Sunday 17 August 2014

CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1945-1975)

V. LÀN RANH QUỐC |I| CỘNG
SÂU RỘNG VÀ ĐẪM MÁU


Đến thời điểm đó, rõ ràng một làn ranh quốc |I| cộng đã vạch ra đậm nét và đẫm máu giữa các lãnh tụ Việt Nam, giữa các đảng phái quốc gia và Đảng Cộng Sản Việt Nam, giữa người quốc gia và Cộng sản mặc dù đất nước chưa chia cắt mà lòng người đã dị phân rồi.

Chính phủ QGVN của Quốc trưởng Bảo Đại theo khối Thế giới Tự do chính thức hình thành trên toàn lãnh thổ với Chính quyền Trung ương và Chính phủ Bắc, Trung và Nam Phần (chữ Kỳ đã đổi thành chữ Phần) gọi là Phủ Thủ Hiến. Mỗi Phần gồm nhiều tỉnh, quận và xã. Bên kia là Chính phủ VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chiếm các vùng núi rừng miền Bắc, miền Trung và các vùng bưng biền miền Nam. Làn ranh này không vạch rõ trên lãnh thổ mà là vết hằn sâu hoắm trong trí não, trong tâm hồn, trong tim và mạch máu lãnh tụ của cả đôi bên, nên họ đã trở thành những kẻ thù không đội trời chung. Sau đó và sau đó nữa, cuộc đổ máu kéo dài chỉ là sự chém giết lẫn nhau lặp lại giữa hai phe cộng sản và quốc gia mà thôi. Kẻ biết mình dâng hiến đánh thuê cho một thứ chủ nghĩa tam vô ngoại lai thì đã rành rành, còn những kẻ có tấm lòng chân chính hành động cho chính lý là nền độc lập và tự do cho đất nước cũng cam phận bị gọi là người đánh thuê. Đó là sư thật. Những sự thật não nề, bất khả đối, bất khả biện. Chiến tranh Việt Nam là như thế đó. Nếu những lãnh tụ cộng sản như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Gíáp, Lê Đức Thọ biết rõ đã tận tuỵ phục vụ cho CSQT mà nhúng tay vào máu của dân tộc thì những lãnh tụ các đảng quốc gia như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Tử Anh, Lý Đông A, kể cả Nguyễn Tường Tam, không đủ bản lãnh chính trị để chống lại nhóm người cộng sản nói trên. Người ta hy vọng vào giải pháp Bảo Đại. Vị Cựu hoàng này nhân hậu nhưng chứng tỏ là một lãnh tụ nhận thức sáng suốt về thời cuộc, không hành động vội vàng, không vọng động, không muốn thấy đồng bào của mình đổ máu, nên đã chọn đường lối hành xử ôn hòa và sách lược hợp lý ở thời điểm đó để thu hồi độc lập bằng tranh đấu chính trị với người Pháp theo xu thế thời đại khi các nước Hoa Kỳ, Anh, và Âu châu khác trả độc lập cho các thuộc địa. Sách lược này tuy không so được với sách lược “đấu tranh bất bạo động” của Morandas R. Gandhi (1869-1948) tranh đấu cho nền độc lập của Ấn Độ lúc đó, tuy nhiên không phải là không chính đáng. Bằng cách nào đi nữa, với Hiệp ước Elysée, Cựu hoàng trở thành Quốc trưởng của một quốc gia độc lập và tạo một thế cân bằng chính trị đối lập của Thế giới Tự do trên đất nước Việt Nam chống lại sự bành trướng của CSQT và chủ nghĩa Mác-Lê vô sản, vô thần và vô tổ quốc... Chính phủ của Cựu hoàng là nền tảng cho hai nền Đệ I VNCH của ông Ngô Đình Diệm và Đệ II VNCH của Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Lịch sử sẽ phán đoán về vai trò của tất cả lãnh tụ cả hai bên. Bên thắng cuộc ư? Bên thua cuộc ư? Ai biết? Lịch sử sẽ nói cho thế hệ tương lai của chúng ta biết rõ tất cả. Vậy, xin ai là chứng nhân hay nạn nhân chiến tranh ngày đó hãy nói cho các thế hệ Việt Nam nghe... Lịch sử ở đâu cũng bắt đầu từ tiếng nói chân chính.

Chiến tranh ý thức hệ hình thành rõ rệt với hai phe quốc gia và phe cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nghiêm cẩn nghiệm xét và khách quan nhận định sẽ thấy cả hai bên Cộng Sản Việt Nam và Cộng Hòa Việt Nam là những lực lượng “đánh thuê” trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Lãnh tụ CSVN thì tự nguyện. Lãnh tụ quốc gia ở vào thế thụ động.

Sắc thái lực lượng đánh thuê của CSVN thể hiện rõ nét hơn, rõ vô cùng. Đó là thứ quân tiền phong trong một “Proxy War” không hơn không kém. Biện minh thế nào khi cầm súng của người, học chiến thuật của người đánh nhau mà không có một thứ tư tưởng nào hay sách lược nào do chính mình xây dựng như tổ tiên của chúng ta ngày xưa.

