Minh có gặp tác giả một lần vào ngày 21 tháng 4, ông thố lộ cho tác giả biết ông vẫn liên lạc thường xuyên với phía bên kia bằng máy vô tuyến. Chuyện đó ông giữ kín cho đến bây giờ vì sợ bị bắt. Tướng Minh tin tưởng thật lòng là, với một chính phủ do ông cầm đầu, cộng sản sẽ đưa ra một giải pháp chính trị để ngừng chiến. Đó cũng là một lý do tại sao nhiều tầng lớp lãnh đạo quân sự, chính trị, hành chánh, chấp nhận làm việc với chính phủ mới của tướng Minh. Nhưng sau cùng, CSBV đổi ý. Theo những gì tác giả biết được, là vào cuối tháng 3, 1975, một gián điệp của Hoa Kỳ lấy được tin từ Trung Ương Cục Miền Nam. Người này cho biết CSBV quyết định đánh bại VNCH bằng quân sự chớ không tìm một giải pháp chính trị.
Tướng Minh chờ CSBV đề nghị một giải pháp nhưng vô ích: CSBV trả lời bằng cách dội bom phi trường Tân Sơn Nhất chỉ 12 tiếng sau khi ông nhậm chức tổng thống. Nhưng người của tướng Minh vẫn cố gắng liên lạc với đại diện của CSBV ở phi trường Tân Sơn Nhất để thương lượng, nhưng phía bên kia đã trả lời rất mơ hồ, hay có thái độ hăm dọa. Đến lúc đó tướng Minh mới biết ông ta không còn hy vọng thương thuyết với cộng sản nữa; ông chấp nhận tất cả những đòi hỏi của phía bên kia.
Tổng thống Dương Văn Minh thú nhận ông bị cộng sản lừa. Ông khuyên những cố vấn thân cận và con rể là đại tá Nguyễn Hồng Đại nên rời Việt Nam. Tướng Minh không phải là người duy nhất bị cộng sản lừa: nhiều người dễ tin khác, khi nhận ra sự lừa dối của cộng sản và muốn ra đi nhưng quá trễ. Một số người ở lại, gồm sĩ quan, công chức, văn nghệ sĩ, được cộng sản trọng dụng vì vai trò nằm vùng, gián điệp ngầm, của họ trong quá khứ. Qua điều đó, chúng ta thấy được sự khiếm khuyết trong hệ thống an ninh của VNCH, đã không ngăn chận được sự xâm nhập của cộng sản vào các hệ thống dân sự và quân sự của chúng ta.
Di Tản
Những ai tin vào sự liên hiệp với cộng sản, nghĩ sẽ có một cuộc ngưng bắn trong vòng 24 tiếng sau khi ông Dương Văn Minh nhậm chức tổng thống. Đối với nhưng người không bao giờ muốn liên hiệp với cộng sản, ngày ông Dương Văn Minh nhậm chức là ngày họ quyết định bỏ nước ra đi. Đối với họ, một chương sử của quốc gia đã kết thúc. Một chương sử đã viết bằng máu của hàng trăm ngàn quân nhân, đổ ra chiến đấu cho một lý tưởng. Những người lính này, ngay sau khi tổng thống Thiệu từ chức, họ vẫn tiếp tục chiến đấu, hy vọng cầm cự cho đến giờ phút chót. Không phải họ trung thành với ông Thiệu; họ chỉ chiến đấu cho một lý tưởng họ theo đuổi và bảo vệ bằng máu từ lâu. Bây giờ, một trang sử đã lật qua, họ không thể nào ở lại đây; họ sẽ để mảnh đất này lại cho những người tin cộng sản là những người có thể liên hiệp và thương lương được.
Kế hoạch di tản người Mỹ và một thiểu số người Việt được tòa đại sứ soạn thảo rất kỹ và bí mật. Kế hoạch dựa vào những kinh nghiệm thấy được trong lần di tản từ Đà Nẵng và Nha Trang. Tất cả các kế hoạch, chính và dự phòng, được giữ kín, không cho phía Việt Nam biết. Những chi tiết về số người, phương tiện di chuyển, lộ trình, điểm hẹn ... tất cả chỉ có người Mỹ biết. Về phía quân sự, các quân nhân được chọn để di tản, trao đổi tin tức với cố vấn của họ. Phần lớn họ được khuyên nên di tản gia đình vợ con đi trước.