Tổ tiên chúng ta giữ nước chống ngoại xâm, đấu tranh giành độc lập đã dựa trên sức mạnh dân tộc, tự lực, và có sách lược riêng đầy trí tuệ, hùng lược và nhân hậu. Một An Dương Vương giữ nước với hệ thống nỏ liên châu kiến tạo khoa học, đặt trong Loa Thành bắn từng loạt tên sắc, mạnh, ra mọi hướng trên địa bàn 360 độ; gọi là “Nỏ Thần”. Hai Bà Trưng với chiến lược liên kết toàn dân, trai gái, quân dân, hợp sức mạnh các bộ lạc với sức mạnh các lạc tướng lạc hầu, các châu quận, với chiến thuật dùng kỵ mã chiến và công thành bằng voi trận, khởi binh đánh đuổi Thái thú Tô Định của nhà Hán, chiếm 65 thành từ Giao Chỉ, Cửu Chân lên tận lãnh địa phía nam Động Đình Hồ. Ngô Quyền dùng cọc nhọn bọc sắt, to, vững cắm trên sông Bạch Đằng, phục kích đánh một trận thủy bộ kích làm Hoằng Thao nhà Đông Hán khiếp vía, lập nền độc lập tự chủ đất nước một nghìn năm sau. Lý Thường Kiệt với tuyên ngôn tự chủ “Nam Quốc Sơn Hà” và sách lược “tiến là để thủ” tấn công vào nội địa nam Trung Hoa làm rúng động triều đình nhà Tống. Vua quan, quân tướng, thần dân nhà Trần với quyết tâm của Hội nghị Diên Hồng, với thao lược của Trần Hưng Đạo khi tiến khi thoái, khi khuyên vua dời đô vào kinh thành cũ Hoa Lư, khi mang quân đánh quân Thoát Hoan trên Sông Bạch Đằng, gần ba mươi năm kiên trì và dũng mãnh đánh tan giặc Mông Cổ --đoàn quân bách chiến của con cháu Thành Cát Tư Hãn, từng chinh phục và san bằng nhiều nước Á, Âu, chiếm trọn Trung Hoa-- lập chiến công lừng lẫy trong Việt Sử. Bình Định Vương Lê Lợi và vị tham mưu tài trí Nguyễn Trãi với sách lược thu phục nhân tâm trước, đánh thành trì sau --“tiên dĩ công tâm, hậu dĩ công thành”-- chiêu mộ nghĩa sĩ hội về Lam Sơn, sau mười năm gian khổ đánh thắng giặc Minh, thu phục hàng nghìn tù binh rồi cung cấp ngựa thuyền tha cho chúng về nước. Chính sách dũng lược và nhân hậu này tuyên cáo rõ trong Bình Ngô Đại Cáo. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ với tầm nhìn xa thấy rộng, với chiến thuật “tốc chiến tốc thắng” --độ quân thần tốc, tấn công thần kỳ-- chưa đầy một tuần dùng kỳ binh từ miền Trung ra đánh tan đạo quân 200,000 người của Mãn Thanh ở Hà Nội, tiêu diệt và truy quét chúng ra khỏi lãnh thổ miền Bắc; tiếc thay ông mất sớm chưa thực hiện được hoài bão tấn công Trung Hoa chiếm lại Lưỡng Quảng của tổ tiên. Trong những đại bậc anh thư và đại anh hùng cứu quốc nêu trên, xin chỉ cho biết ai là người mượn sách lược và thế lực ngoại lai và dùng vũ khí của người đánh giặc ngoại xâm cứu nước và giữ nước? Thế hệ tương lai Việt Nam sáng suốt sẽ nhìn rõ sách lược tự lực tự cường dựa trên sức mạnh hợp quần của toàn dân của tiền nhân đánh ngoại xâm. CSVN làm ngược lại tiền nhân. Lãnh tụ CSVN giết tập thể đồng bào, đồng bạn và... đồng chí không gớm tay nên bị đa số dân lành nguyền rủa, coi như loài dã thú, hay súc vật, ngay trong chiến tranh, sau đó và hiện nay. Rất rõ. Anh hùng cứu nước mà đến như vậy. Tội thực!

Trong chiến tranh Việt Nam, các lãnh tụ chính trị và quân sự CSVN đã chu đáo học tập và áp dụng triệt để chiến sách CSTQ, nhất là rập khuôn sách lược “Chiến tranh Nhân dân” [“People’s War”] trong quyển “On Protracted War” của Mao Trạch Đông, còn được mệnh danh là “Chiến tranh Cách mạng” [“Revolutionary War”] trong một cuộc chiến trường kỳ bao gồm nhiều giai đoạn:
1). Du kích Chiến và Bạo động chiến -Guerrilla warfare & Insurgency;
2). Vận động Chiến --Mobile War;
3). Trận địa Chiến --Conventional War; và
4). Tổng Công kích và Tổng Khởi nghĩa --General Attack & General Uprising.
Suốt chiều đài cuộc chiến từ năm 1949 “Bộ Đội Nhân Dân” (the People’s Army of Vietnam –PAVN) của CSVN được Liên Xô và Trung Cộng và các nước CS Đông Âu cung cấp những chiến cụ, thiết bị, và vũ khí cá nhân và cộng đồng tối tân nhất trong từng giai đoạn của chiến cuộc. Các đơn vị bộ chiến được trang bị súng AK-47 bắn từng loạt, các loại B-40, B-41 vừa phá công sự vừa diệt tăng, các loại bích kích pháo 61mm, 82mm, và 120mm. Từ đầu thập niên 1970’ bộ binh còn có thêm hỏa tiễn SA-7 bắn trực thăng và phi cơ không kể các loại đại cao xạ nhiều cỡ, hiệu năng cao. Đơn vị bộ binh mà tầm tác chiến đa năng nhờ vũ khí nhẹ và gọn của khối CSQT tất nhiên dễ di động và chế ngự chiến trường. Pháo binh với các loại trọng pháo cơ giới 85mm D-44; 122mm D-74 và D-30 canh tân; đại pháo 130mm và 152mm D-20. Đơn vị chiến xa với các loại thủy xa PT-76, chiến xa BTR-50, BTR-85 và T-54. Ngoài ra còn thêm các loại chiến xa T-70 trang bị đại bác tự hành SU-76mm và chiến xa Joseph Staline 2 gắn đại bác tự hành ISU-122mm. Phòng không dùng các loại pháo cao xạ cơ giới 23mm, 37mm, 80mm và 100mm, hỏa tiễn địa không SA-2, SAM-7 của Liên Xô. Không quân được Trung Cộng cung cấp MIG-15 và MIG F-17, Liên Xô cung cấp MIG-19 và MIG-21. Ở thời điểm chiến tranh cao độ, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) có hơn 2,000 hỏa tiễn SA-2, SAM-7 và 200 phi cơ MIG các loại. Hải quân được Trung Cộng cung cấp hàng trăm pháo hạm Swatow và Shanghai; Đông Đức yểm trợ khinh tốc đỉnh; Liên Xô viện trợ loại pháo hạm Komar và phóng lôi PT-4 và PT-6. (22) Cũng cần ghi nhận thêm “On Protracted War” của Mao Trạch Đông được CSVN --đặc biệt là Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp-- áp dụng triệt để trong tấu khúc “chiến tranh trường kỳ” hung bạo và man rợ chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh giành độc lập của Việt Nam qua từng thời kỳ mà ngay những người viết sử CSVN cũng không che giấu.