Vấn đề nan giải của các quân nhân là là sắc luật cấm di chuyển ra nước ngoài vẫn còn hiệu lực. Nếu một quân nhân rời khỏi Việt Nam, họ phạm tội đào ngũ. Ở phía dân sự, họ có thể bị tội du hành trái phép. Nhưng vì tất cả những phương tiện chuyên chở nằm dưới sự quản trị của Hoa Kỳ, không ai ở phía Việt Nam biết được lộ trình là đâu, tổng số người được di tản, giấy tờ tùy thân phải có như thế nào. BTTM, trong thời gian đó, không ra một quân lệnh chính thức nào về vấn đề di tản. Nhưng mọi người tự hiểu là số người được di tản rất ít, những ai được chọn di tản sẽ nhận được thông báo từ Hoa Kỳ. Đó là tất cả những gì phía Việt Nam biết được.
Sau này, qua những tiết lộ của đại sứ Martin, kế hoạch di tản được cơ quan DAO, toà đại sứ và Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương soạn thảo. Kế hoạch di tản, có tên là Talon Vise, được cập nhật liên tục để phản ảnh tình trạng thực tế và những cần thiết để di tản. Kế hoạch có dự trù quân tác chiến và phi cơ bảo vệ lộ trình và các điểm bốc người. Cũng theo lời đại sứ Martin tường thuật, Hoa Kỳ không muốn gây hỗn loạn khi di tản. Ban đầu, tòa đại sứ muốn di tản tất cả công dân Mỹ và người Việt có liên hệ đến họ. Ngoài ra một số người Việt nằm trong phạm trù có thể nguy hiểm đến tánh mạng nếu họ rơi vào tay cộng sản. Đến ngày 25 tháng 5, số người Việt nằm trong trường hợp "bị nguy hiểm" này đã lên đến 50 ngàn người. Cũng theo đại sứ Martin: Trước ngày 14 tháng 4, toà đại sứ Hoa Kỳ được thẩm quyền cho nhập cảnh 2000 cô nhi đến Hoa Kỳ. Ngày 14, tòa đại sứ được phép cho nhập cảnh thân nhân của công dân Mỹ đang có mặt tại Việt Nam. Ngày 14, tòa đại sứ có thẩm quyền cho nhập cảnh thân nhân của công dân Hoa Kỳ, thân nhân của các người Việt đang là công dân thường trú tại Hoa Kỳ, dù các người này không hiện diện tại Việt Nam, với điều kiện đơn của họ được Nha Nhập Tịch và Di Trú Hoa Kỳ chấp nhận.
Ngày 25, tòa đại sứ có thẩm quyền cho nhập cảnh nhiều loại thân nhân liên hệ đến công dân Mỹ. Đồng thời tòa đại sứ được quyền di tản khoảng 50 ngàn người được liệt kê vào phạm trù "có thể nguy hiểm đến tánh mạng." Tòa đại sứ được thẩm quyền này chỉ trong bốn ngày sau cùng của chương trình di tản.
Trên thực tế, những người Việt Nam nằm trong tình trạng nguy hiểm sẽ đưa cho người đại diện của họ danh sách thân nhân muốn di tản. Sau khi được tòa đại sứ hay DAO chấp thuận, những người này sẽ được thông báo điểm hẹn, những gì cần phải mang theo, và số lượng đồ tùy thân mang theo.  
Từ điểm hẹn, họ được xe bus chở đến nội vi cơ quan DAO ở phi trường Tân Sơn Nhất. Sau khi danh sách được đối chiếu, họ được đưa lên những phi cơ vận tải C-130 hay C-141 vào buổi chiều, hay ban đêm, để tránh sự lộ liễu. Nhân viên an ninh phi trường biết rõ những gì đang xảy ra, nhưng họ không ngăn cản, vì một số cũng có gia đình hay thân nhân ra đi trên các chuyến phi cơ đó. Các chuyến bay di tản hoạt động liên tục cho đến ngày 29 tháng 4 thì gián đoạn vì phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích.