Nói rõ hơn, “On Protracted War” Mao viết từng mảng cho Hồng Quân CSTQ áp dụng đánh quân QDĐ/TH của Tưởng Giới Thạch thì sau đó được Việt Minh thực hiện rập khuôn. Giai đoạn sơ khai là thành lập căn cứ địa, tổ chức lực lượng, họ gọi là đấu tranh võ trang. Các đơn vị võ trang thực hiện các chủ trương Dân vận, Địch vận và Binh vận gọi là đấu tranh chính trị. Trong giai đoạn Du kích Chiến vì sợ ba phương thức đấu tranh chính trị nói trên không thành công vì không thu phục được nhân tâm nên họ áp dụng cả Bạo Động chiến gây khủng khiếp cho đối phương và dân lành vùng xôi đậu khiến phải đem nhân lực và tài lực cung hiến cho “cách mạng”. Như vậy là vừa tuyên truyền vừa giết chóc để phát triển lực lượng và căn cứ địa. Ai tự nguyện thì tha, ai chống trả thì giết. Đấu tranh võ trang và đấu tranh chính trị tiến hành song song. Tuy nhiên khi chuyển lên Vận động Chiến và Trận địa Chiến, CSVN vất bỏ dân, binh và địch vận hay giết chóc thủ tiêu lẻ tẻ mà thay thế bằng sự kết hợp quân sự, chính trị, và ngoại giao trong “chiến tranh cách mạng” (“revolutionary war”, nói trên) và tàn sát đối phương hay dân chúng với qui mô tập thể. Vì vậy nên ở giai đoạn cuối cùng Tổng Công kích và Tổng Khởi nghĩa, CSVN chỉ thực hiện được một vế Tổng Công kích. Vì mất nhân tâm nên không thể có Tổng Khởi nghĩa. Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam CSTQ và CSVN chỉ thắng được vì... Hoa Kỳ bỏ cuộc. Nói cách khác, như Tổng thống Nguyễn văn Thiệu nói, là “phản bội.” Trong bài tham luận “Lessons from the Vietnam War”, tôi cũng viết: Sometimes, I wonder how much the U.S. has learned from its policies of ‘supporting and abandoning its allies?’” [“Đôi khi tôi tự hỏi Hoa Kỳ đã rút tỉa kinh nghiệm được mấy về sách lược yểm trợ và bỏ rơi đồng minh của mình?”] (23) Ông Thiệu dùng chữ rõ ràng hơn “betrayal.

Về phía quốc gia, cho đến khi Bảo Đại về chấp chính, tuy Hiệp ước Elysée đã ký và duyệt y nhưng Chính phủ Pháp ở Đông Dương vẫn chưa thực sự thành lập quân đội quốc gia cho Việt Nam. Chỉ có Nghị định của Bộ Quốc phòng ban hành ngày 13/4/1949 thành lập lực lượng “Vệ Binh Quốc gia” [La Guarde Nationale], kỳ thực đó chỉ là tên gọi chung của Vệ Binh Nam Việt, Việt Quốc Đoàn, Bảo Chính Đoàn trước đây sát nhập lại và thêm một đơn vị nữa là Vệ Binh Sơn Cước, nhưng Pháp vẫn tiếp tục chỉ huy các đơn vị vệ binh này --tất cả khoảng 60,000 quân-- và chỉ đạo chiến tranh đánh nhau với Việt Minh. Đến trước tháng 12/1949, lực lượng viễn chinh Pháp tỏ ra khó kiểm soát hết các vùng đã chiếm đóng trong Nam nên thuận để cho các lực lượng Cao Đài thành lập ở miền đông và lực lượng Hòa Hảo ở các tỉnh ở Hậu Giang. Hai lực lượng này chống Việt Minh cao độ, nhất là sau khi đức Thầy Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh ám hại. Ngay tại Sài Gòn, các tổ công tác thành của Việt Minh hoạt động ráo riết dân binh địch vận trong nội thành, nên Pháp để cho Bảy Viễn hay Lê Văn Viễn thành lập đơn vị võ trang và nắm cơ quan công an. Ở Miền Bắc Việt Nam quân viễn chinh Pháp thu được những kết quả tương đối. Cuộc hành quân tảo thanh lớn nhất “Lee Operation” do Tướng Tư lệnh Pháp Valluy tổ chức tháng 11/1947 tại Việt Bắc với 20 tiểu đoàn suýt bắt được Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở Bắc Kạn, tuy nhiên cũng làm cho Việt Minh tổn thất trên 9,000 cán binh, kể cả vài bộ trưởng của Chính phủ Kháng chiến CSVN. (24) Thời điểm từ tháng 12/1946 đến tháng 12/1949, CSVN của Hồ Chí Minh và Việt Minh còn ở trong Giai đoạn 1 “Du kích Chiến và Bạo động Chiến” lo củng cố căn cứ địa và xây dựng lực lượng võ trang, gây bạo động rối loạn, ám sát, bắt cóc, thủ tiêu đồng thời tiến hành thầm lén tuyên truyền “dân, binh và địch vận” từ Bắc chí Nam, vì vậy quân viễn chinh Pháp chiếm thượng phong. Đối với Chính phủ Quốc Gia Việt Nam việc thực thi Hiệp ước Elysée, Quốc trưởng Bảo Đại đã tìm cách và chọn nhiều chính khách có uy tín nối tiếp nhau lập nội các để tiếp tục đấu tranh trên căn bản của hiệp ước nhưng không thực hiện được các điều khoản quan trọng đã ký vì khoảng thời gian này lực lượng Pháp còn chiếm ưu thế ở chiến trường.

Tuy nhiên từ đầu năm 1950 trở đi, cục diện chiến tranh ở Đông Dương đã thay đổi, sau khi Chính phủ Truman, đảng Dân Chủ Hoa Kỳ, đã tự bỏ rơi Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và đạo quân QDĐ/TH gần hai triệu người của Tưởng Giới Thạch. Nói rõ là Hoa Kỳ bỏ Lục địa Trung Hoa cho Đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Đây là lỗi lầm trọng đại nhất của Hoa Kỳ. (25) Tháng 12/1945, Tổng thống Truman đưa Tướng George C. Marshall, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, sang Trung Hoa như một “Đặc sứ toàn quyền” để hòa giải hai phe Quốc, Cộng lần chót. Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch cùng ký chung hiệp ước thành lập quân đội Trung Hoa tháng 2/1946. Nhưng chỉ vài tuần sau, nội chiến tái diễn dữ dội hơn. Từ tháng 3 đến tháng 6, 1946, quân QDĐ/TH của Tưởng đánh bật quân CSTQ của Mao lên mạn Bắc Trung Hoa và Mãn Châu. Tuy nhiên, chiến thắng của Tưởng làm cho Đặc sứ Marshall không hài lòng vì sự hợp tác giữa Quốc–Cộng Trung Hoa đã tan vỡ. Ngày 29/6/1946, Marshall ra lệnh cắt viện trợ cho lực lượng QDĐ/TH và CSTQ. Quyết định này ảnh hưởng trực tiếp cho lực lượng QDĐ của Tưởng Giới Thạch. Tháng 9/1946 các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và các đại đơn vị khác của Hoa Kỳ được lệnh rút ra khỏi lục địa Trung Hoa. Ngày 6/1/1947, Marshall tuyên bố không hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Hoa, trở về Hoa Kỳ. Bỏ mặc quân QDĐ cho định mệnh của họ. Quân CSTQ được Liên Xô trao toàn bộ vũ khí và trang bị, kho tàng thực phẩm của một triệu quân Nhật bỏ lại Mãn Châu cho Lâm Bưu, Tư lệnh Hồng Quân CSTQ của Mao. CSTQ đã phản công toàn diện. Trong hai năm liên tục, nhiều lộ quân QDĐ/TH chiến đấu trong khốn cùng, không đạn dược và thiếu lương thực. Quân CSTQ chiếm Bắc Kinh –tại đây ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (The People’s Republic of China). Hồng Quân CSTQ tiếp tục vượt Hoàng Hà, vượt Trường Giang, và chiếm Nam Kinh. Ngày 7/12/1949, tàn quân QDĐ/TH và Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch hoàn tất cuộc rút lui ra đảo Đài Loan. Đến lúc đó, Hoa Kỳ tái lập viện trợ cho Tưởng Giới Thạch để giữ Đài Loan. Đã trễ và đã thua. Thế giới hỏi tại sao? Không ai trả lời... Chính giới Hoa Kỳ nổi sóng. Chỉ ít lâu sau họ quên đi, nhưng lịch sử... không quên. Trung Cộng thay Trung Hoa Dân Quốc trở thành một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc [Security Committee of the United Nations]