Trong hai ngày còn lại, 29 và 30 tháng 4, tòa đại sứ Mỹ dùng trực thăng và xà lan di tản được hơn 11 ngàn người. Ở miền duyên hải, dân đánh cá và những ai dùng thuyền bè ra khơi, được tàu chiến hải quân thuộc Đệ Thất Hạm Đội cứu vớt. Nhìn vào kế hoạch di tản của Hoa Kỳ, số người di tản có thể nhiều hơn nếu tình thế và thời gian cho phép. Với hơn 113 ngàn người được di tản, so với những cuộc di tản từ Đà Nẵng, Nha Trang, hay Phnom Penh, cuộc di tản sau cùng này thành công hơn nhiều.
SÀIGÒN
Đến ngày 25 tháng 4, cộng sản đã bao vây Biệt Khu Thủ Đô (Saigon) từ nhiều hướng. Vòng đai phòng thủ của quân đội VNCH vào lúc này chỉ còn lại Biên Hòa ở hướng đông bắc; Long Thành ở hướng đông; Lai Khê ở hướng bắc; và Hốc Môn ở đông bắc. Các lực lượng tiền đạo của cộng sản bắt đầu đánh thăm dò vòng đai phòng thủ Saigon. Đêm 26, đặc công cộng sản tấn công Tân Cảng, vài đoạn trên xa lộ Saigon-Biên Hòa và trung tâm truyền tin Phú Lâm. Trung tâm truyền tin bị thiệt hại, nhưng còn hoạt động được. Một tiểu đoàn Nhảy Dù đang canh giữ chung quanh Dinh Độc Lập được chỉ định giải tỏa khu Tân Cảng. Chỉ trong một thời gian ngắn địch bị đánh bật ra khỏi Tân Cảng, và tái lập lưu thông trên đoạn đường Saigon Biên Hòa.
Đêm hôm sau, 27, tất cả các tiền đồn của lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân dọc theo sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Hậu Nghĩa bị tấn công và tràn ngập. Mất các cứ điểm canh giữ đó, tất cả hướng tây của Saigon bị bỏ ngỏ. Căn cứ của sư đoàn 5 ở Lai Khê cũng bị tấn công; căn cứ không quân Biên Hòa ở hướng đông bắc Saigon bị pháo kích dữ dội, kho đạn và nhiên liệu của phi trường bị phá hủy, hoạt động của phi trường gián đoạn. Phần lớn phi cơ ở phi trường đã bay về Tân Sơn Nhất hay là phi trường Trà Nóc ở Vùng IV. Sư đoàn 3 Không Quân, với sự giúp đỡ của TQLC Hoa Kỳ, phá hủy tất cả cơ sở và trung tâm sửa chữa và bảo trì của căn cứ trước khi di tản. Vòng đai phòng thủ của sư đoàn 18 bộ binh ở Trảng Bom bị tấn công và xâm nhập. Lữ đoàn 1 Dù ở Phước Lễ rút về Vũng Tàu khi địch mở cuộc tấn công bằng bộ binh và xe tăng. Long Thành thất thủ vào ngày 28 khi địch tiến theo liên tỉnh lộ 25 đánh chiếm quận lỵ Nhơn Trạch. Quận trưởng Nhơn Trạch và các lực lượng còn lại rút về kho đạn thành Tuy Hạ để cố thủ. Bây giờ Saigon hoàn toàn nằm trong tầm đại bác 130 ly của địch.
Sáu giờ chiều ngày 28, khi buổi lể nhậm chức ảm đạm của tân tổng thống Dương Văn Minh vừa chấm dứt, ba phản lực cơ A-37 bất thình lình tấn công phi trường Tân Sơn Nhất. Súng phòng không từ dinh Độc Lập và từ các chiến đỉnh ở bến Bạch Đằng phản ứng; hai phản lực cơ F-5A cũng bay lên nghinh chiến, nhưng ba chiếc A-37 đã bay đi. Cuộc dội bom gây thiệt hại nhẹ cho phi trường. Chỉ một trái bom đánh trúng vào địa phận phi trường; hai trái còn lại rơi ở Hốc Môn và cầu Bình Triệu. Bộ tư lệnh Không Quân xác nhận phi cơ do cộng sản điều khiển và cất cánh từ một căn cứ xa Saigon, nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản. Điểm xuất phát có thể từ phi trường Đà Nẵng vì ba phi cơ này có mang bình xăng phụ. Tin tức tình báo cho biết cộng sản có thể dùng phi cơ tấn công thêm lần nữa vào lúc 9 giờ đêm cùng ngày vì hệ thống ra đa không còn hoạt động từ lúc phi trường Biên Hòa di tản.
Lực lượng CSBV ở hướng tây Saigon vào những ngày cuối: Quân Đoàn 1, với 30 ngàn quân, đánh từ hướng bắc và đông bắc. Quân Đoàn 3, 46 ngàn quân, đánh hướng tây bắc. Ở hướng nam là Quân Đoàn 232, với 42 ngàn quân, theo quốc lộ 4 đánh lên.
Lực lượng CSBV ở hướng đông Saigon: Quân Đoàn 2, với 40 ngàn quân, đánh hướng đông nam vào, về phía Thành Tuy Hạ. Quân Đoàn 4, với 30 ngàn quân, đánh hướng đông, qua ngả Biên Hòa và bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Không Quân quyết định dội bom phá hủy phi trường Phan Rang vì đây là phi trường dùng để tiếp tế nhiên liệu cho phi cơ bay từ Đà Nẵng về Saigon. Cùng lúc nhiều phi tuần F-5A được lệnh bay canh chừng không phận còn lại của chúng ta. Đêm 29, bộ tư lệnh Quân Đoàn III dời từ Biên Hòa về Gò Vấp, đóng chung với bộ tư lệnh Thiết Giáp.
Bốn giờ sáng ngày 29 tháng 4, BTTM, phi trường Tân Sơn Nhất và bộ tư lệnh Hải Quân ở bến Bạch Đằng bị pháo kích từng hồi. Bến Bạch Đằng và BTTM không bị thiệt hại, nhưng phi trường Tân Sơn Nhất bị thiệt hại nặng. Kho đạn, phi đạo phụ, kho xăng bị trúng đạn và bốc cháy. Sở chỉ huy của cơ quan DAO (bộ tư lệnh MACV cũ) cũng bị trúng đạn sơ sài nhưng làm hai TQLC Hoa Kỳ canh gác ở đó bị tử thương. Cộng sản dùng bộ binh đánh vào vòng đai hướng bắc của phi trường trong lúc pháo kích, nhưng bị một tiểu đoàn Nhảy Dù đẩy lui. Trong đêm đó, địch tấn công nhiều nơi ngoài vòng phòng thủ thành phố.
Tình hình chung vào lúc 7 giờ sáng ngày 29 tháng 4:
Sư đoàn 22 bộ binh ở Long An bị tấn công nhưng giữ được phòng tuyến.
Bộ chỉ huy tiểu khu Hậu Nghĩa (mặt trận Củ Chi) mất liên lạc với quân đoàn III.
Căn cứ Lai Khê ở Bình Dương bị pháo kích nặng. Địch tấn công quận lỵ Bến Cát, đánh và cắt đứt đoạn đường Phú Cường Lai Khê trên quốc lộ 13. Đặc công cộng sản xâm nhập Phú Cường và thiết lập nhiều chốt chống cự.
Ở Biên Hòa, địch tấn công quận lỵ Tân Uyên. Cảnh sát và lính tiểu khu di tản; thành phố bây giờ bị bỏ trống. Phòng tuyến Trảng Bom bị xâm nhập ở nhiều nơi; sư đoàn 1 bộ binh rút về phiá nam của căn cứ Long Bình. Lữ đoàn 257 TQLC ở phiá bắc căn cứ bị áp lực mạnh của địch. Căn cứ Long Bình bị pháo kích và đánh quấy phá liên tục. Kho đạn thành Tuy Hạ bị bao vây và pháo kích.
Hai liên đoàn 8 và 9 Biệt Động Quân ở hướng tây Saigon bị thiệt hại nặng dưới sức tấn công của địch; đơn vị mất đi khoảng 50 phần trăm quân số. Các đơn vị Địa Phương Quân cố thủ ở quận lỵ Hốc Môn cũng chịu số phận tương tự. Quốc lộ 1 nối liền Củ Chi và Saigon không còn di chuyển được. Trung tâm huấn luyện Quang Trung; các căn cứ của trung tâm tiếp liệu nằm ở khu vực Gò Vấp-Hạnh Thông Tây bị pháo kích và tấn công cùng lúc: địch dàn quân ở hai hướng bắc và đông bắc giống như họ đã phối trí vào năm 1968.