CSTQ chiếm Lục địa Trung Hoa, lực lượng viễn chinh Pháp không còn cơ hội để chiến thắng cuộc chiến ở Đông Dương, nhất là ở Việt Nam. Võ nguyên Giáp tuyên bố là lực lượng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (The People’s Army of Vietnam –PAVN) đã có một triệu quân. Trên thực tế, bộ đội này của CSVN –gọi là “Bộ đội cụ Hồ” (Bộ đội HCM)-- lúc đó chính thức được Hồng Quân CSTQ huấn luyện, trang bị và tổ chức thành cấp đại đoàn, sư đoàn chính quy, tại các căn cứ ở biên giới Vân Nam và Quảng Tây. Đến đầu năm 1950, CSVN có 5 sư đoàn bộ chiến 304, 308, 312, 316, 320 và một sư đoàn lớn hỗn hợp bộ, pháo, công binh cơ giới 325. Tất cả các đại đơn vị này, từ cấp tiểu đoàn trở lên đều có cố vấn trong Đoàn Cố vấn Quân sự CSTQ, gồm 281 cán bộ và cố vấn, do Tướng Vi Quốc Thanh chỉ đạo đặt cạnh Bộ TTL/QĐND của Võ Nguyên Giáp. Ở cấp chỉ đạo Đảng CSVN và Chính phủ của Hồ Chí Minh có Đoàn Cố vấn Chính trị do La Quý Ba, Ủy viên Trung ương của Đảng CSTQ chỉ đạo. CSTQ còn đưa danh tướng Trần Canh sang đặt kế hoạch cho bộ đội HCM trong các chiến dịch tấn công lực lượng Pháp ở Đường # 4 biên giới Việt-Trung. Về phía Pháp, Cao ủy d’Argenlieu và Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương là Tướng Marcel Carpentier chống đối việc thành lập Quân Đội Việt Nam. Như vậy, đến đầu năm 1950, bộ đội HCM có 7 đại đơn vị cấp sư đoàn và là lực lương võ trang đầu tiên có gần ba trăm cố vấn TQCS với hàng khối vũ khí và thiết bị quân sự và ba đại cố vấn CSTQ về chính trị và quân sự --chiến lược lẫn chiến thuật. Tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng CSVN khác trở thành robots mặc dù đã đến thời điểm Bắc Kinh ra lệnh triển khai giai đoạn II và III Chiến tranh Cách mạng -–Revolutionary War-- của Mao Trạch Đông, Vận động Chiến và Công kiên Chiến (Mobile and Conventional Warfares). Trong khi đó Quân Đội Quốc Gia Miền Nam chỉ được thành lập hạn chế với một số Tiểu đoàn Việt Nam (Bataillons Vietnamiens) do sĩ quan Pháp chỉ huy. Số sĩ quan Việt Nam do Pháp đào tạo chỉ được vài mươi người. Nhưng về sau chính những sĩ quan này lãnh đạo Miền Nam.

Trong cuộc họp cấp Ủy viên Trung ương Đảng CSTQ ngày 27/6/1950, Mao Trạch Đông tuyên bố:Vì cuộc cách mạng của chúng ta hoàn thành thắng lợi, chúng ta có trách nhiệm giúp các nước khác. Đó gọi là Chủ nghĩa Quốc tế.” [Since our revolution has achieved victory, we have the obligation to help others. This is called internationalism]. (26)

Ngày 16/9/1950, chiến dịch trên Đường # 4 khởi diễn. Trận đánh này là điển hình chiến thuật “công đồn đả viện” của Tướng Trần Canh sáng tạo và chỉ đạo, được bộ đội HCM học tập, thực hành lần đầu tiên này và áp dụng triệt để hơn hai thâp niên sau trải suốt hai cuộc chiến Việt Nam. Trần Canh chọn căn cứ đóng quân cấp tiểu đoàn Pháp (-) --khoảng dưới 300 quân-- ở Đông Khê, nằm trên trục lộ # 4, cách Cao Bằng 1/3 đoạn đường xuống Lạng Sơn, cho một sư đoàn quân (10,000 người) Võ Nguyên Giáp tấn công để thu hút quân tiếp viện của Pháp từ hai tỉnh này kéo đến tiếp viện. Quả nhiên cánh quân thứ nhất từ Lạng Sơn do Trung tá Le Page kéo lên Thất Khê rồi tiến lên giải cứu Đông Khê. Cánh quân thứ hai của Trung tá Charton, cũng bỏ Cao Bằng, kéo xuống Đông Khê cùng mục đích. Cả hai cánh quân tiếp viện này đều lọt vào ổ phục kích của quân Võ Nguyên Giáp phía bắc và nam căn cứ Đông Khê –cấp sư đoàn (+) ở mỗi điểm phục kích. Hai cánh quân này bị đánh tan rã, hai trung tá này của Pháp bị bắt; hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị bắt làm tù binh. Có thể Trần Canh đã sử dụng ít nhất là 4 sư đoàn bộ và 3 hay 4 trung đoàn pháo của Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch biên giới tấn công Đường # 4 này, không kể các sư đoàn trừ bị, mang lại kết quả to lớn đầu tiên cho bộ đội HCM, chấn hưng cao độ tinh thần cán binh bộ đội HCM. Công kiên và phục kích chiến trở thành chiến thuật hữu dụng. Từ quan điểm chiến thuật này sinh ra thêm lối đánh “tiền pháo hậu xung”. Dội pháo dữ dội tiêu diệt công sự phòng thủ của địch quân trước, rồi xung phong tràn ngập căn cứ với “biển người” [human waves]. Cũng chính Trần Canh bày cho quân Võ Nguyên Giáp áp dụng ngay trong trận Đông Khê. Vì vậy tổn thất của bộ đội HCM trong chiến dịch này rất lớn. Sau trận này Tướng Marcel Carpentier, Tư lệnh lực lượng Pháp ở Đông Dương ra lệnh bỏ tất cả căn cứ của Pháp ở bắc, đông bắc Bắc Việt: Lào Kay, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, kể cả một phần bắc Thái Nguyên. Tất nhiên, sau đó ông Tướng này, kể cả ông Cao ủy Đông Dương cũng mất chức. Tướng Trần Canh được Bắc Kinh gọi về làm tư lệnh phó cho Tướng Bành Đức Hoài trong cuộc chiến Hàn quốc. (27) Địa bàn vận-động-chiến của bộ đội HCM mở rộng. Tháng 12/1950 Pháp đưa Đại tướng De Lattre de Tassigny sang làm Cao ủy kiêm Tư lệnh quân lực Pháp ở Đông Dương.

Chính Tướng De Lattre, một danh tướng Pháp trong Đệ II TC mà chúng ta chưa quên, là nhà chiến lược hiểu rõ hơn ai hết về một “cuộc chiến ủy nhiệm”. De Lattre rất muốn Chính phủ Pháp thực hiện việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Trong một bài diễn văn, ông kêu gọi thanh niên Việt Nam gia nhập quân đội để bảo vệ quốc gia; ông nói: -“Dĩ nhiên, mọi người có khuynh hướng cho rằng Việt Nam không là quốc gia độc lập vì là một thành viên của Liên Hiệp Pháp. Không đúng! Trong vũ trụ, đặc biệt là trong thế giới của chúng ta ngày nay không thể có những quốc gia độc lập tuyệt đối. Chỉ có những nền độc lập liên hợp sinh lợi và những nền độc lập nguy hiểm. Các bạn trẻ Việt Nam... đây là thời điểm để các bạn bảo vệ tổ quốc.” (28) Câu nói sâu xa này vừa là lời biện minh cho lực lượng Pháp... đang nhận tiền của Hoa Kỳ đánh CSQT ở Việt Nam (vừa thoái thác vừa công nhận một cuộc chiến “ủy nhiệm” mà Pháp nhận lãnh) khi khôn khéo nêu rõ “không có gì gọi là độc lập tuyệt đối” mà mọi quốc gia tùy thuộc lẫn nhau (kêu gọi giới tuổi trẻ Việt Nam cùng tham gia “đánh giặc mướn” chống CSQT có lợi cho Pháp và Thế giới Tự do, mà De Lattre gọi là “bảo vệ tổ quốc”). Sự kêu gọi này hùng hồn không kém lời kêu gọi gian dối của Hồ Chí Minh kích thích nhân dân Việt Nam hy sinh vì nền độc lập của đất nước mà giấu nhẹm vai trò đánh thuê để góp công bành trướng “Đế quốc Mới Đệ III CSQT”, nhưng De Lattre thành thực hơn. Ở thành thị, khá đông thanh niên, sinh viên và học sinh tình nguyện vào Quân Đội Quốc Gia, theo học Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, hoặc động viên vào trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định hay Thủ Đức, vào các trường Hạ sĩ quan... Rồi cả một thế hệ hay đôi ba thế hệ Việt Nam yêu nước thuở đó tưởng rằng mình đã hy sinh xương máu cho độc lập, tư dọ và hạnh phúc của đồng bào và đất nước mình. Thế hệ của chúng tôi đều bị lợi dụng và đã không biết, và nếu có biết thì cũng bị guồng máy chiến tranh cuốn vào và bị nghiền nát ra. Lý do chính là vì chúng tôi chỉ là dân lành yêu nước, thấp cổ, bé miệng. Ai hiểu rõ những lý do ẩn tàng này, những người bên thắng hay bên thua cuộc? Ai hiểu rõ tất cả chúng ta đều là những người bị xua vào chiến cuộc bởi những thế lực ngoại bang?

Chính phủ Bảo Đại có Bộ Quốc phòng, tuy Tướng De Lattre tuyên bố như vậy nhưng mãi đến tháng 5/1952 QĐQG/VN mới bắt đầu thành lập, trước tiên là Bộ Tổng Tham Mưu với một Đại tá Không Quân Pháp, gốc Việt, là Nguyễn văn Hinh làm Tổng Tham Mưu Trưởng, mang cấp Trung tướng; tuy nhiên quân đội này chưa có đại đơn vị mà chỉ tăng thêm số Tiểu đoàn Việt Nam vẫn do sĩ quan Pháp chỉ huy. Rất ít tiểu đoàn do các sĩ quan VN xuất thân từ Khóa 1 Nước Ngọt ở Bà Rịa và Khóa 2 Đập Đá ở Huế chỉ huy. Lúc đó, Trường Liên quân Võ bị Đà Lạt và Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức cũng đã đào tạo các khóa sĩ quan đầu tiên.

Đầu năm 1951, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Lao Động (tên gọi này cũng do Mao Trạch Đông đặt khi Đảng CSĐD, thực ra là Đảng CSVN, tái thành lập) nghe theo Cố vấn Chính trị La Quý Ba và Cố vấn Quân sự Vi Quốc Thanh tán thành giai đoạn cuối cùng, TCK & TKN của “chiến tranh cách mạng” chống Pháp. Võ Nguyên Giáp đưa hơn ba sư đoàn chính quy tấn công xuống đồng bằng Sông Hồng [The Red River Delta]. Tướng De Lattre hình như tiên đoán được ý định và sách lược của CSVN, nên đã ra lệnh kiến tạo hệ thống phòng thủ vùng đồng bằng này và bảo vệ chặt chẽ Hà Nội gọi là “Tuyến De Lattre” [De Lattre Line]. Ông cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch phản công, đồng thời ra lệnh kiện toàn hệ thống cứ điểm ở tây bắc, Sơn La, Nghĩa Lộ, Lai Châu và Cao nguyên Thái [Thai Highland] trên Đường # 6, nhằm ngăn chặn bộ đội HCM tiến sang Lào. Khi các Sư đoàn 308, 312 và 316 của Võ Nguyên Giáp tấn công vào tuyến De Lattre lần thứ nhất ở Vĩnh Yên, 40 km bắc Hà Nội ngày 13/1/1951, đã bị dội bom Napalm và quân Nhảy Dù Pháp phản kích, nên tổn thất rất nặng, trên dưới 9,000 cán binh bị giết, một số tương đương bị thương và 600 bị bắt. Hai tháng sau, ngày 23/3, lần thứ hai Võ Nguyên Giáp đem ba sư đoàn tấn công tuyến quân Pháp ở Mao Khê, vùng tây bắc Hà Nội, cũng thất bại và tổn thất không kém lần trước vì loại bom Napalm xăng đặc này. Như vậy cho thấy chiến thuật công kiên tấn công biển người của Trần Canh không phải không có khuyết điểm, nếu đối phương mạnh về không yểm và quân tấn công thiếu lực lượng phòng không. Tuy nhiên Bộ đội HCM cũng đã trì chân được ở vùng châu thổ Sông Hồng và Sông Đáy. Có những trận đánh khác rất lớn diễn ra và Tướng De Lattre luôn luôn ở thế thắng, trước sau gây cho Bộ đội HCM những thiệt hại trên dưới 50,000 quân, tuy ông cũng trả giá bằng cái chết của đứa con trai duy nhất của ông và dòng dõi De Lattre.