Ở Chợ Lớn, Cầu Nhị Thiên Đường rơi vào tay địch, trung tâm truyền tin Phú Lâm bị pháo kích và hăm dọa. Chín giờ sáng, phi trường Tân Sơn Nhất bị dội bom lần thứ nhì, và bị thiệt hại nặng lần này: Vài phi cơ A-37 và 4 vận tải cơ trong đó chứa đầy bom đạn bị phá hủy; phi trường bị bốc cháy ở nhiều nơi. Phi trường hoàn toàn tê liệt. Hơn 3000 người đang chờ di tản chung quanh phạm vi của cơ quan DAO hốt hoảng, bỏ chạy tán loạn. Đến 10 giờ sáng, bộ tư lệnh Không Quân không còn kiểm soát được hệ thống của họ. Trên trời, hàng loạt trực thăng Hoa Kỳ tiếp tục bốc nhân viên Hoa Kỳ từ các tòa nhà; bây giờ khó phân biệt được trực thăng của Mỹ hay Việt Nam.
Bộ tư lệnh quân đoàn III báo cáo tình hình nguy ngập ở mọi phòng tuyến. Tiểu khu Hậu Nghĩa không còn liên lạc được; Sư đoàn 25 bộ binh giao chiến ác liệt với địch và yêu cầu trực thăng yểm trợ. Phòng tuyến Trảng Bom thất thủ; sư đoàn 18 bộ binh đang giao tranh với địch ở phía nam căn cứ Long Bình. Bên trong căn cứ Long Bình, hệ thống chỉ huy và an ninh trật tự không còn giữ được. Quận lỵ Tân Uyên mất từ lúc 9 giờ sáng; địch đang tiến về Biên Hòa, về bộ tư lệnh quân đoàn. Nhưng Quân Đoàn III không còn trông cậy vào khả năng yểm trợ của không lực để cố thủ.
Bộ tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô không còn quân hay khả năng để giải tỏa áp lực của địch tiến lên từ phía nam Saigon. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô yêu cầu BTTM cho quân trừ bị để bảo vệ hướng nam Saigon. BTTM lập tức cung cấp hai trong số ba tiểu đoàn Biệt Kích Nhảy Dù còn lại. Một liên đoàn Biệt Động Quân đang phòng thủ ở Bến Tranh được huy động trở lại Cần Đước trên liên tỉnh lộ 5A vào lúc 12 giờ trưa theo lệnh của Biệt Khu Thủ Đô. Nhưng không vận không có để chuyên chở; liên tỉnh lộ 5A từ Cần Đước về Chợ Lớn bị cắt đứt nhiều nơi; cầu Nhị Thiên Đường dẫn vào Saigon thì đã nằm trong tay địch.
Một giờ trưa, kho đạn Thành Tuy Hạ bị phá hủy và mất liên lạc. Xe tăng địch xuất hiện ở Cát Lái, bắn phá vào bến tàu, kho chứa hàng. Hoàn toàn bị cô lập, Biệt Khu Thủ Đô bây giờ chỉ nằm chờ địch tiến vào.
Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh tất cả người Mỹ phải rời Việt Nam trong vòng 24 tiếng. Qua đêm, cuộc di người Mỹ và Việt vẫn tiếp tục không ngừng cho đến 5 giờ sáng ngày 30.
Mười giờ sáng ngày 30 tháng 4, 1975, tổng thống Dương văn Minh ra lệnh quân đội buông súng đầu hàng. Sau giây phút đó, Việt Nam Cộng Hòa không còn hiện hữu như một quốc gia. (Còn tiếp...)


Chú thích:
1. Trong thời gian này, có nhiều tin tức về những âm mưu đảo chánh. Có tin tác giả định cấu kết với một số tướng lãnh để đảo chánh hoặc làm áp lực với tổng thống Thiệu hoặc (sau này) áp lực với tổng thống Trần Văn Hương trao quyền lại cho đại tướng Dương Văn Minh. Tác giả hoàn toàn phủ nhận các "tin vịt," thất thiệt, và vô căn cứ này. Tác giả là một quân nhân thuần túy, không làm chính trị và cũng không có những tham vọng chính trị. Tác giả đã chứng kiến những tai hại của hai vụ đảo chánh trước, nên dù có ai rủ đảo chánh, tác giả cũng không làm. Ở đây, tác giả cũng muốn khẳng định những tin tức về tác giả do Frank Sneep viết trong Decent Interval (trang 287, 288, 394, 397), về cá nhân tác giả là những ý nghĩ xuyên tạc, đoán mò (chú thích của tác giả).
2. Tác giả nhớ rõ ràng, sau buổi họp tác giả ra về ngay, không theo tổng thống Thiệu về phòng làm việc của ông ta. Đây là lần chót tác giả gặp tổng thống Thiệu trước khi mất nước. Tác giả không khi nào rưng rưng nước mắt và nói không thể tưởng tượng có thể xảy ra ngày hôm nay. Đây chỉ là chuyện bịa đặt của ông Nguyễn Tiến Hưng viết trong The Palace File. Mối liên quan giữa tác giả và tổng thống Thiệu hoàn toàn đặt trên căn bản quân vụ, nên không hề có những giờ phút cởi mở tâm tình (chú thích của tác giả).
3. Trích trong The Vietnam-Cambodia Emergency, 1975, Part III, Vietnam Evacuation: Testimony of Ambassador Graham A. Martin. Committee on International Relations, House of Representatives, 94 Congress, Second Session, 27 Junuary, 1976. Trang 546-547 (chú thích của tác giả).
4. Theo các hồi ký của nhiều tướng lãnh CSBV, vào những ngày cuối, CSBV có hơn 17 sư đoàn, bao vây năm hướng chung quanh Saigon. Theo Nguyễn Hữu An trong Chiến Trường Mới (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2001), trang 245-247, khi CSBV đã chắc thắng và đổi tên chiến dịch tấn công miền Nam là Chiến Dịch Hồ Chí Minh, quân CSBV tiến về Saigon gồm có: Quân Đoàn 1, do tướng Nguyễn Hòa chỉ huy, có 30 ngàn quân, phụ trách hướng bắc và đông bắc Saigon; Quân Đoàn 2 do Nguyễn Hữu An chỉ huy, có 40 ngàn quân, đánh hướng đông nam; Quân Đoàn 3, Vũ Lăng làm tư lệnh, với 46 ngàn quân, đánh tây bắc; Quân Đoàn 4, đánh hướng đông và đông nam (đi song song với Quân Đoàn 2), do Hoàng Cầm chỉ huy, với 30 ngàn quân; Hướng tây nam, đi theo quốc lộ 4, là Quân Đoàn 232 do Lê Đức Anh coi, có 42 ngàn quân. Ngoài lực lượng trên, quân đội CSBV có thêm 6 trung đoàn đặc công nội thành yểm trợ. Trong hồi ký Saigon và Tôi, của đại sứ Pháp Merillon, ông nói vào những ngày cuối của VNCH, CSBV chỉ có hơn 70 ngàn quân bao vây Saigon. Số quân này chỉ bằng 1/3 quân số thật sự của cộng sản (chú thích của dịch giả).
5. Trước khi từ chức, tổng thống Trần Văn Hương đã ký một sắc lệnh giải nhiệm tác giả chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng. Trong khi chờ đợi tân tổng thống Dương Văn Minh chính thức bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng mới, tác giả chỉ định trung tướng Đồng Văn Khuyên, tham mưu trưởng BTTM, xử lý thường vụ chức tổng tham mưu trưởng. Sau đó tác giả được di tản ra Hạm Đội 7 vào trưa thứ Hai, 28 tháng 4, 1975.
6. Trong buổi tường trình trước Ủy Ban Liên Hệ Quốc tế Hạ Viện (sách đã dẫn, trang 608-609), đại sứ Martin có dẫn giải vài chi tiết về hoạt động của Hoa Kỳ tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến trong thời gian này. Xem phụ bản D ở cuối sách (chú thích của tác giả).
7. Tin tức này do thiếu tướng Charles J. Timmes, một trong những cựu tư lệnh MAAG (Military Assistance Advisory Group), kể lại trong một lần nói chuyện (chú thích của tác giả).