BẢN ĐỒ VIỆT NAM
(SAU KHI TƯỚNG DE LATTRE DE TASSIGNY LẬP VÒNG
ĐAI PHÒNG THỦ HÀNỘI VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG)
 

Có thể nói De Lattre de Tassigny là danh tướng duy nhất của Pháp có thể chống lại bước tiến của Mao Trạch Đông đang dùng đạo quân của HCM đánh chiếm và xích hóa toàn bộ Đông Dương và nam tiến, như Mao chỉ thị cho thuộc hạ trong một cuộc họp Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng CSTQ: “Bằng mọi cách chúng ta phải chiếm cho được Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai và Singapore... Vùng này giàu khoáng sản, xứng đáng trả giá đắt. Sau khi chiếm xong Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng trưởng lực lượng trong vùng. Và chúng ta tất sẽ đủ mạnh để đối đầu với Liên Xô và khối Đông Âu; gió Đông sẽ mạnh hơn gió Tây.” (29) Tham vọng của Mao Trạch Đông rất lớn và rõ rệt. Để thực hiện giấc mộng lớn của mình, sau khi xây dựng lực lượng của Hồ Chí Minh khá vững chãi đủ để xích hóa Đông Dương và nam tiến, Mao đưa Tướng Bành Đức Hoài và tăng cường thêm Tướng Trần Canh xua đạo quân gần 400,000 người cùng đạo quân của Kim Nhật Thành, lãnh tụ Cộng Sản Hàn Quốc, tấn công chiếm Nam Hàn, gây ra chiến tranh Hàn Quốc năm 1950; đây có thể là chiến lược lớn “dương đông kích tây” lôi kéo lực lượng của Thế giới Tự do vào hướng đông, để trống hướng nam cho lực lượng HCM dễ dàng tung hoành. Cũng tiếc cho Pháp và Thế giới Tự do, vì chỉ ít lâu sau các trận đánh ở châu thổ Sông Hồng, De Lattre bị ung thư rất nặng phải về Pháp trị bệnh và từ trần tháng 11/1951. Tướng Raoul Salan thay thế Tướng De Lattre làm Tư lệnh quân lực Pháp và Jean Letourneau sang Đông Dương với chức danh mới là Bộ trưởng Liên bang Đông Dương --Minister of the Associated Nations of Indochina-- cao hơn chức Cao ủy. Điều này chứng tỏ Pháp không muốn nhả miếng mồi ngon này.

Đến thời điểm đó, có lẽ Hoa Kỳ đã nhận thấy sai lầm đã bỏ Lục địa Trung Hoa cho CSTQ nhưng chưa nhận thấy chỉ có lực lượng QDĐ của Tưởng Giới Thạch mới đủ sức đánh quân CSTQ của Mao Trạch Đông mà không phải là quân lực nước ngoài trong một cuộc chiến đặc biệt của những “kẻ nội thù”. Hoa Kỳ luôn luôn áp dụ̣ng chính sách “Giai Đoạn”. Bạn hay thù, yểm trợ hay dứt bỏ... chỉ là giai đoạn của sách lược lâu dài cố hữu: “vì sự lợi ích của Hoa Kỳ”. Điều này bất khả luận, phải nhận là đúng, nhưng sách lược này làm Hoa Kỳ mất mát nhiều sinh mạng, tài chính và uy tín, nhất là để lại hậu quả dâu biển, tang thương cho các nước một thời là đồng minh. Thực vậy, mặc dù lúc đó Hoa Kỳ, với chiến thắng của MacArthur, đã giải quyết được chiến tranh Hàn Quốc, tuy di họa vẫn còn... nhưng vẫn ngó về Việt Nam, và sẵn sàng mở rộng thêm hầu-bao tuôn tiền qua đó, mặc dù cái túi tiền này đã mở ra viện trợ quân sự cho Pháp năm 1950 là 10 triệu Mỹ kim và từ tháng 6/1950 Hoa Kỳ đã đưa sang Sài Gòn Phái bộ Cố vấn Viện trợ Quân sự Đông Dương, MAAG-I [the U.S. Military Assistance Advisory Group-Indochina] do Tướng Francis G. Brink chỉ huy. Đến khi Carpentier bỏ Việt Bắc, viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Pháp ở Đông Dương đã quá mức 100 triệu Mỹ kim, nhưng tình hình chiến sự ở Việt Nam càng ngày càng bất lợi thêm cho lực lượng Pháp từ cuối năm 1951 khi De Lattre mất.

Tháng 2/1952 Cố vấn Quân sự Vi Quốc Thanh trình về Bắc Kinh sơ thảo chiến dịch tấn công tây bắc Bắc Việt dự trù cho bộ đội HCM. Tháng 4, kế hoạch được duyệt xét lại. Tháng 7 kế hoạch được Quân ủy Trung ương Đảng CSTQ chấp thuận. Tháng 8/1952, Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công căn cứ Pháp ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, và chiếm toàn bộ vùng sông Đà, kể cả Sơn La, tây bắc Hà Nội, dọn đường đưa quân sang Lào. Để phản công, Tư lệnh quân Pháp Tướng Salan mở cuộc hành quân Lorraine với 30,000 quân lên Phú Thọ, Yên Bái và Tuyên Quang vào cuối tháng đó. Cuộc hành quân này chỉ trì hoãn quân của Pháp tiến sang Lào và vì Tướng Salan sợ bị cắt đường tiếp vận nên ra lệnh chấm dứt cuộc hành quân vào trung tuần tháng 11/1952. Trong tháng này, ở Hoa Kỳ, Tướng Eisenhower, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, đắc cử Tổng thống. Đến cuối năm 1952, Hoa Kỳ đã chi phí cho Pháp ở Đông Dương đến hơn 700 triệu Mỹ kim nhưng lực lượng Pháp của Salan đã không thể ngăn cản được bộ đội HCM sang Lào.

Đầu năm 1953, khi vào Nhà Trắng, Eisenhower rất chú tâm về cuộc chiến Đông Dương và đặc biệt chú ý về tình hình ở Bắc Việt và ở Lào. Tháng 3/1953, phái đoàn Pháp, gồm Thủ tướng René Mayer, Ngoại trưởng Georges Bidault và Bộ trưởng Đông Dương Jean Letourneau sang Washington cầu viện xin thêm chiến phí và được chấp thuận 385 triệu Mỹ Kim với điều kiện Pháp phải gởi thêm sang Đông Dương hai sư đoàn bộ binh, lập kế hoạch diệt trừ quân CSVN trong hai năm và kiện toàn việc thành lập Quân Đội QGVN. Tháng 4, Phó Tổng thống Richard M. Nixon được cử sang thị sát chiến trường Đông Dương. Tháng 5, Chính phủ Pháp chỉ định Tướng Henri Navarre thay thế Salan. Bộ trưởng Letourneau khi trở về Đông Dương không lập được một kế hoạch thiết thực nào để đánh CSVN nhưng có lối sống như một ông hoàng cao hơn các ông hoàng thực sự của ba nước Việt, Miên và Lào. Pháp cũng không đưa thêm quân sang Việt Nam. Việc kiện toàn Quân Đội QGVN tiến hành nhanh hơn. Chính phủ QGVN ra lệnh động viên thanh niên từ 18 đến 33 tuổi. Ở trung ương, Bộ Tổng Tham Mưu, thêm một vài cơ quan. Ở địa phương, thành lập các quân khu và các bộ tư lệnh. Quân khu I gồm các tỉnh thuộc Nam Việt; Quân khu II, các tỉnh duyên hải Trung Việt; Quân khu III các tỉnh Bắc Việt; và Quân khu IV các tỉnh Cao nguyên Trung Việt, với các Tư lệnh Quân khu cấp bậc Đại tá hay Thiếu tướng Việt Nam. Về tác chiến, mỗi Quân khu thành lập một Liên đoàn Lưu động [Groupement Mobile] gồm ba tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo; lập thêm một số Tiểu đoàn Việt Nam [Bataillons Vietnamiens] phụ trách lãnh thổ; và thành lập thêm một số Tiểu đoàn Khinh quân [Bataillons Légers] hành quân lưu động. Vì tình hình chiến sự nên Quân khu III và IV, mỗi nơi có hai Liên đoàn Lưu động [Goupements Mobiles]. Pháp cũng trả dần quyền chỉ huy các đơn vị tác chiến cho các sĩ quan Việt Nam. Pháp cũng chấp nhận các đơn vị vũ trang của các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo và phong cấp tướng hay đại tá cho một số các cấp chỉ huy giáo phái. Lê Văn Viễn, chỉ huy đoàn quân ô hợp Bình Xuyên ở Sài Gòn-Chợ Lớn cũng được phong cấp Thiếu tướng. Các sự kiện thành lập các quân khu, các đơn vị tác chiến Việt Nam, thu nhận các đơn vị võ trang giáo phái, không là chứng minh thiện chí trả độc lập và quyền “hành xử nội bộ” cho Chính phủ Quốc Gia Việt Nam theo các điều khoản chính của Hiệp ước Elysée mà thực ra Letourneau chỉ muốn có thêm quân bản xứ đánh CSQT ở Việt Nam, chết thay cho quân Pháp. Trong khi đó thì Bộ Tham mưu Pháp chỉ huy toàn bộ các cuộc hành quân dù nhỏ hay lớn. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội QGVN chỉ tuyển mộ, huấn luyện quân và điều hành tiếp vận cung cấp cho chiến trường là chính. Các Bộ Tư lệnh Quân khu cũng vậy. Rõ ràng Pháp bội ước, không đưa hai sư đoàn bộ chiến sang Việt Nam. Họ sử dụng người Việt để họ đánh thuê cho thế lực giàu mạnh hơn. Các sử gia nước ngoài và Việt Nam ít người nêu rõ dã tâm này của Pháp. Pháp nhận tiền của Hoa Kỳ rồi lợi dụng gan mật của giới trẻ Việt Nam đem phơi ngoài bãi chiến... Vậy mà chúng tôi những ngỡ là đánh giặc để giữ nước vì lòng yêu tổ quốc của mình. Tất nhiên ít lâu sau đa số tỉnh thức, nhưng túng thế phải tùng quyền. Quốc trưởng Bảo Đại, dù mang tâm huyết đó cũng nhận thức được sự bất lực của mình, nên giao chính sự cho những người mà ông tin rằng có khả năng đối thoại với thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, ra đi lần nữa. Ông không muốn nói gì thêm với những tên thực dân này.

Khi Navarre chính thức nhận chức ở Đông Dương là lúc sắp diễn ra những thay đổi lớn lao cục diện chiến tranh. Trong cuộc họp chóp bu ngày 22/8/1953, CSVN định bỏ kế hoạch đưa quân sang Lào, ngược lại quyết định mở chiến dịch tổng tấn công lần nữa vào tuyến De Lattre và châu thổ  Sông Hồng. Cố vấn Quân sự Vi Quốc Thanh, được tham dự buổi họp, báo cáo về Bắc Kinh. Mao Trạch Đông gởi hai điện văn ngày 27 và 29/8 chỉ thị cho CSVN tấn công Lai Châu, tây bắc Việt Bắc, và tiến sang Lào. Nội dung các bức điện đó, sau này giải mật, được tác giả Qiang Zhai ghi lại phần quan trọng nhất, như sau: “Diệt địch quân vùng Lai Châu, giải phóng thượng Lào và trung Lào, và từ đó mở rộng chiến trường xuống hạ Lào và Cao Miên để khống chế Sài Gòn.(30) Với tin tức quân CSVN tập trung vùng Lai Châu, Navarre quyết định thiết lập căn cứ ở Điện Biên Phủ (ĐBP) vừa ngăn cản quân CSVN tiến sang Lào vừa dẫn dụ đại quân của Giáp về đây để tiêu diệt bằng không quân. Cứ điểm này ở thung lũng Điện Biên Phủ, biên giới Việt-Lào, ở hướng tây cách Hà Nội 188 dặm, trước sau có 15,000 quân do Đại tá De Castries chỉ huy. Nhiều tài liệu cho rằng Tướng Vi Quốc Thanh lập kế hoạch và giám sát chi tiết từng giai đoạn bao vây tấn công Điện Biên Phủ của bộ đội HCM với hơn bốn sư đoàn bộ chiến và hai sư đoàn pháo do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trước đó, theo Qiang Zhai, Mao Trạch Đông chỉ thị lập thêm cho bộ đội HCM hai sư đoàn pháo binh và hai trung đoàn công binh chiến đấu với kỹ sư và chuyên viên chọn lọc từng chiến đấu ở Hàn Quốc có kinh nghiệm đào giao thông hào tiến quân tiếp cận vị trí địch, tăng cường cho Võ Nguyên Giáp. (31) Cuộc tấn công diễn ra ngày 12/3/1954. Võ Nguyên Giáp, muốn chiến thắng nhanh, cho lệnh tấn công biển người, bị tổn thất nặng. Bắc Kinh ra lệnh Vi Quốc Thanh chỉ dẫn cho Giáp dùng chiến thuật “chia cắt quân địch thành từng cụm và bao vây tiêu diệt gọn chúng từng phần” [separating and encircling the enemy and then wiping them out bit by bit]. Các trung đoàn công binh, với chuyên viên CSTQ, phân tán theo các đơn vị bộ binh của Giáp, đào giao thông hào tiếp cận vào từng cụm cứ điểm của Pháp. Quân của Giáp di chuyển theo giao thông hào tiến dần đến các pháo đài Pháp, tấn công diệt từng cụm. Tiến công chậm, nhưng thành công chắc. Trong khi đó các sư đoàn pháo mới thành lập, với loại đại pháo cơ giới di động tối tân, bố trí vị trí pháo đào sâu trên các sườn núi, giập đạn pháo dữ dội vào trung tâm cứ điểm. Lúc đó, không quân Pháp bất lực trước lối đánh độn thổ này. Tình hình nguy ngập. Tướng Paul Ely, Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp yêu cầu Hoa Kỳ yểm trợ căn cứ ĐBP bằng không lực.

TT Eisenhower, trước tiên định cứu nguy ĐBP, đã chỉ thị lập kế hoạch không yểm qui mô “Guernica Vulture”, có thể sử dụng bom nguyên tử chiến thuật, nhưng sau vì nhiều lý do, nên thay đổi ý định, để Pháp tự liệu. Ngày 1/5/1954, cụm pháo đài chỉ huy cứ điểm bị tấn công dữ dội. Ngày 7/5/1954, Navarre ra lệnh cho De Castries đầu hàng. (32) Hoa Kỳ đã chi phí cho Pháp ở Đông Dương 1 tỷ Mỹ kim và 1 tỷ khác ở chính quốc theo kế hoạch Marshall.

Hội nghị Genève từ đầu tháng 5/1954, kết thúc với Hiệp định “Chia đôi Việt Nam” ký vào nửa khuya đêm 20/7/1954 giữa Thiếu tướng Pháp Henri Delteil và Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu của CSVN. Như vậy, Pháp và CSVN cắt xẻ Việt Nam ở Vĩ tuyến 17, lấy Sông Bến Hải làm ranh giới Miền Bắc và Miền Nam. Ngoại trưởng Trần văn Đỗ của Chính phủ Quốc Gia Việt Nam và đại diện Hoa Kỳ không ký. Hiệp định Genève được thi hành, trong vòng 300-ngày di tản chính thức, từ tháng 8/1954 đến tháng 5/1955, hơn 860,000 người di cư vào Miền Nam. Tham vọng của Pháp vô lượng, muốn hòa hoãn với CSVN ở Miền Bắc, nhưng vẫn muốn chiếm Miền Nam, không chịu buông. Tướng Paul Ely được đưa sang Miền Nam. Ely sử dụng Tướng Nguyễn văn Hinh tiếp tục nắm chặt Quân Đội Việt Nam.

Trước đó, ngày 16/6/1954 Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định ông Ngô Đình Diệm (NĐD) làm Thủ tướng thay Hoàng thân Bửu Hội. Ngày 26/6, ông Diệm về nước. Ngày 7/7/1954 nội các NĐD thành lập xong. Chính phủ của ông được Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower yểm trợ cực lực. Eisenhower chủ trương thuyết “Dominos”. Ông cho rằng một quân bài domino đầu ngã sẽ kéo theo những quân bài dominos kế tiếp lần lượt ngã theo. Ông coi Việt Nam ở thời điểm đó là quân bài domino đầu của Đông Nam Á. Khi mà CSQT –nhất là CSTQ-- muốn xích hóa vùng này tất phải làm đổ sụp quân bài tiền đồn này trước tiên. CSBV tất nhiên được Bắc Kinh sử dụng để Nam Tiến. Nếu bị ràng buộc vào Hiệp định Genève, nhất thời CSBV không thể công khai vượt khu phi quân sự (demilitarized zone -DMZ) Bến Hải thì sẽ âm thầm tiến quân sang Lào. Vì vậy Lào là con đường chiến lược của Bắc Kinh và CSVN, nên Eisenhower rất quan tâm và đề cập đến nhiều lần. Còn Mao Trạch Đông thì nói rất rõ ràng khi chỉ thị cho bộ đội HCM tiến sang Lào, từ đó mới có trận chiến Điện Biên Phủ, như nói trên. Cội nguồn là ở đó; sau này lãnh thổ trung và nam Lào đã trở thành con “Đường mòn Hồ Chí Minh”, hay Đường Trường Sơn Tây của CSBV. Có nhiều nhà biên soạn sử cho rằng “Thuyết Dominos” của Eisenhower là sai lầm. Chính nhận định đó sai lầm. Eisenhower không thể để cho Pháp, trong ý nghĩa nào đó là một anh đánh mướn thua trận, tiếp tục ở Việt Nam và Đông Dương. Pháp dứt khoát phải ra khỏi địa bàn đã không còn là nơi dụng võ của họ. Hoa Kỳ dứt khoát gầy dựng lực lượng của Nam Việt Nam mạnh để đứng vững, không đổ. Quân bài domino Nam Việt Nam, lúc đó do một lãnh tụ quốc gia chống Cộng sản triệt để giữ gìn. Tất nhiên Hoa Kỳ phải yểm trợ mạnh cho Ngô Đình Diệm để có một lực lượng quốc gia mạnh đối đầu với lực lượng Cộng sản của Hồ Chí Minh.

Trước đó mối thù quốc-cộng chỉ là làn ranh tư tưởng, dù đã đẫm máu. Đến sau Hiệp định Genève tháng 7/1954 nó là một hiện thể, là Sông Bến Hải, như một vết thương rộng lớn bưng mủ, phún máu, như vết chém ngang lưng của đất nước... mà đôi bờ đều đầm đìa. Trước sau gì cũng do phe cộng sản gây ra. Cái hư là sự xung đột tư tưởng và cái thực là chia đôi dòng Bến Hải trở thành chiến tranh ý thức hệ, trở thành niềm đau dân tộc. Chỉ có kẻ sống trên xương máu đồng bào chai lì, ngu si nhưng kênh kiệu, mới gọi nhau... bên thắng bên thua.